Hà Nội: Tiếp tục cấp điện cho dân các vùng bị ngập nặng Chương Mỹ
Hiện tại Công ty Điện lực Chương Mỹ mới cấp điện trở lại cho gần 600/1.158 hộ gia đình trong vùng bị ngập nặng.
Clip: Xã Hoàng Văn Thụ và xã Nam Phương Tiến ngập sâu trong biển nước. Nguồn: Hoàng Tuấn
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tràn về, trong các ngày từ 09.10 đến 12.10 trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xảy ra mưa lớn, gây gió giật mạnh, sấm sét. Nước sông Bùi dâng cao gây ra ngập úng trên diện rộng tại các xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến. Nước dâng cao đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng điện và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ Cho biết: Mưa to, gió lớn và nước dâng cao đã gây ảnh hưởng đến lưới điện như đổ cây gây đứt dây, ngập nước vào nhà dân và ngập lên hệ thống công tơ tại một số vùng trũng như các xã Trần Phú, Tân Tiến, ngập hệ thống các trạm bơm tưới, sét đánh gây sự cố lưới trung áp, cháy công tơ…
Ngay sau khi nhận được công điện của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai huyện Chương Mỹ, Công ty Điện lực Chương Mỹ đã huy động 100% CBCNV (190 người) tổ chức ứng trực và khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong vùng ngập úng. Tổ chức tháo dỡ các thiết bị điện có hiện tượng bị ngập, cô lập các trạm biến áp, hệ thống lưới điện tại các khu vực bị ngập để đảm bảo an toàn cho nhân dân và cho lưới điện. Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để tuyên truyền, vận động người dân tránh xa các vùng nguy hiểm để đề phòng điện giật.
Cứu trợ những gia đình bị ngập nặng
Hiện tại Công ty Điện lực Chương Mỹ mới cấp điện trở lại cho gần 600/1.158 hộ gia đình trong vùng bị ngập nặng. Công ty Điện lực Chương Mỹ cũng yêu cầu các Đội quản lý điện khu vực dùng thuyền bám sát địa bàn, tổ chức tuần canh, kiểm tra đối với những khu vực nước rút đảm bảo an toàn sẽ tiến hành cấp điện trở lại đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Không có điện,không bếp thì mỳ tôm là giải pháp hữu hiệu
Theo Danviet
Vỡ đê Chương Mỹ: Cảnh sống khó tin của người Hà Nội
Sau sự cố vỡ đê Bùi 2, người dân thôn Nhân Lý khắc khoải chờ nước rút. Họ thiếu nước sinh hoạt, ăn nhờ cho qua bữa.
Thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội)dường như bị cô lập sau sự cố vỡ đê Bùi 2. Nhiều nhà ở gần đê nước ngập gần đến nóc nhà. Người dân phải bỏ nhà cửa để tìm chỗ nương náu.
Đường dẫn vào thôn hôm qua nước vẫn ngập đến thắt lưng. Nhiều người tập trung ở đầu làng chờ đến lượt đi thuyền, mủng vào thôn.
Chạy không kịp
Nhiều ngôi nhà chiều qua còn ngập đến nóc
Sau 2 ngày chống chọi với lụt lớn, khuôn mặt anh Nguyễn Văn Ngang (31 tuổi, ở thôn Nhân Lý) hằn rõ mệt mỏi. Anh nhớ lại: "Khoảng 7h tối 11/10, nước lũ lớn bắt đầu tràn vào thôn. Người dân trong thôn nháo nhác hò nhau chạy đồ đạc, đưa trẻ nhỏ lên khu vực cao. Nhà tôi cũng bị hư hỏng một số đồ đạc".
"Dù được chính quyền địa phương thông báo về tình hình lũ liên tục nhưng nhiều nhà vẫn bất ngờ vì lũ quá lớn", anh Lê Văn Khang (39 tuổi, ở thôn Nhân Lý) kể. Nhà có trang trại nuôi 4.000 con gà đẻ trứng, 3.000 con vịt, 60 con lợn (30-40kg).
"Khi lũ dâng cao, chúng tôi hô hào người thân ra giúp chạy lợn, gà lên chỗ cao nhưng chỉ cứu được khoảng 1.000 gà đẻ, hơn 100 con vịt, 20 con lợn, còn lại đều bị chết, trôi đi hết", anh Khang nói và nhẩm tính, thiệt hại của gia đình khoảng 400 triệu đồng.
Di chuyển bằng mủng, ăn nhờ cho qua bữa
Những ngày này, phương tiện duy nhất để đi lại ở thôn Nhân Lý là những chiếc thuyền, mủng.
"Chúng tôi không thể nấu nướng, hạn chế việc tắm giặt hết mức. Mọi người phải ăn mì tôm hoặc đi ăn nhờ ở nhà nào không bị ngập cho qua bữa", ông Nguyễn Văn Miền (46 tuổi) nói.
Sáng 12/10, đoạn đê bao Bùi 2 (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ) bị vỡ khoảng 15m khiến cuộc sống của người dân ở 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến A bị ảnh hưởng.
Di chuyển trong thôn bằng thuyền
Trong đó, xã Nam Phương Tiến A có khoảng gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, với gần 400 nhà ở vùng trũng bị ngập sâu. Thôn Nhân Lý và Nam Hai bị ngập nặng nhất.
Vào cuối giờ chiều 13/10, Bí thư xã Nam Phương Tiến Doãn Thế Tình cho hay, có khoảng 800 hộ bị ảnh hưởng, cô lập trong đó 400 nhà bị ngập nước. Trước mắt, mỗi gia đình vùng lũ được hỗ trợ 1 bình nước, 1 thùng mì tôm và 2 cây nến.
Bữa trưa tạm bợ của một gia đình trên đê
Về tình hình ở khu vực đê bị vỡ, Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ Lê Trung Hà cho biết: Đến cuối buổi chiều 13/10, nước tại khu vực bị vỡ không còn chảy nữa, mực nước hai bên đã bằng nhau.
Về khả năng nước rút đi, ông Hà đánh giá: "Nước rút phụ thuộc vào thời tiết".
Theo Nhị Tiến (Vietnamnet)
Vỡ đê có kế hoạch Qua những phát ngôn như "vỡ đê có kế hoạch", dư luận, người dân nhận ra được đâu là lãnh đạo gần dân, lo lắng cho dân. Đâu là cán bộ, quan chức thiếu trách nhiệm, vô cảm trước dân... Hiếm có một đợt mưa lũ nào khiến cả miền Trung và miền Bắc "tan hoang" như vừa qua. Mỗi ngày, con số...