Hà Nội sẽ quảng bá du lịch trên báo nước ngoài
Ngày 26-2, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, để đạt mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách (trong đó 2,25 triệu khách quốc tế) trong năm 2013, Sở sẽ tổ chức quảng bá du lịch Hà Nội trên một số kênh truyền hình tại Nga và trên Tạp chí du lịch trực tuyến Travel Mart in Asia.
Hà Nội liên tục được bầu chọn trong top 10 điểm đến ưa thích nhất châu Á
Sở cũng sẽ quảng bá du lịch Hà Nội tại các quốc gia như Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc… Theo ông Mai Tiến Dũng, năm 2012 lần đầu tiên khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt ngưỡng 2,1 triệu khách/năm. Liên tục mấy năm gần đây, Hà Nội được nằm trong Top 10 các điểm đến ưa thích nhất châu Á do bạn đọc và các nhà báo bình chọn. Cũng theo kết quả bình chọn, website tìm kiếm du lịch Trivago tổng hợp từ hơn 140 trang web đặt phòng trực tuyến, TP Hà Nội được xếp thứ 2 trong danh sách 100 thành phố có chất lượng dịch vụ khách sạn tốt nhất thế giới năm 2012.
Theo ANTD
Lễ hội an toàn, tiết kiệm
Sáng qua 14-2 (mùng 5 Tết), Lễ hội kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2013) đã diễn ra với sự tham dự của hàng nghìn người dân. Ngày mùng 5 Tết cũng là ngày khởi đầu cho các lễ hội truyền thống diễn ra và kéo dài cho tới hết tháng Giêng...
Dâng lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ
Tưởng niệm người anh hùng áo vải cờ đào
Là một trong những lễ hội truyền thống với quy mô lớn tại Hà Nội, hàng năm, lễ hội gò Đống Đa thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dâng hương, tưởng niệm người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tham dự lễ hội năm nay còn có đoàn tế lễ của Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... với những đội rước lễ lên tới hàng trăm người. Ngay từ sáng sớm, các vị chức sắc, cao niên làng Khương Thượng đã tề tựu đông đủ, tham dự nghi lễ rước kiệu thần mừng chiến thắng, từ đình Khương Thượng về gò Đống Đa. Tiếp đó là lễ dâng hương của các đoàn tế lễ tại tượng đài vua Quang Trung, gò Đống Đa, chùa Bộc và chùa Đồng Quang. Ngay sau đó là chương trình nghệ thuật tái hiện lại khí thế hào hùng của quân dân Tây Sơn... Lễ hội gò Đống Đa năm nay cũng thu hút đông đảo người dân với nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc như thi đấu vật, cờ người, chọi gà, biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rối, múa rồng, biểu diễn quan họ Bắc Ninh... tại công viên văn hóa gò Đống Đa để phục vụ nhân dân và du khách.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: "Lễ hội gò Đống Đa là một trong những lễ hội lớn của nhân dân Thủ đô Hà Nội mở đầu cho mùa lễ hội hàng năm. Bởi vậy, Hà Nội rất chú trọng trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phục vụ nhân dân tham gia lễ hội. Sở VH-TT&DL Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Đống Đa xây dựng kịch bản phần lễ và phần hội một cách cụ thể, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thực hiện..
Sẵn sàng phục vụ lễ hội
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, chuẩn bị cho mùa lễ hội 2013, thành phố Hà Nội tăng cường công tác quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội để hoạt động văn hóa truyền thống này diễn ra trang trọng, thiết thực, bảo đảm an toàn và tiết kiệm. Trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trong đó có nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ),... Để tránh những biến tướng trong nghi lễ mang màu sắc mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hàng quán lấn chiếm khu bảo tồn, hòm công đức đặt vô tổ chức... làm xấu đi bản sắc văn hóa, gây phản cảm trong xã hội, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực vào cuộc, loại bỏ những hiện tượng này. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thanh tra trên 20 lễ hội nhằm phát hiện, xử lý những hành vi lợi dụng lễ hội vi phạm các quy định của Nhà nước trong công tác tổ chức và hoạt động. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào nội dung kịch bản của lễ hội, công tác sắp xếp hàng quán, dịch vụ, trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự, các loại hình dịch vụ trong lễ hội theo quy định của pháp luật, việc sắp xếp hòm công đức, đặt tiền lễ nơi thờ tự.
Như đối với lễ hội chùa Hương, UBND huyện Mỹ Đức đã nâng cấp sửa chữa các tuyến giao thông, lắp đặt nhiều nhà vệ sinh, cấm kinh doanh tại khu nội tự các chùa, động, cấm kinh doanh, chế biến động vật hoang dã. Đồng thời, huyện tổ chức các đội thanh tra chốt tại nhiều điểm thường xuyên xuất hiện lực lượng "cò" lễ hội, ký cam kết với các hộ dân xã Hương Sơn không chèo kéo khách. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn (thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cho biết: "Ban quản lý đã tích cực tuyên truyền, vận động, cấm người dân kinh doanh tại khu vực các chùa, động. Trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức có biện pháp xử lý kiên quyết". Ông Thanh nhấn mạnh, công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay sẽ được làm cẩn trọng. Ban quản lý khu di tích Hương Sơn đã bố trí 8 điểm sơ cấp cứu sẵn sàng phục vụ trong mọi tình huống. Về việc đặt quá số lượng hòm công đức, ông cho biết, Ban quản lý đã báo cáo lên Sở VH-TT&DL Hà Nội vì diện tích di tích rộng khó thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, sẽ tổ chức liên tục thu gom số tiền lễ đặt bừa bãi, đảm bảo cho một mùa lễ hội lành mạnh, văn minh.
Theo ANTD
Xót xa nhìn đình cổ chờ sập Có một nghịch lý từ lâu tồn tại trong công tác trùng tu, chống xuống cấp tại các di tích. Nơi được rót vốn "vô tư" để "đập đi xây mới" nhưng có nơi chờ sập lại chẳng được ngó ngàng, dù bao năm rát cổ kêu cứu, như trường hợp đình Cam Thịnh, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Cột gỗ...