Hà Nội tập trung gỡ khó những tiêu chí cuối cùng
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2019, toàn thành phố đã có 4 huyện và 325/386 xã (chiếm 84,19% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Dù vậy, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là hoàn thiện tiêu chí giao thông nông thôn tại 8 xã và điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM tại một số xã.
Tiêu chí tốn tiền nhất
Tính đến nay, Hà Nội đã có 3 xã tại huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ NNPTNT thẩm định, công nhận 3 huyện (Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ) đạt chuẩn NTM năm 2018. Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo 3 huyện: Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ hoàn thiện các tiêu chí đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
Dự kiến đến hết năm 2019, thành phố sẽ có 7 huyện và thị xã Sơn Tây đạt chuẩn NTM; đến năm 2020, sẽ có 11 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM.
Đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang, hiện đại tại các xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
Hiện nay, toàn thành phố có 378/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông. Trong số 8 xã chưa đạt tiêu chí này, có xã An Phú (huyện Mỹ Đức) là xã miền núi, địa bàn trải rộng, mật độ dân cư thưa, đời sống các hộ dân còn nhiều khó khăn nên rất khó huy động xã hội hóa cho cải tạo hệ thống giao thông.
Ông Nguyễn Đình Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, các xã ở huyện Ba Vì nguồn thu rất hạn chế, việc vận động nhân dân xã hội hóa ngày công mới chỉ thực hiện được đối với giao thông ngõ, xóm, còn giao thông nội đồng rất khó do người dân còn nhiều khó khăn…
Video đang HOT
Theo Sở GTVT Hà Nội, chỉ tiêu khó thực hiện nhất trong tiêu chí giao thông nông thôn là đầu tư xây dựng đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các xã thiếu vốn đối ứng.
Để tiến tới hoàn thiện tiêu chí này ở các vùng khó khăn, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Trước hết, các địa phương cần có chương trình, kế hoạch đầu tư cụ thể để cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển hạ tầng giao thông. Với các huyện, xã khó khăn, cần phối hợp lồng ghép với các chương trình phát triển, chương trình mục tiêu… của thành phố để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm hoàn thành tiêu chí.
Với các địa phương đã hoàn thành tiêu chí giao thông, cần quan tâm cân đối nguồn vốn cho công tác quản lý, duy tu. “Thời gian tới, gắn với xây dựng NTM nâng cao, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chí giao thông gắn với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, tạo lập môi trường cảnh quan mới cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, việc phát triển giao thông cần hướng đến đồng bộ, kết nối vùng, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn” -Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội Hoàng Thị Huyền đề nghị.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch
Năm 2012, các xã của Thủ đô đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM. Song, để đáp ứng yêu cầu phát triển, năm 2016, UBND thành phố chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và yêu cầu hoàn thành trước năm 2018. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, đến nay, việc này còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Ông Đào Minh Tâm – Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) cho hay: Thực hiện nhiệm vụ được UBND thành phố giao, Sở đã ban hành văn bản, tài liệu hướng dẫn công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch NTM làm cơ sở cho các địa phương triển khai. Song, do khối lượng đồ án quy hoạch NTM cần lập lớn nên phải mất nhiều thời gian để thực hiện, mặt khác với đặc thù riêng, Hà Nội có nhiều loại quy hoạch khác nhau nên khi thực hiện các đồ án quy hoạch NTM nảy sinh nhiều bất cập cần tháo gỡ. Ngoài ra, 5 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đang xây dựng đề án thành lập quận nên còn lúng túng trong việc nghiên cứu lập đồ án quy hoạch NTM…
“Để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, Sở đã giao các phòng, ban, tham gia ý kiến với các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch theo yêu cầu của các huyện, thị xã ngay khi tiếp nhận hồ sơ, không để hồ sơ tồn đọng.
Sắp tới, Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, phối hợp cùng các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định và đưa ra khuyến nghị với các địa phương trong công tác này” -ông Tâm khẳng định.
Theo Danviet
Bản sắc riêng chỉ có ở Đan Phượng
Xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng "3 tập trung, 4 trụ cột, 5 điểm nhấn" là cách làm mang bản sắc riêng của huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội cần được nhân rộng hơn tại các xã, huyện của Thủ đô.
Cách làm riêng
Ông Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho hay, cuối năm 2018, Ban chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo 7 xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Trong đó, 3 tập trung là tập trung cho công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng NTM, mô hình hiệu quả, nêu gương người tốt việc tốt, phong trào cụ thể; tập trung các lực lượng tham gia xây dựng NTM, trong đó các đoàn thể làm nòng cốt; tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.
4 trụ cột trong sản xuất nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng nông sản; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị, thương hiệu; củng cố phát triển HTX.
5 điểm nhấn gồm phát huy truyền thống văn hóa của địa phương, làng xã; xây dựng nếp sống văn minh, trong đó chú trọng thực hiện tang hỏa táng, đưa tro cốt vào nhà bảo quản chung của xã; môi trường sạch, trọng tâm là vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại hộ gia đình; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo nguyên lý bác sĩ gia đình; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phấn đấu đến năm 2020 đạt 100%.
Các hộ khấm khá nhờ trồng hoa tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). (ảnh: Hải Đăng)
"Đặc biệt, nhờ tập trung triển khai 4 trụ cột mà vụ xuân 2019 huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 54,5ha. Xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm cho 2 sản phẩm rau hữu cơ công nghệ cao và bưởi tôm vàng, duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm cho các trường học trong huyện" - ông Thắng chia sẻ.
Nhân rộng mô hình mẫu
Theo ông Thắng, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đến các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất đăng ký với thành phố các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổ chức ký cam kết công tác phòng dịch tả lợn châu Phi được 2.350/2663 hộ chăn nuôi, 5 hộ giết mổ lợn và 195 hộ kinh doanh buôn bán thị lợn.
Bên cạnh đó, huyện sẽ khởi công 65 công trình cơ sở hạ tầng, hoàn thành dưa vào sử dụng 66 dự án. Sắp tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các mô hình bảo vệ môi trường như "5 không 3 sạch"; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác...
Trong lần thăm huyện Đan Phượng mới đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội đánh giá Đan Phượng là mô hình mẫu trong xây dựng NTM để các địa phương cùng học tập kinh nghiệm. Về kế hoạch trong thời tới, ông Thắng cho biết, Đan Phượng đang bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó, chú trọng các tiêu chí về xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa, môi trường, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân với những cách làm mới.
Thời gian qua, huyện Đan Phượng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả sử dụng đất để phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi luôn được gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ...
Theo Danviet
Hà Nội: Hàng nghìn ha lúa chưa thể cấy vì thiếu nước Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, tính đến ngày 17.2, tổng diện tích canh tác vụ xuân 2019 trên địa bàn đạt trên 83.000ha (khoảng 91% kế hoạch gieo cấy). Toàn thành phố vẫn còn khoảng 8.000ha sản xuất vụ xuân 2019 chưa có nước. Trong khi một số địa phương như: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng đã...