Hà Nội: Tập trung giải ngân 500 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Chiều 8/10/2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tổ chức sơ kết 9 tháng năm 2021
Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đạt 11.220 tỷ đồng, tăng 1.016 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách TP đạt 4.686 tỷ đồng, tăng 1.105 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách quận, huyện, thị xã đạt 604 tỷ đồng tăng 85 tỷ đồng so với đầu năm với 25/30 đơn vị cấp huyện đã chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH.
Trước tình hình dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay, người lao động có nợ đến hạn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc các phiên giao dịch phải dừng giao dịch, chi nhánh đã thực hiện gia hạn nợ tự động cho các món vay này. Tổng số món vay gia hạn nợ do dừng giao dịch đến 30/9/2021 còn dư nợ là 3.034 món vay, số tiền 114 tỷ đồng.
Cùng với đó, Chi nhánh đã khẩn trương giải ngân cho vay để người dân, người lao động. Doanh số cho vay 9 tháng đầu năm đạt 3.488 tỷ đồng với trên 86.000 khách hàng. Doanh số thu nợ đạt 2.499 tỷ đồng, bằng 72% doanh số cho vay. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đạt 11.156 tỷ đồng với gần 312.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 989 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 9,7%.
Nhiệm vụ 9 tháng cuối năm, Chi nhánh tập trung giải ngân nguồn vốn nhận ủy thác
Video đang HOT
Đặc biệt, trong quý III/2021, Chi nhánh đã khẩn trương phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn hồ sơ cho vay tháo gỡ khó khăn cho người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và đã giải ngân 24.332 triệu đồng cho 26 lượt Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho 5.505 lượt người lao động.
Chi nhánh NHCSXH TP đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 4029/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 về việc bổ sung nguồn vốn ủy thác 500 tỷ đồng và Quyết định số 4280/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh để cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ kịp thời giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, phấn đấu giải ngân xong trong 500 tỷ đồng tháng 11/2021.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết, các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh hoạt động của chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên chi nhánh đã tích cực cùng với toàn hệ thống thực hiện tốt công tác an sinh xã hội từ Quỹ xã hội và từ nguồn đóng góp của cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Những tháng cuối năm, NHCSXH TP Hà Nội tập trung giải ngân 500 tỷ đồng nguồn vốn nhận ủy thác của UBND TP để khắc phục khó khăn cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Nhiều hộ dân khó khăn ở Hà Nội đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (ngày 1/7/2021) của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay, nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã và đang tích cực triển khai việc hỗ trợ các nhóm đối tượng.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao tiền hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 68 được ban hành, quận Hai Bà Trưng đã có kế hoạch triển khai thực hiện, giao cho các phường khẩn trương rà soát các đối tượng phù hợp với nội dung Nghị quyết. Triển khai chỉ đạo trên, UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) đã xây dựng kế hoạch, thành lập Hội đồng và thông báo công khai đến toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân biết về gói hỗ trợ của Chính phủ.
"Sau khi nhận được đơn kê khai của nhân dân, Hội đồng xét duyệt của phường đã họp để xét duyệt công khai theo quy định. Chỉ trong 2 ngày xét duyệt công khai, phường đã chuyển danh sách lên quận và được quận phê duyệt 30 trường hợp nhận hỗ trợ trong đợt 1. Đây là những trường hợp theo mục số 12 của Nghị quyết gồm những lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), gặp khó khăn do dịch COVID-19. Sau đợt 1 này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, khi có hồ sơ gửi lên, Hội đồng xét duyệt của phường sẽ xử lý ngay, kể cả trong những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật", Chủ tịch UBND phường Cầu Dền chia sẻ.
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, UBND phường Cầu Dền đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để các đối tượng có cơ hội lợi dụng, trục lợi chính sách. Không chỉ công khai thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của phường, trên bản tin của tổ dân phố, UBND phường còn đề nghị Ban công tác Mặt trận, Tổ dân phố và Tổ COVID-19 cộng đồng gửi đến từng hộ gia đình để biết và kê khai. Sau khi có kết quả họp xét duyệt, UBND phường tiếp tục thông tin công khai để người dân biết, không để xảy ra thắc mắc, kiện cáo.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN vào chiều 6/8 tại Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng - nơi chi trả đợt 1 tiền hỗ trợ cho 30 người lao động gặp khó khăn của phường Cầu Dền, công tác chi trả được bố trí thuận lợi, nhanh gọn. Người dân đến nhận tiền hỗ trợ đều thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 của UBND phường.
Nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, bà Trịnh Thu Hương (số 108 Bạch Mai, phường Cầu Dền) xúc động nói lời cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của quận Hai Bà Trưng và phường Cầu Dền trong giai đoạn bà gặp khó khăn. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, thu nhập của gia đình bà Hương chủ yếu dựa vào quán hàng nước ở vỉa hè. Vì vậy, trong đợt dịch lần này, bà Hương và gia đình gặp rất nhiều khó khăn khi phải tạm dừng bán hàng để thực hiện quy định phòng, chống dịch của thành phố.
"Mấy tháng rồi, gia đình tôi không có tiền, gặp rất nhiều khó khăn. Số tiền này thực sự quý giá với tôi trong những ngày tháng này", bà Trịnh Thu Hương chia sẻ.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, Sở đang khẩn trương phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; đồng thời thiết lập tổng đài, đường dây nóng để hướng dẫn cũng như tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người lao động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Sở cũng đang khẩn trương tổng hợp đề xuất của các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố. Ngày 6/8, Sở đã họp tập thể lãnh đạo Sở và Tổ công tác để rà soát đối tượng, dự thảo Tờ trình liên ngành, thống nhất với Sở Tài chính để báo cáo UBND thành phố đề nghị hỗ trợ ngoài chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Tính đến 16h ngày 6/8, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí 85,36 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện được 77,22 tỷ đồng).
Cụ thể: Bảo hiểm xã hội thành phố đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho 87.472 đơn vị với 1.439.694 lao động, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 53,61 tỷ đồng; ra quyết định và thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 31 đơn vị với 2.846 người lao động, số tiền tạm dừng đóng là 20,06 tỷ đồng.
Các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 828 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí là 3,41 tỷ đồng (đã chi trả cho 415 lao động với số tiền 1,78 tỷ đồng); hỗ trợ 8 lao động ngừng việc số tiền 10 triệu đồng; hỗ trợ 1.272 lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm (lao động tự do) số tiền 1,9 tỷ đồng (đã thực hiện hỗ trợ cho 840 lao động với 1,26 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, ngày 29/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ra quyết định thực hiện hỗ trợ 3.180 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động với 3.180 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,18 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 3.171 hộ với kinh phí 3,171 tỷ đồng. Đây là chính đặc thù cho đối tượng hộ nghèo không quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Ngoài ra, một số quận, huyện (Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín) đã chủ động huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hỗ trợ cho 22.321 lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn (ngoài đối tượng quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 3642/QĐ-UBND) với kinh phí trên 8,8 tỷ đồng.
Bến Tre đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho...