Hà Nội tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân
Chiều 18/7, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Anh/TTXVN
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện nay nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào. Hầu hết các hệ thống đều chủ động nguồn hàng, kho dự trữ tại các tỉnh, dự trữ tại các hệ thống phân phối, tăng đối đa hệ thống dự trữ tại các siêu thị nên người dân không phải lo lắng đi mua hàng tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Với phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ” và 3 sẵn sàng “Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ lượng hàng hóa 17 nhóm thiết yếu trong thời điểm có dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.
Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.
Đồng thời, ngành công thương thành phố xây dựng kịch bản 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo các cấp độ.
Video đang HOT
Hàng hóa tại siêu thị Aeon Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Đó là cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên tổng trị giá lượng hàng hóa là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 5.359,05 tỷ đồng.
Đến nay, 100% UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch COVID-19.
Theo đó UBND các quận huyện, thị xã đã chủ động chuẩn bị bố trí 1.920 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho dự trữ và điểm bán hàng lưu động, 236 xe ô tô sẵn sàng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 2-3 lần so với bình thường và tăng cường sản xuất, khai thác, dự trữ hàng hoá đầy đủ tại các kho hàng của doanh nghiệp và đặt hàng với nhà cung cấp đảm bảo lượng hàng hoá được giao sẵn sàng phục vụ nhân dân khi cần thiết.
Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/24/ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã đảm bảo các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động kết nối với 53 tỉnh, thành phố; trong đó, tập trung vào các khu vực phía Bắc để nắm rõ các doanh nghiệp chủ lực sản xuất hàng công nghiệp, nông sản tại các địa phương để cung cấp cho các đơn vị phân phối của Hà Nội; chủ động liên hệ, ký kết nguồn hàng, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi Hà Nội có nhu cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ một số tỉnh tiêu thụ hàng hóa khó khăn trong tiêu thụ, dư cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm đó là xe vận tải vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội. Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc điều hành Miền Bắc của Vinmart cho biết, trên địa bàn Hà Nội doanh nghiệp có 800 điểm bán hàng, 51 siêu thị lớn. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, công ty đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho bãi ở các huyện Thanh Trì, Đông Anh… với lượng hàng tăng gấp 3-5 lần so với trước. Đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người dân, không để trống kệ, thiếu hàng hóa thiết yếu.
Ngoài ra, Vinmart còn làm việc với các nhà cung cấp như: Masan, Meadled đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, gia cầm, nước chấm… Khó khăn đối với doanh nghiệp lúc này là khâu vận chuyển, nhân viên phải trải qua rất nhiều thủ tục xét nghiệm hoặc cách ly nên rất thiếu nhân viên vận chuyển.
Đồng quan điểm này, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tình hình sức mua trong những ngày gần đây tăng mạnh, nhưng công ty đã dự trữ 13 mặt hàng thiết yếu, tăng gấp 3 lần và đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân và người dân không nên mua hàng tích trữ.
Tại buổi làm việc nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, các chợ đầu mối đều khẳng định đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, người tiêu dùng không nên đi mua sắm tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Tuy nhiên, nhân lực để làm việc có gặp khó khăn vì phải xét nghiệm, hoặc cách ly, giãn cách nên rất thiếu hụt nhân viên; đồng thời các hoạt động logistics cũng gặp rất khó khăn… Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần tăng cường các điểm xét nghiệm ưu tiên cho lái xe, tạo luồng xanh cho các tuyến xe vận tải hành hóa lưu thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics…
Các khu công nghiệp phải chủ động diễn tập các tình huống theo mức độ dịch bệnh lây lan
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 19/TB-VP ngày 14-5-2021 về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tại phiên họp số 110, diễn ra ngày 13-5-2021.
Ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu, để chuẩn bị tốt việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, toàn thể hệ thống chính quyền thành phố tiếp tục tập trung cao độ thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa bảo đảm an toàn, bình yên cho nhân dân, đồng thời bảo đảm thành công ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
UBND thành phố yêu cầu toàn bộ các đơn vị rà soát, tuyệt đối không để lây nhiễm trong hệ thống chính quyền các cấp. Tổ chức kiểm tra chặt chẽ nhân sự, quy trình phòng dịch, phương án hỗ trợ, đặc biệt tại các tổ bầu cử, bảo đảm an toàn tuyệt đối với các lực lượng phục vụ cuộc bầu cử tại cơ sở. Xây dựng các phương án trong các tình huống dịch bệnh; thực hiện diễn tập tại cơ sở; chủ động, linh hoạt, sáng tạo phân chia các tổ bầu cử bảo đảm hiệu quả nhất.
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, UBND thành phố yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các địa bàn, bảo đảm nắm chắc tình hình di biến động lực lượng lao động, chuyên gia thường xuyên làm việc trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức diễn tập các tình huống theo mức độ dịch bệnh lây lan.
UBND các quận, huyện, thị xã được giao chỉ đạo công an cơ sở phối hợp với tổ Covid-19 cộng đồng quản lý chặt chẽ danh sách người dân sinh sống trên địa bàn, lao động từ các tỉnh lân cận, đặc biệt những tỉnh đang có các ổ dịch lưu hành...
Hà Nội: Từ 12h trưa 25/5 dừng hoạt động nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu UBND TP Hà Nội vừa có công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn TP đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông...