Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ “siết” phương tiện cá nhân thế nào?
Ngoài việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày ở các tuyến đường có mật độ cao. Tại 2 thành phố sẽ bố trí các điểm tập kết xe đạp, xe đạp điện cho thuê để người dân sử dụng trong các khu vực nội thành.
Nhiều năm nay, vấn đề ùn tắc giao thông nội đô tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM luôn là vấn đề nóng và gây bức bối cho lãnh đạo và người dân sống tại 2 thành phố này.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhờ tiến hành đồng bộ các giải pháp: Đổi giờ học giờ làm, sắp xếp lại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, xây các cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại các ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ, tổ chức lại giao thông trên các tuyến phố… tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM đã được cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp trên đều là giải pháp tình thế và chỉ có hiệu quả nhất thời. Bởi với mức độ gia tăng số lượng phương tiện cá nhân chóng mặt như hiện nay, nếu không sớm có biện pháp cụ thể mang tính quy hoạch và đồng bộ hơn thì chắc chắn các điểm ùn tắc nghiêm trọng sẽ nhanh chóng lặp lại trong tương lai không xa.
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh và việc di dân tự do không kiểm soát tại các đô thị cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân chính là nguy cơ gây ùn tắc giao thông.
Theo thống kê, giai đoạn 2002-2012, tốc độ tăng trưởng phương tiện hàng năm tăng nhanh ở tất cả các thành phố lớn. Tại Hà Nội: xe con tăng bình quân 17,23%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 11,02%/năm; tại TPHCM: xe con tăng bình quân 14,88%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 9,79%/năm.
Cảnh thường thấy trên một số nút giao thông Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Tùng Nguyễn
Video đang HOT
Hiện số phương tiện cơ giới cá nhân năm 2012 tại Hà Nội là 4.346.860 xe, tại TPHCM là 5.477.902 xe. Trong khi đó, tại Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông chiếm 5,6%6% và TPHCM chiếm 4,87%5,7% so với quỹ đất xây dựng đô thị và phân bố không đều trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, hiện nay, hoạt động vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TPHCM mới chỉ đáp ứng từ 9%10% nhu cầu đi lại của người dân. Taxi phát triển mạnh nhưng không đồng đều về chất lượng dịch vụ… Đây đều là những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn và ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô của 2 thành phố.
Sẽ cấm xe và tổ chức các điểm cho thuê xe đạp phục vụ người dân đi lại
Trước thực trạng này, mới đây, tại Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam vừa trình Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra một số giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn sự tái diễn của vấn nạn ùn tắc giao thông tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM đến năm 2015.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2014, hai thành phố này sẽ thực hiện kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày tại các khu vực trung tâm đô thị và trên các tuyến giao thông có mật độ cao trong thời gian cao điểm giao thông kết hợp với tăng cường vận tải hành khách công cộng.
Song song với việc làm trên, lãnh đạo hai thành phố sẽ có các cơ chế ưu tiên, khuyến khích đầu tư, bố trí diện tích tập kết phương tiện tại các khu vực quảng trường, công trình công cộng để các nhà đầu tư phát triển dịch vụ, cho thuê xe đạp, xe đạp điện để cho người dân sử dụng đi lại trong các khu vực nội thành, đặc biệt là khu phố cổ, khu vực hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.
Ngoài ra, theo đề án của Bộ Giao thông, hai thành phố sẽ triển khai thực hiện đúng tiến độ quy hoạch các đề án, dự án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bao gồm hệ thống BRT của thành phố, bảo đảm vai trò chủ đạo của xe buýt trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng và tổ chức các điểm trung chuyển xe buýt, tạo sự liên kết thuận lợi nhất trong mạng lưới tuyến xe buýt trong thành phố; đảm bảo kết nối thuận lợi dịch vụ xe buýt đến tất cả các nhà ga, bến xe khách liên tỉnh, bến khách đường thuỷ nội địa; tổ chức dịch vụ vận tải gom khách từ các khu vực khó tiếp cận trong nội đô đến trạm dừng, điểm trung chuyển xe buýt.
Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ phương tiện tại các điểm đầu, điểm cuối và các điểm trung chuyển, trạm dừng xe buýt bên ngoài khu vực trung tâm, các nhà ga đường sắt, cảng hàng không; bến khách đường thuỷ nội địa đáp ứng nhu cầu gửi phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng của người dân…. nhằm hạn chế sự gia tăng của các phương tiện cá nhân trên đường phố.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Hạn chế xe cá nhân từ năm 2014
Theo tính toán của Bộ GTVT, trong 10 năm qua, hệ thống giao thông vận tải đô thị tại các TP lớn ở Việt Nam phát triển nhanh chóng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình Chính phủ và dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các TP lớn ở Việt Nam (gọi tắt là đề án hạn chế xe cá nhân).
Xe sẽ tăng nhiều, đường không đủ
Theo tính toán của Bộ GTVT, trong 10 năm qua, hệ thống giao thông vận tải đô thị tại các TP lớn ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh và việc di dân tự do không kiểm soát tại các đô thị cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân (số phương tiện cơ giới cá nhân năm 2012 tại Hà Nội là 4,3 triệu xe, TP HCM gần 5,5 triệu xe, TP Hải Phòng 826.000 xe, TP Đà Nẵng 578.000 xe, TP Cần Thơ 568.000 xe) đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị. Hơn nữa, từ năm 2014 trở đi, khi kinh tế phục hồi, đặc biệt là lộ trình thực hiện cam kết WTO và AFTA ngày càng đến gần sẽ tạo cơ hội gia tăng khả năng sở hữu ô tô con cá nhân trên cả nước, nhất là tại các đô thị. Đồng thời, cho đến năm 2020, số dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị, BRT - xe buýt nhanh, khối lượng lớn) tại các TP được đưa vào khai thác cũng chỉ đáp ứng được từ 3%-5% nhu cầu đi lại của người dân, phần còn lại vẫn phải dựa vào xe buýt, taxi và các phương tiện cá nhân.
Trong khi đó, hệ thống đường đô thị trục chính theo đúng tiêu chuẩn thiết kế chiếm tỉ lệ thấp, mặt cắt ngang các tuyến phố thường hẹp và không phù hợp với sự gia tăng của phương tiện giao thông. Quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TP HCM quá nhỏ so với quỹ đất xây dựng đô thị và phân bố không đều trên địa bàn TP...
Thu phí phương tiện vào trung tâm
Bộ GTVT đưa ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ thực hiện phân luồng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện công cộng cũng như ưu đãi giá vé đối với hành khách tại thời điểm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đi liền với đó là tăng cường các tuyến đường một chiều đối với phương tiện cá nhân, tổ chức phân tách làn dành riêng cho xe máy và làn xe thô sơ trên các tuyến đường ra vào nội thành có đủ điều kiện về mặt cắt ngang. Đồng thời, áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông; nghiên cứu, thí điểm dự án chuyển đổi phí trông giữ xe thành giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội thành; nghiên cứu giải pháp tăng cường quản lý sử dụng xe đạp điện, xe máy điện an toàn, hợp lý và có các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với đơn vị kinh doanh cũng như người sử dụng xe đạp.
Riêng đối với Hà Nội và TP HCM, áp dụng ngay những giải pháp cấp bách như triển khai thực hiện các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bao gồm hệ thống BRT của TP, bảo đảm vai trò chủ đạo của xe buýt trong hệ thống vận tải hành khách công cộng. Tổ chức các điểm trông giữ phương tiện tại các điểm đầu, điểm cuối và các điểm trung chuyển, trạm dừng xe buýt bên ngoài khu vực trung tâm, các nhà ga đường sắt, cảng hàng không. Đặc biệt, thực hiện kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày tại các khu vực trung tâm đô thị và trên các tuyến giao thông có mật độ cao trong thời gian cao điểm giao thông kết hợp với tăng cường vận tải hành khách công cộng.
Còn nặng về hành chính
Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết việc tìm giải pháp để hạn chế phương tiện xe cá nhân đã được TP Hà Nội nghĩ ra từ nhiều năm trước nhưng khi thực hiện đã gặp phải những phản ứng dữ dội từ phía dư luận nên phải dẹp bỏ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng những nội dung trong đề án không mới hơn nhiều so với dự thảo trước đây đã bị dư luận phản ứng dữ dội. "Tôi đồng tình với nhận định ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM đã ở mức báo động rồi nhưng các ngành chức năng phải nghĩ dài hơi hơn trong một quy hoạch tổng thể chứ không thể đơn giản cho rằng dùng các biện pháp hành chính để hạn chế như thế" - ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, ai cũng kêu ùn tắc giao thông tại trung tâm TP nhưng suốt nhiều năm không ai bắt tay nhau cùng giải quyết. "Ô tô con mới là "thủ phạm" chính gây ùn tắc, phải tính tới giải pháp hạn chế vào giờ cao điểm chứ giờ mà đụng vào mớ bòng bong là xe máy để hạn chế, đánh phí thì "chết" rồi! Bởi xe máy còn gắn liền với an sinh xã hội" - ông Thanh phân tích.
"Đẩy cây" cho các địa phương!
Một chuyên gia về giao thông khi xem dự thảo đề án đã cho rằng Bộ GTVT rất "khôn khéo" khi đá quả bóng trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện cụ thể cho các địa phương. Dự thảo đề án giao UBND các TP trên cơ sở những giải pháp định hướng và có lộ trình để xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện áp dụng phù hợp tại địa phương, hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện xong trước ngày 1/4/2014. HĐND và UBND các địa phương xây dựng đề án áp dụng thí điểm thu phí dịch vụ trông giữ xe cá nhân tại một số khu vực trung tâm TP theo hướng áp dụng phí giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành và tăng theo mật độ tham gia giao thông (thí điểm trước ngày 1/4/2015)...
Theo Người lao động
Năm 2014, hạn chế phương tiện cá nhân trên nhiều tuyến phố - Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ một loạt các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân ở 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Theo đề xuất này, từ 2014, sẽ hạn chế phương tiện cá nhân ở một số tuyến phố theo...