Hà Nội sắp khởi công 16 công trình giao thông
Trong Quý 1, dự án mở đường Trần Phú – Kim Mã sẽ được khởi công, một loạt cầu yếu, cầu cũ ở thủ đô như cầu 361, cầu Rồng, cầu Mọc, Yên Trình, Thuần Lương… sẽ được khởi công xây dựng.
Ngày 15/1, tại hội nghị tổng kết ngành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, năm 2013 Sở được giao trên 1.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình giao thông trọng điểm. Trong quý 1 sẽ sớm hoàn thiện thủ tục, khởi công 16 công trình giao thông để giải quyết ùn tắc.
Năm 2012, Hà Nội đã hoàn thành 5 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại 5 nút giao thông trọng điểm. Ảnh: Bá Đô
Video đang HOT
Các công trình trọng điểm làm trong quý 1 là đường Trần Phú – Kim Mã, đoạn còn lại của đường 23B, đường gom Cầu Giẽ – Phú Yên – Vân Từ, cầu Hạ Dục, cầu Gốm, cầu Đầm Mơ, cầu Hồng Phú, cầu 361, cầu Quảng Tái, cầu Bầu, cầu Phú Thứ, cầu Rồng, cầu nối khu đô thị Pháp Vân với khu đô thị Tứ Hiệp, cầu Zét, cầu Thuần Lương, cầu Yên Trình, cầu Mọc.
Đầu năm nay, Sở Giao thông cũng sẽ hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công đường vành đai II để có thể đấu thầu, khởi công trong năm. Đồng thời, tập trung đấu thầu khởi công dự án nâng cao năng lực quản lý, điều hành giao thông, thông minh như dự án nâng cấp trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông…
Ngoài ra, ngành giao thông thủ đô sẽ tiếp tục triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị theo đúng tiến độ cam kết như thông xe dự án cầu Yến Vĩ, đường Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng… và khởi công một số nút giao thông quan trọng như Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, cầu vượt nút Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai… nhằm giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông. Hà Nội tiếp tục xây dựng 15 cầu đi bộ (7 cầu đang triển khai và 8 cầu sẽ xây mới).
Trước đó, năm 2012, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã hoàn thành 5 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại 5 nút giao thông trọng điểm, nhiều công trình giao thông trọng điểm khác cũng được hoàn thiện nên tình trạng ùn tắc, lộn xộn giao thông được cho là đã giảm.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Trương Tấn Viên yêu cầu, Sở Giao thông Hà Nội cần đẩy mạnh việc thi công các công trình trọng điểm dang dở như cầu Nhật Tân, đường sắt đô thị… để nhanh chóng đưa vào hoạt động góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc.
“Sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, thu hút vốn đầu tư để phát triển, xây dựng các công trình giao thông đô thị và đặc biệt là tập trung vào loại hình vận tải công cộng như đường sắt nội đô”, ông Viên nhấn mạnh.
Theo VNE
Công trình giao thông chưa xứng với đồng tiền
2012 dù được ngành giao thông lấy là năm "Chất lượng công trình giao thông", song theo nhận định của Bộ GTVT, những gì đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số dự án giao thông vẫn tồn tại khiếm khuyết, gây bức xúc trong dư luận.
Cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình gây bức xúc vì vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp
Tư vấn giám sát nhiều chất lượng vẫn kém
Bộ GTVT cho biết, trong năm 2012, giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân để thực hiện tiến độ các dự án đạt kết quả vượt kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đã thực hiện giải ngân vượt mức, đạt 211%, các dự án vốn trái phiếu Chính phủ cũng đảm bảo đúng tiến độ thực hiện. Cũng nhờ vậy, nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng đã được khởi công, như hầm đường bộ Đèo Cả, mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - TP Hà Tĩnh... Các dự án hoàn thành và đưa vào khai thác vượt kế hoạch như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2... Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Bộ GTVT về kế hoạch thực hiện "Năm chất lượng công trình giao thông 2012". Một số dự án giao thông còn có khiếm khuyết về chất lượng đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội như dự án mở rộng QL 51, một số gói thầu ở dự án đường nối TX Vị Thanh với TP Cần Thơ, dự án cao tốc cầu Giẽ- Ninh Bình xuất hiện hư hỏng tại các vị trí mặt đường quá độ đang theo dõi lún...
Còn tình trạng trên, theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT do nhiều yếu tố và nguyên nhân. Trong đó, một số chủ đầu tư (Ban QLDA) còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nên chưa đáp ứng được yêu cầu với những dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. "Một số Ban QLDA chưa cương quyết xử lý các nhà thầu thực hiện chậm tiến độ như ở dự án QL 3 Hà Nội - Thái Nguyên, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... Có trường hợp Ban QLDA còn chạy theo tiến độ, giá thành mà không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật", ông Đông cho biết.
Trong khi đó, tư vấn giám sát chưa thể hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình, chưa kiểm soát tốt chất lượng công trình trong quá trình thi công. Ông Nguyễn Ngọc Đông lấy dẫn chứng, Công ty tư vấn QCI tại dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án mở rộng QL 51 có đến 15 đơn vị tư vấn giám sát nhưng lại để xảy ra nhiều vi phạm về chất lượng...
Sẽ gắn trách nhiệm cụ thể về chất lượng, tiến độ
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án chậm tiến độ là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không phát huy đủ năng lực theo cam kết, buộc phải xử lý cắt giảm, điều chuyển khối lượng. Đặc biệt, ở một số dự án BOT, BT triển khai chậm do nhà đầu tư không đáp ứng được tiến độ huy động vốn. Bên cạnh đó, một số dự án nhà thầu không huy động nhân lực, thiết bị thi công theo đúng cam kết dẫn đến tiến độ thi công chậm trễ. Có thể lấy ví dụ như nhà thầu Keangnam tại các gói thầu A4, A5 dự án đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai, nhà thầu khi công gói thầu PK1C trên QL 3 Hà Nội- Thái Nguyên...
"Nhiều công trình bị chậm tiến độ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, QL 3 Hà Nội - Thái Nguyên... Bên cạnh nguyên nhân do chậm trễ GPMB, hoặc do năng lực tài chính của nhà thầu thì một số Ban QLDA còn chưa quan tâm, chú trọng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Khi gặp các vấn đề khó khăn thì đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ, cho các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Đông cho hay. Theo đó, việc chậm tiến độ đã dẫn đến phải điều chỉnh dự án, tiến độ, hợp đồng, cùng với sự trượt giá dẫn đến vốn đầu tư dự án tăng trong điều kiện nguồn vốn hạn chế.
Theo Bộ GTVT, trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Bộ yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Bộ về tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, sẽ gắn trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, thực hiện dự án. "Trong năm 2013, sẽ ban hành quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý, đảm bảo chất lượng công trình giao thông đối với cơ quan tham mưu của Bộ, chủ đầu tư và Ban QLDA".
Theo ANTD
Năm 2013: Giảm 30% số điểm ùn tắc Năm 2012 được nhìn nhận là một năm có nhiều thay đổi về bộ mặt giao thông đô thị Hà Nội. 5 cầu vượt lắp ghép được xây dựng, nhiều tuyến, đoạn đường đưa vào lưu thông đã giúp tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP có nhiều biến chuyển. Năm 2013, tiếp tục nhiều công trình giao thông...