Hà Nội tiếp tục chặt hạ cây nguy hiểm trong mùa mưa bão
Để bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – yêu cầu Sở Xây dựng khảo sát, đánh giá để thay thế những cây nguy hiểm có nguy cơ đổ gãy trong mùa mưa bão.
Ngày 9/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2015. Tại đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhắc lại việc thay thế hoàng loạt cây xanh hai bên tuyến phố khiến dư luận bức xúc thời gian qua.
Hà Nội sẽ chặt hạ những cây có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão
Ông Thảo cho biết, thành phố sẽ không nóng vội trong việc cải tạo thay thế cây không đúng chủng loại, cây xấu… Tuy nhiên, với những cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân thì phải chặt hạ thay thế.
Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục lập hồ sơ, thay thế, chỉnh trang các loại cây nguy hiểm theo đúng quy định. Ngoài việc lập hồ sơ cụ thể cây cần chặt hạ thay thế trong mùa mưa bão, ông Thảo yêu cầu đơn vị liên quan phải thông tin công khai, minh bạch quyết định chặt hạ cây, số gỗ đó được chuyển về địa điểm nào, bán đấu giá cho ai. Đặc biệt, cây mới trồng thay thế, những cây chặt hạ là cây gì cũng phải được thông tin rõ ràng để nhân dân được biết.
Video đang HOT
Trước đó, trong văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – yêu cầu ngoài việc nghiêm túc dừng cải tạo, thay thế cây xanh hai bên tuyến đường, đơn vị này còn phải tập trung các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước, trong mùa mưa bão.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu rà soát việc chặt hạ 6.700 cây xanh
Chiều ngày 18/3, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, dư luận phản ánh về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, điển hình trong đó có bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch UBND thành phố nêu lên những băn khoăn về việc chặt hạ hàng nghìn cây xanh trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
Hà Nội đã chặt hạ hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Trãi (Ảnh Nguyễn Dương)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn.
Trước đó, Sở Xây dựng cho biết, Hà Nội lên kế hoạch chặt hạ, thay thế khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Theo Sở Xây dựng hiện có khoảng hơn 29.000 cây xanh được trồng hai bên tuyến phố của 10 quận nội thành không thuộc chủng loại cây đô thị. Trong đó phổ biến như cây trứng cá, vông, dâu da... Bên cạnh đó còn có một số cây cong, nghiêng gây cản trở giao thông; một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Sau khi chặt hạ hàng nghìn cây trên, đơn vị chức năng sẽ trồng bổ sung thay thế.
Về kế hoạch trên, ông Trần Đăng Tuấn đã thông qua Báo Dân trí gửi bức thư ngỏ tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nội dung bức thư ông Tuấn kiến nghị Chủ tịch Hà Nội nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?
Ông Tuấn kiến nghị thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người dân không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.
Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.
Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.
Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này. Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.
Quang Phong
Theo Dantri
Vụ "chặt hạ 6.700 cây": Chủ tịch Hà Nội yêu cầu đình chỉ hàng loạt cán bộ Chiều 22/3, ông Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Giám đốc sở (phụ trách trực tiếp) kiểm điểm trách nhiệm, đồng thời yêu cầu tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị......