Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến về loa phường
Trước phản ánh của người dân về thiết bị thay thế loa phường không hiệu quả, Hà Nội lần thứ 2 lấy ý kiến người dân về vấn đề này.
Sở Thông tin Truyền thông vừa bắt đầu khảo sát ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (Hanoi.gov.vn), thời hạn kết thúc lấy ý kiến vào 25/10.
Gần hai năm trước, thành phố cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về loa phường sau khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó” và yêu cầu rà soát “nếu không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ”.
Loa phường tại bốn quận cũ đã dừng phát hàng ngày, chỉ phát các nội dung thông báo khẩn cấp.
Kết quả lần lấy ý kiến đầu tiên cho thấy khoảng 90% số người được hỏi cho rằng nên bỏ loa phường, tỷ lệ ý kiến cho rằng thông tin từ loa phường không có ích cũng lên đến 90%.
Từ kết quả khảo sát trên, thành phố đã sắp xếp lại hệ thống loa phường, một số phường tại các quận Ba Đình, Cầu Giấy được thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa phường. Một số quận sau đó cũng lên kế hoạch thí điểm thiết bị thay thế, tuy nhiên phương án cụ thể không được công khai. Ngay khi thành phố thí điểm thiết bị thông minh, đã có nhiều ý kiến khác nhau của chính những người dân được trang bị miễn phí thiết bị.
Tại buổi làm việc của lãnh đạo thành uỷ với Sở Thông tin vào cuối tháng 9/2018, một số đại biểu đề nghị cần sớm đánh giá khách quan việc sắp xếp loa phường vì trên thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, người dân phản ánh “thiết bị thay thế loa phường được treo ở góc tường nhà và họ không bao giờ sờ đến, không hiệu quả”.
“Trong khi đó lúc cần tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, một số nơi phải bắc loa vào xe đạp”, ông Quý nói và đề nghị Sở Thông tin đánh giá cụ thể chi tiết đến tận từng phường.
Cùng quan điểm, Trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nêu “thực tế hơn một năm qua, thiết bị thay thế không phát huy tác dụng, có nơi thuê ông bán báo dạo, giao cho chiếc băng cassette rồi nhờ ông đạp xe phát thông tin về phòng chống dịch bệnh”.
Video đang HOT
Thiết bị thông minh thay thế loa phường được thí điểm ở một số địa bàn các quận.
Ông Phong đề nghị tính toán kỹ lại việc sắp xếp loa phường “không thể chủ quan duy ý chí”, không đơn giản chỉ là phương tiện kỹ thuật mà phải đặt nó trong tình huống phát triển xã hội.
“Tôi rất băn khoăn vì gần đây nhiều cán bộ các cấp, từ ông trưởng thôn trở lên đều nói đến 4.0. Tôi rất sợ kiểu tư duy 4.0 có nghĩa là Hà Nội đang ở 3.0 và chỉ ngày mai là chuyển sang 4.0. Trên thực tế không phải như thế, chúng ta có nhiều cấp độ khác nhau, trình độ, điều kiện, khả năng sử dụng và thích nghi cũng rất khác nhau”, ông Phong nói.
Đầu tháng 8/2017, Hà Nội phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”. Theo quy định mới, hệ thống loa phường thuộc địa bàn 4 quận nội thành cũ của Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh…) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và thành phố.
Thành phố cũng giao khảo sát, lựa chọn các thiết bị thông minh (kết nối 3G, 4G, wifi…) để thay thế dần các hình thức thông tin truyền thống, bảo đảm các chức năng cần thiết. Phạm vi thí điểm là 250 hộ gia đình trên địa bàn 5 phường (2 phường thuộc quận Ba Đình, 2 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, một phường thuộc quận Cầu Giấy, 50 hộ gia đình/phường).
Theo VTC
"Người dân nghe về đô thị thông minh đã nhiều, giờ cần hành động khẩn trương!"
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã tiếp xúc doanh nghiệp, học tập nước ngoài để xây dựng đô thị thông minh và bây giờ là lúc hành động. "Người dân thành phố nghe nói về đô thị thông minh rất nhiều, bây giờ phải khẩn trương hành động để phục vụ người dân tốt hơn", ông Phong nói.
