Hà Nội siết chặt hoạt động buôn bán, sử dụng thịt chó
Trước tình trạng bệnh dại có chiều hướng gia tăng, Chi Cục Thú y Hà Nội vừa đề nghị các quận huyện tăng cường quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo.
Ngày 17/9, Chi cục Thú y Hà Nội tiếp tục ban hành Công văn số 710, đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
Công văn nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh dại trên địa bàn cả nước có chiều hướng gia tăng. Tại Hà Nội, đã có 3 người chết vì bệnh dại tại các huyện: Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn và 2 ổ dịch dại trên chó được phát hiện. Ngoài ra, thời gian gần đây, còn xảy ra một số trường hợp người tử vong do bị các giống chó dữ cắn, tấn công.
Hà Nội siết chắt kinh doanh thịt chó, mèo để phòng bệnh dại
Để hạn chế bệnh dại phát sinh trên động vật, phòng ngừa các thương tích gây ra trên người khi nuôi chó, mèo, Chi cục Thú y Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các xã, phường quan tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo.
Video đang HOT
Cụ thể, các đơn vị liên quan của thành phố sẽ tập trung quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh dại; thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn; chó phải được xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên.
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với việc nuôi chó thả rông, khi đưa ra nơi công cộng không có người dắt, xích, không đeo rọ mõm.
Bên cạnh đó, Chi cục Thú y Hà Nộisẽ triển khai tiêm phòng bổ sung vắc xin dại kịp thời cho đàn chó, mèo mới phát sinh, chưa được tiêm phòng, hết thời gian miễn dịch. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý chó, mèo nuôi và các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định.
Chi cục Thú y Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan tuyên truyền dưới nhiều hình thức về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh dại, xoắn khuẩn, bệnh tả… khi sử dụng thịt chó, mèo để một bộ phận người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
Quang Phong
Theo Dantri
Nên cấm hẳn việc kinh doanh và ăn thịt chó, mèo!
Từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là góp phần làm giảm bớt những vụ trộm chó gây bất ổn trong xã hội; cải thiện hình ảnh người Việt trong mắt du khách
Mới đây UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường côngtác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo, trong đó vận động người dân không ăn thịt chó, mèo.
Cụ thể, ngoài việc tăng cường quản lý chó, mèo để phòng chống bệnh dại, hạn chế tình trạng chó, mèo thả rông có thể gây tai nạn, mất vệ sinh đường phố, chỉ thị này còn vận động người dân không ăn thịt chó, mèo để phòng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Không chỉ vậy, việc giết chó, mèo và sử dụng thịt những động vật được coi là bạn thân thiết của con người sẽ tạo ra hình ảnh phản cảm đối với khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội, khi tại đây có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo.
Trước khuyến nghị này, nhiều độc giả đã bày tỏ sự ủng hộ. Bạn đọc Thái Quốc Tài vui mừng nói: " Hoan hô Hà Nội, cả nước nên làm như vậy, ngoài ngăn ngừa được chuyện mất vệ sinh, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ chó, mèo, nạn cẩu tặc sẽ không còn hoành hành. Hơn nữa, đa số du khách nước ngoài đến nước ta không ăn và xem việc ăn thịt chó, mèo là điều kinh dị, phản văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật...".
Bạn đọc Mỹ Linh cũng đề xuất các địa phương khác nên làm theo, qua đó sẽ hạn chế được tình trạng bức xúc đánh chết kẻ trộm chó. "Trên đời nhiều thứ để ăn, tại sao phải ăn thịt chó, mèo vốn là thú cưng gần gũi với con người"- bạn Mỹ Linh nêu ý kiến.
Đồng thuận, nhiều bạn đọc cho rằng từ xưa đến nay, chó, mèo là loài vật gần gũi, thân thiết và rất trung thành với con người. Với nhiều gia đình, chó, mèo không chỉ là con thú cưng mà còn là thành viên thân thiết trong gia đình. Do thói quen "ăn tất cả những gì gọi là con, trừ con bù-lon", nhiều người Việt giết thịt luôn cả chó, mèo, từ đó sinh ra nạn trộm cắp chó, mèo bán cho các lò giết mổ.
Cũng vì vậy mà nhiều năm qua đã có rất nhiều án mạng xảy ra khi cẩu tặc chống trả hay ngược lại, cũng bị đổ máu khi bị người dân bắt được. Cuộc chiến này sẽ có hồi kết nếu cấm hẳn việc kinh doanh và ăn thịt chó, mèo. Bạn đọc Vũ Hoàng Vinh bình luận: " Chắc hẳn không phải ai cũng đồng tình với đề nghị này nhưng nên làm như vậy. Khi đó sẽ kéo giảm các vụ việc đáng tiếc cho cả người bắt trộm chó và người truy đuổi, sẽ không còn cảnh đánh chết người trộm chó và những cái chết khi truy đuổi trộm chó mà lúc nào cũng gây tranh cãi". Bạn đọc motngaymottran cũng đề xuất trước tiên là cho ngưng hơn 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm và giết mổ chó, mèo.
Sẽ còn rất nhiều việc liên quan đến chuyện chấn chỉnh về cách hành xử và tôn trọng luật pháp của người nuôi chó, mèo để Việt Nam được văn minh như các nước. Nhưng nếu từ bỏ được thói quen ăn thịt chó, mèo, ít nhất chúng ta đã góp phần làm giảm bớt những bất ổn trong xã hội từ việc "săn chó", "bắt người" như hiện nay. Ngoài ra, quên đi "miếng dồi chó" còn sẽ giúp cải thiện hình ảnh của người Việt trong mắt du khách nước ngoài: hiếu khách, văn minh, biết yêu thương động vật, mang đậm tính nhân văn...
Song Ngọc
Theo nld.com.vn
Bộ Y tế: Vắc xin phòng bệnh dại vẫn đủ để cung ứng Hiện nay trên thị trường có 2 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam là Verorab và Abhayrab. Liên quan tới tình trạng khan hiếm vắc xin phòng dại tại TP.HCM, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược vừa khẳng định thời điểm hiện tại, vắc xin phòng...