Hà Nội: Siêu thị treo ảnh kẻ trộm để ‘dằn mặt’
Thay vì đưa ra công an giải quyết, nhiều cửa hàng, siêu thị khi bắt được kẻ trộm cắp đồ thường tự “xử lý nội bộ”.
Theo quản lý của các cửa hàng thì việc trưng ảnh kẻ trộm mục đích giúp nhân viên nhận diện đối tượng đồng thời khiến tên trộm không dám “bén mảng” lần thứ hai đến cửa hàng.
Tình trạng mất cắp thường xảy ra ở những hệ thống siêu thị bán hàng tiêu dùng, cửa hàng tự chọn và hiện tượng dán ảnh kẻ trộm tại các cửa hàng này cũng không phải chuyện hiếm ở thủ đô.
Thay vì đưa ra công an giải quyết, nhiều cửa hàng, siêu thị khi bắt được kẻ trộm cắp đồ thường tự “xử lý nội bộ”, treo ảnh của đối tượng cùng tang vật trộm cắp được ngay trong siêu thị.
Video đang HOT
Cửa hàng tự chọn trưng ảnh người ăn trộm cùng tang vật
Tại một cửa hàng tự chọn ở Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), từ lâu đã treo những bức ảnh người lấy trộm đồ cùng tang vật ăn trộm tại cửa hàng. Một bức ảnh người ăn trộm được gán dòng chữ “Trông nhang nhác xinh gái cũng ăn cắp bị camera phát hiện, bảo vệ cũng tóm gọn”, có bức ảnh ghi rõ họ tên kẻ trộm, ngày tháng ăn trộm và thủ đoạn ăn trộm thế nào.
Chị P, quản lý của cửa hàng này cho biết, các đối tượng ăn trộm có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, có đồng bọn đi cùng. Bọn họ thường mặc váy, quần áo rộng, quần lót chuyên dụng để nhét đồ, những thứ nhỏ thì nhét vào ví cầm tay hoặc bỏ vào túi quần, túi áo.
Tại các hội nghị sữa mà chị tham gia, cũng được các chủ shop chia sẻ về thủ đoạn của các kẻ ăn trộm, hầu hết cách ăn trộm gần như giống nhau. Chẳng hạn muốn lấy sữa thì tên trộm sẽ đưa sữa từ quầy này sang quầy khác để nhét. Mới đây nhất là trước Tết, cửa hàng bắt được một phụ nữ người Hải Phòng ăn trộm 4 thanh socola, trị giá gần một triệu đồng.
Nói về việc cưả hàng xử lý như thế nào khi bắt được kẻ trộm, chị P. chia sẻ: Mỗi một cửa hàng đều có cách quản lý khác nhau. Thông thường mỗi khi bắt được đều xử lý nội bộ để bắt họ khắc phục hậu quả còn nếu bắt được những vụ nghiêm trọng hơn thì giao cho công an xử lý. Cụ thể xử lý nội bộ như thế nào thì chị không tiết lộ. Theo chị P, “việc treo hình ảnh cũng là một hình thức xử phạt và cảnh báo, cách làm thế là còn nhân đạo”.
Chị P. cho biết việc đăng ảnh lên là để cho nhân viên cửa hàng, những người kinh doanh đề phòng: “Treo ảnh như thế để không chỉ bảo vệ mà tất cả nhân viên đều nhận dạng được đó là kẻ trộm, chỉ cần chúng vào cái là đuổi thẳng ra luôn. Những trường hợp mà ăn trộm nhiều như thế là quá nghiêm trọng rồi. Mặt khác việc treo ảnh còn cảnh báo đến những người kinh doanh khác. Ở những cửa hàng khác người ta cũng chia sẻ cho mình hình ảnh kẻ trộm bị bắt ở cửa hàng thì khi mình phát hiện được, mình cũng chia sẻ để các chủ shop nắm được và đề phòng. Và hơn nữa khi chụp ảnh treo như thế cũng để cho bọn trộm biết rằng ăn trộm ở đây không phải dễ, cứ thử lấy rồi ra cửa xem”.
Tuy nhiên “cửa hàng cũng chỉ chỉ treo một số đối tượng cá biệt, còn nếu để treo hết thì nhiều lắm”, chị nói.
Trả lời câu hỏi tại sao cửa hàng lại không đem những đối tượng này ra công an giải quyết? Chị P. cho hay, ví dụ như bị lấy mấy hộp sữa trị giá mấy triệu, khi giao những đối tượng đó cho công an thì cửa hàng không khắc phục được hậu quả.
Vì thế trước mắt cửa hàng phải tự xử lý. Hơn nữa có những tên ăn trộm có người nhà còn là khách hàng quen của cửa hàng, nhiều người ăn trộm lần đầu, xin xỏ, khóc lóc nếu đưa ra công an hết như thế nhiều khi cũng ảnh hưởng đến những người thân, gia đình của họ. Cho nên đôi khi cửa hàng cũng xử lí trên phương diện tình cảm.
Chị P. thưà nhận những người có hành vi lấy đồ trong siêu thị đôi khi chỉ vì xuất phát từ kẽ hở nên nổi lòng tham, nếu mang ra cơ quan công an thì ảnh hưởng đến cuộc sống của họ sau này.
Chị P. nhớ lại: “Nhiều người nhìn xinh đẹp, thậm chí có người làm cơ quan nhà nước cũng từng ăn trộm 2 lọ Davines. Khi bị chúng tôi phát hiện, dọa chụp ảnh thì khóc lóc, van xin chúng tôi bảo nếu chụp ảnh thì sẽ đi tự tử. Sau đó người nhà đến xin, bảo lãnh nên chúng tôi cũng cho qua”.
“Thực ra, những người như thế thì bản chất người ta cũng không phải là trộm mà nhìn thấy cảm giác dễ, có kẽ hở quá nên lòng tham nổi dậy thế thôi. Vào cửa hàng thấy vắng, nhân viên không có, cảm giác dễ để lấy trộm. Bây giờ mà mang ra cơ quan, làm um xùm như thế cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Nói chung cửa hàng này cũng còn nhân đạo chứ còn những nơi khác, người ta ra đưa thẳng ra công an luôn “, chị P. nói.
Cũng gặp phải tình trạng trộm cắp tại cửa hàng, chị Bình chủ shop H.M ở Thành Công cho biết qua camera phát hiện người phụ nữ cùng đồng phạm ăn trộm sữa bằng cách nhét hộp sữa vào quần nhưng cửa hàng không bắt được. Do đó cửa cắt hình ảnh ra từ camera, dù không rõ nét nhưng đủ để nhân viên cửa hàng có thể nhận dạng.
Sau khi PV đến tìm hiểu thì cửa hàng cũng tháo luôn hình ảnh xuống. Giải thích về việc này, chị Bích cho hay: “Tôi theo dõi suốt từ năm ngoái đến giờ không thấy tên trộm quay lại. Hơn nữa lâu rồi cửa hàng cũng không bị mất trộm nên cũng không trưng lên để làm gì nữa. Còn những năm trước, khi bắt được kẻ trộm thì thường đưa ra công an giải quyết”.
Theo Infonet