Ngày 15/9, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM chủ trì hội nghị "TPHCM mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội".
TPHCM mời gọi đầu tư xây dựng đô thị thông minh
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, mục tiêu của đề án xây dựng thành phố thông minh là góp phần giải quyết những thách thức, tắc nghẽn mà thành phố đang gặp phải, gây bức xúc cho người dân như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Qua đó, giúp thành phố phát triển kinh tế bền vững, tăng cường khả năng tương tác của chính quyền với người dân.
Theo ông Tuyến, TPHCM cần xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn thành phố; xây dựng một trung tâm an ninh thông tin thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này; xây dựng 2 trung tâm giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp thành phố mô phỏng, dự báo kinh tế, xã hội.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM là một trong những địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước sau khi lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế về đô thị thông minh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Theo Bí thư Nhân, hiện thành phố có một số lĩnh vực phát triển không bền vững, nguồn nhân lực chưa được tận dụng khai thác tốt. Các vấn đề dân số, hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường... đặt ra nhiều thách thức.
Thành phố có hơn 9 triệu dân, dự báo cứ 5 năm là tăng thêm 1 triệu người, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong 15 năm nữa. Thành phố chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng dân số chiếm tới 10%, mật độ dân số cao kéo theo đó là nhu cầu y tế, giáo dục cao trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa kịp gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng tình trạng sụt lún (mỗi năm từ 1-2cm) nên nguy cơ ngập lụt thành phố là không thể tránh khỏi.
Cũng theo Bí thư Nhân, kinh tế thành phố cũng gặp những khó khăn như tốc độ tăng trưởng giảm dần so với cả nước. Nếu như năm 2012, kinh tế tăng trưởng gấp 1,74 lần mức tăng trưởng chung cả nước thì năm 2017 chỉ còn gấp 1,23 lần. Về xuất khẩu, năm 2000, tỷ trọng xuất khẩu của thành phố chiếm 56% thì đến năm 2017 chỉ chiếm 15% cả nước...
"Bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa phát huy lợi thế vừa khắc phục các khó khăn thách thức, tiếp tục duy trì phát triển kinh tế, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế đất nước, nâng cao mức sống của người dân, chính quyền phục vụ người dân tốt hơn...", ông Nhân nói.
Theo Bí thư Nhân, đô thị thông minh có 4 chủ thể gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực. không gian mạng, internet, viễn thông, con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình.
Xây dựng đô thị thông minh, theo ông Nhân, trước hết là trách nhiệm của chính quyền, đó là chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, làm việc hiệu quả. Thứ hai là xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa các chủ thể. Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin ngày càng hiệu quả cao.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước làm sáng tỏ những nội dung cần thiết để thành phố xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (giữa), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tham quan triển lãm công nghệ
Trong một ngày diễn ra, hội nghị đã lắng nghe 15 bài tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tiếp xúc doanh nghiệp, đi tham quan học tập ở nước ngoài, nhiệm vụ trọng tâm 2018 cũng đã triển khai.
"Thành phố phải hành động quyết liệt, khẩn trương. Người dân thành phố nghe nói về xây dựng đô thị thông minh rất nhiều, giờ cần hành động để phục vụ người dân tốt hơn", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông nhanh chóng công bố triển khai các nhiệm vụ. Theo ông, không thể chậm trễ, chờ đợi học tập vì học tập là cả quá trình dài, trong quá trình triển khai sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
"Không có mô hình chung nào cho thành phố thông minh mà căn cứ theo điều kiện của mỗi thành phố mà triển khai cho phù hợp. Người dân đang trông đợi và thành phố hãy chứng minh bằng hành động thực tế để xây dựng đô thị thông minh", ông Phong nhấn mạnh.
Quốc Anh
Theo Dantri
TPHCM sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân qua Facebook? Nhằm tạo nhiều tiện ích cho người dân, đa dạng các phương thức phản ánh thông tin, Sở Thông tin - Truyền thông đề xuất UBND TPHCM tiếp nhận thông tin phản ánh từ mạng xã hội Facebook bằng hình thức lập fanpage cho hệ thống 1022. Sở Thông tin - Truyền thông vừa đề xuất UBND TP đồng ý cho mở rộng...