Hà Nội sẽ xây nhà 150 triệu bán cho công nhân
Tổng liên đoàn lao động sẽ phối hợp cùng TP Hà Nội xây dựng nhà ở cho công nhân với diện tích 30-50 m2, giá bán khoảng 5 triệu đồng một mét vuông.
Ngày 19/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đối thoại với công nhân thủ đô.
Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Việt Nam phản ánh, khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai có một khu vực nhà ở xã hội Bambo Tre Xanh đang hoàn thiện, nhưng người ở ít, vì giá quá cao, thủ tục vay ngân hàng lãi suất cũng rất cao khiến người lao động không tiếp cận được, gây lãng phí. Ông Hải đề nghị thành phố hỗ trợ để người lao động có thể tiếp cận được với dự án này và các dự án nhà ở xã hội khác.
Đại diện Công ty Yamaha, bà Bùi thị Hương cho rằng, hầu hết công nhân lao động trong khu công nghiệp và chế xuất ở ngoại tỉnh, nhà ở là vấn đề quan tâm lớn. Do đó, bà Hương đề nghị có khu nhà trọ cho thuê ưu đãi, hoặc cho mua với giá rẻ, khoảng 100 triệu đồng/căn như mô hình của tỉnh Bình Dương.
Khu nhà có giá khoảng 100 triệu đồng mỗi căn ở Bình Dương. Ảnh: MD.
Giải đáp kiến nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố đã quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng số lượng ít. Ngoài ra, có những bất cập như tại khu Thăng Long, xây dựng nhà cho công nhân thuê nhưng không thu hút được công nhân do khi xây dựng tiến độ chậm, kết cấu không hợp lý.
Ông Chung thông tin, lãnh đạo thành phố đã làm việc với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đơn vị này hứa dành khoảng 700 tỷ đồng cùng thành phố xây dựng nhà ở cho công nhân.
Nói rõ thêm, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Mai Đức Chính cho rằng, nhà ở là vấn đề bức xúc của lao động vì khoảng 90% công nhân phải ở trọ trong căn nhà thuê tạm, gửi con ở nhà trẻ tư nhân và chưa có thiết chế phục vụ đời sống tinh thần…
Để giải quyết bức xúc trên, Tổng liên đoàn đã liên hệ với các địa phương dành đất sạch cho Công đoàn xây nhà ở cho công nhân. “Mô hình triển khai là tỉnh, thành phố có đất sạch, Tổng liên đoàn sẽ xây dựng chung cư với diện tích 30-50 m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ đi kèm có nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân”, ông Chính nói.
Theo lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động, đơn vị này đã làm việc với thành phố Hà Nội và thời gian tới sẽ triển khai mô hình nhà công nhân giá rẻ tại thủ đô.
Video đang HOT
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 10 khu công nghiệp đang hoạt động đã có 4 khu bố trí đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở công nhân: Phú Nghĩa, Thăng Long, Quang Minh II, Thạch Thất – Quốc Oai); một số khu công nghiệp không có quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân gồm: Nội Bài, Sài Đồng, Nam Thăng Long.
Hiện thành phố giao Sở Quy hoạch kiến trúc kiểm tra, rà soát và đề xuất bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân theo quy định.
Võ Hải
Theo VNE
Cuộc sống trong khu nhà 100 triệu đồng ở Bình Dương
Những căn hộ giá 100 - 200 triệu đồng đã giúp nhiều công nhân ở Bình Dương thoát thoát khỏi cảnh ở trọ, được ở mái nhà khang trang của chính mình.
Từ năm 2015, tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng nhà ở xã hội với những căn hộ giá 100 - 200 triệu đồng. Mỗi block nhà có 5 lầu với các căn hộ rộng 30 - 60 m2. Sau 2 năm, gần 2.500 căn hộ đã có người ở.
Trong căn nhà nhỏ những được bày trí gọn gàng, chị Nguyễn Lệ Thu (42 tuổi, quê Cà Mau, công nhân điện tử) chia sẻ: "Căn nhà này chỉ 30 m2 nhưng vừa đủ gia đình 4 người sinh hoạt. Tôi mua 147 triệu, trả góp trong 7 năm, tính ra mỗi tháng chỉ trả khoảng một triệu rưỡi".
Căn hộ 30 m2 của gia đình anh Lê Trọng Nhật (36 tuổi, quê Phú Yên) được thiết kế đơn giản, gồm một phòng sinh hoạt chung, nhà vệ sinh, gác lửng. "Không gian này rộng hơn nhà trọ xíu thôi nhưng ở trong chính nhà của mình cảm giác thoải mái lắm", anh Nhật cười.
Hai đứa con của anh Nhật học bài trên gác lửng, cả gia đình thì ngủ phía dưới. "Hồi mới có thông tin, tôi vẫn nghi ngờ, không tin giá đó mua được nhà. Khi thấy người ta mua nhiều mình cũng vay mượn vài chục triệu rồi trả góp dần. Suốt 10 năm làm công nhân, giờ mình cũng có cái nhà cho cả gia đình ở", anh tâm sự.
Hầu hết cư dân ở khu nhà Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một) đều là công nhân ở gần đó. Cuộc sống của họ ở đây khá đầy đủ tiện tích sinh hoạt như tivi, Internet, tủ lạnh, máy giặt, hệ thống nước máy... "Mỗi tháng cả tiền Internet, gửi xe cùng điện nước, phí chung cư chưa đến 500.000 đồng. Mình còn đón các em lên ở học đại học khỏi phải tốn tiền trọ", chị Tô Thị Nhung (21 tuổi, Bình Dương) cho biết.
Những tầng trên cùng có giá thấp nhất là 100 triệu, càng xuống tầng dưới thì giá càng cao. Các căn ở tầng trệt, vị trí mặt tiền có giá khoảng nửa tỷ đồng đều dùng để buôn bán.
Dưới mỗi tầng trệt của từng block là dãy căn hộ kinh doanh đủ mặt hàng, quán ăn, cà phê, Internet, sửa xe... phục vụ các hộ dân. Có hẳn một dãy chợ nhỏ tiện lợi để công nhân mua sắm sau giờ làm.
Ở trong khu nhà xã hội này có trường mầm non tư thục với mức giá trung bình 1 triệu một tháng.
Nhiều công nhân sau khi ổn định nhà cửa đã đón cha mẹ dưới quê lên trông con cái. "Tôi lên trông cháu gần nửa năm nay rồi. Thấy con cái có được căn nhà nhỏ cũng vui. Ở đây thì an ninh hơn mấy dãy trọ nên có thể an tâm cho trẻ nhỏ vui chơi", bà Thành (54 tuổi) nói.
Anh Nguyễn Hữu Phúc (35 tuổi, quê Tiền Giang) vui vẻ đùa nghịch với cậu con trai 4 tuổi. "Mấy năm nay ngóng chờ giờ có nhà rồi. Số tiền trả trọ hàng tháng nay dành để trả tiền mua nhà, áp lực trả nợ cũng không lớn. Vợ chồng giờ chỉ còn lo chuyện làm ăn", anh Phúc tính.
Chiều đến, người dân đi dạo, tập thể dục, trẻ nhỏ vui chơi trong khuôn viên của khu nhà giá rẻ.
Buổi tối nơi đây trở nên nhộn nhịp. Bên cạnh các quán xá còn có cả một khu vui chơi cho thiếu nhi.
Theo đề án phát triển nhà ở xã hội thì Bình Dương sẽ có tới 64.000 căn hộ giá chỉ từ 100 triệu đồng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 164.000 công nhân, người có thu nhập thấp.
Quỳnh Trân
Theo VNE
Nỗi lo mất việc vì... cách mạng 4.0 Cả nước có tới 54 triệu lao động, nhưng có tới gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay. Nếu không có sự chuẩn bị nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề, nhiều khả năng sẽ bị robot thay thế trong cách mạng về công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) tới đây. Công nhân dễ mất việc...