Hà Nội “thúc” sớm làm rõ nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước, sớm xác định nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây.
Ngày 12/10, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 5857/UBND-ĐT yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8293/VPCP-KGVX ngày 3/10 về việc cá chết bất thường ở Hồ Tây. Công văn nêu rõ, ngày 3/10, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8293/VPCP-KGVX thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cá chết bất thường ở Hồ Tây.
Về việc trên, UBND TP Hà Nội giao UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình tuyên truyền vận động nhân dân thuộc khu vực xung quanh Hồ Tây thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, làm sạch môi trường ở các khu dân cư sau sự cố cá chết tại Hồ Tây, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm.
Hệ thống cung cấp oxy cho nước Hồ Tây được lắp đặt từ khi cá chết hàng loạt
Chỉ đạo các công ty quản lý hồ trên địa bàn quận (Ban Quản lý Hồ Tây, Công ty TNHH MTV Hồ Tây…) tiếp tục thực hiện công tác làm sạch mặt hồ, đảm bảo không còn rác thải, xác cá chết, sớm trả lại môi trường nước sạch cho Hồ Tây.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận thường xuyên kiểm tra việc xả thải đối với các nhà hàng, khách sạn, các nhà nổi khu vực Hồ Tây, xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm (nếu có). Trường hợp phát hiện những bất thường hoặc các vi phạm vượt quá thẩm quyền, có văn bản báo cáo UBND thành phố.
Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (đơn vị thu gom vận chuyển toàn bộ số cá chết đưa lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp) tổ chức kiểm tra xử lý triệt để ảnh hưởng của cá chết đối với môi trường khu vực chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Video đang HOT
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường các khu vực bị ảnh hưởng và khu vực dân cư xung quanh Hồ Tây.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước, sớm xác định nguyên nhân và giải pháp xử lý nước báo cáo UBND thành phố và thông tin để nhân dân được biết.
Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, tăng cường kiểm tra, quản lý các hồ trên địa bàn quận, huyện mình quản lý. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu bất thường cần có giải pháp xử lý kịp thời và báo cáo UBND thành phố chỉ đạo.
Quang Phong
Theo Dantri
Tổng kiểm tra các hệ thống xả thải ra Hồ Tây
Trước hiện tượng cá chết bất thường, đoàn liên ngành của quận Tây Hồ sẽ rà soát toàn bộ hệ thống xả thải của cá nhân, đơn vị quanh hồ.
Sáng 12/10, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, quận sẽ thành lập tổ công tác liên ngành do một Phó chủ tịch quận dẫn đầu trực tiếp tổng kiểm tra hệ thống xả thải ra Hồ Tây.
Liên quan nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây với tổng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, lãnh đạo quận Tây Hồ cho hay, nhà máy được đầu tư theo hình thức BT, do đó sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao cho thành phố quản lý, khai thác.
Ban quản lý hồ Tây cho hay, hiện còn khoảng 30 cống lớn, nhỏ vẫn xả thải xuống hồ Tây. Ảnh: Ngọc Thành.
"Hiện nhà máy mới xong việc đầu tư giai đoạn 2, một số đơn vị đã có thỏa thuận đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, một số đơn vị chưa, dù trước đó quận đã có văn bản đề nghị phường vận động các đơn vị trên địa bàn đấu nối", đại diện quận Tây Hồ nói.
Trước đó, Công ty Phú Điền nhà đầu tư hệ thống thu gom nước thải quanh Hồ Tây cho biết đến 3/10, "chưa đơn vị nào thực hiện thỏa thuận đấu nối xử lý nước thải với công ty".
Quận Tây Hồ sẽ tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống xả thải trên hồ Tây. Ảnh: Ngọc Thành.
Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng ban quản lý Hồ Tây, cho biết, khoảng 30 cống vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp xuống hồ.
"Cống lớn nhất xả trực tiếp ra Hồ Tây còn gọi là cống Tàu Bay (số 10 Nguyễn Đình Thi) mỗi ngày xả ra hàng nghìn mét khối nước thải", ông Vương nói và giải thích sự tồn tại của những chiếc cống trên là do "lịch sử để lại".
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây với khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh với các mẫu nước cho thấy "toàn bộ nước mặt Hồ Tây không có oxy".
Cùng các đơn vị nghiệp vụ của Hà Nội, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Công an phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.
Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm TP Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.
Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy, hệ sinh thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun...), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên.
Về loài chim: có loài lele hiện còn khoảng 50 cá thể; sâm cầm chưa phát hiện trong quá trình điều tra...
Võ Hải
Theo VNE
Bí thư Hà Nội: Phải tìm ra nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị của thành phố cùng phối hợp điều tra để tìm ra nguyên nhân khiến hàng trăm tấn cá chết ở Hồ Tây, từ đó có phương hướng xử lý. Ngày 6/10, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải...