Hà Nội quyết “xóa” gà nhập lậu
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13 về ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, chỉ tính riêng tại chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) trung bình mỗi ngày có từ 14 – 24 tấn nhập lậu được tiêu thụ. Không chỉ nhập lậu gà thải loại, dân buôn còn nhập lậu gà giống và trứng sắp nở để tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất con giống của Hà Nội.
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc chống gà nhập lậu rất khó khăn do tỷ suất lợi nhuận lên tới 300%. Tại Trung Quốc giá gà thải loại 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái là 30.000 – 35.000 đồng/kg, khi về đến chợ Hà Vĩ lên tới 65.000 – 70.000 đồng/kg.
Cảnh bốc dỡ gà thải loại Trung Quốc tại chợ Hà Vĩ
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Ban quản lý chợ tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh gia cầm.
Nội dung là thực hiện đúng quy định pháp luật và không vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Trường hợp những hộ kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật, còn để xảy ra tình trạng kinh doanh, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu… không tiếp tục ký hợp đồng cho thuê kiốt.
Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiên quyết xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý đối với trường hợp vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ gà nhập lậu không gõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ, chợ đầu mối, chợ tạm và các chợ khác trên địa bàn quản lý,…
Ngoài ra, có biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua hệ thống loa truyền thanh, phổ biến kiến thức pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân không tham gia vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu không gõ nguồn gốc.
Theo 24h
Video đang HOT
Bóc trần những đường dây nhập lậu gà giống
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn gà nhập lậu từ Trung Quốc. Nhưng khi mọi con mắt tập trung vào "gà trọc", thì các ông chủ gà lậu lại chuyên sang nhập lậu gà giống, lên tới hàng chục vạn con mỗi ngày.
PV đã lăn lộn 13 ngày đêm thâm nhập các đường dây buôn gà giống lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua khu vực các cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), Chi Ma, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh).
Chúng tôi quyết định quăng mẻ lưới đầu tiên ở cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) - nơi được coi là "đến dễ khó về" khi con đường dài gần 50km từ TP.Lạng Sơn đến cửa khẩu Chi Ma được kiểm soát bằng "chim lợn" với mật độ dày đặc...
Lục bình chỉ lối
Khi hay tin người Trung Quốc thay đổi chiến thuật "bơm" gà giống vào Việt Nam thay cho "gà trọc" (gà loại thải) để phục vụ cho nhu cầu của người chăn nuôi Việt Nam vào lứa gà bán Tết Nguyên đán, ngày 1/10 tôi tìm gặp ông anh đồng hương tên D - người đã có gần 20 năm là lục bình (lục bình - chỉ giới giang hồ phiêu bạt) đứng ra bao biên (bao biên - lo luật để hàng lậu vượt biên trót lọt), bảo kê cho hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc, như: Tân Thanh, Hữu Nghị, Móng Cái... và được giới lục bình ở vùng biên phong là Lục Cả, nay đã gác kiếm và trở thành một đại gia ở Hà Nội.
Vừa gặp tôi, D bảo: Mẹ, buôn lậu cái gì chứ mấy con gà qué để giết mấy ông nông dân cái đầu nghĩ không vượt ra khỏi bờ ruộng thì, phải... chém. Rồi, D nhấc máy điện luôn cho mấy Lục Tử ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn). Điện xong, D gật gật: Đúng như chú mày nói, gà con Trung Quốc đang tràn ngập biên giới, chủ Trung Quốc bán như cho không. Nhưng toàn bộ hoạt động đưa gà qua biên giới chỉ diễn ra vào ban đêm. Giờ, chú muốn thế nào để anh bố trí.
Xe máy vận chuyển gà giống lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma
về chợ Giếng Vuông
"Anh có thể điều cho chú 2 thằng Lục Tử đi khắp biên giới Việt - Trung trong vòng 1 tháng để nó "hầu hạ" chú. Nhưng có điều này, anh phải nói trước, giang hồ hiểm ác, anh gác kiếm rồi, trước đây chúng là đàn em và là lính của anh, phục vụ quyền lợi cho anh, nay nó vẫn là đàn em nhưng lại phục vụ quyền lợi cho kẻ khác, thế nên sẽ khó tránh khỏi việc nó xì lục bình xơi chú khi chú động đến quyền lợi của chủ nó", D nói.
Thấy tôi lặng người nghe, D nói tiếp: Chú biết rồi đấy, hàng lậu vượt biên mà không có đám lục bình bọn anh đứng ra bao biên thì anh thách mà qua biên được. Các cơ quan kiểm soát ở cửa khẩu, muốn ăn gì ở cái hàng lậu này, đa phần đều phải ăn qua tay đám lục bình, chứ ít khi ăn thẳng. Gà qué cũng vậy thôi. Chú bảo gà Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam rất nguy hiểm, siêu lợi nhuận, Thủ tướng đã chỉ đạo phải ngăn chặn thì đám lục bình có vai trò càng lớn trong việc giữ vẻ bên ngoài của cửa khẩu được đẹp. Còn với chủ gà Trung Quốc, nó sẵn sàng cho không chú để gà vào được. Người Trung Quốc là vậy, cái gì mà mình càng cấm, càng khan thì càng "bơm" vào như cho không. Đơn giản thôi, cái triết lý mà người Trung Quốc là đánh vào lòng tham của người ta.
Gà giống nhập lậu từ Trung Quốc
Tôi đưa ra phương án thâm nhập không cần phải có lục bình bảo vệ, D chốt lại: Chú máu thì cứ làm. Điều quan trọng nhất là chú phải hóa trang thật khéo và diễn thật tốt mới thâm nhập được vào đường biên trong đêm và đường dây buôn từ cửa khẩu về các tỉnh. Lộ là coi chừng. Nên nhớ, từ biên phòng, hải quan, đám chim lợn, ong ve và ngay cả người dân ở vùng biên đều có thể là những người có quyền lợi và thậm chí là "tù nhân" của hàng lậu. Chú nên mang "hàng" theo. Khi có bất trắc, cứ a lô, 15 phút, đội hình của anh sẽ có mặt.
8 tiếng phục kích ở Chi Ma
Nghe ông anh Lục Cả chỉ lối, tôi vừa có cảm giác sợ hãi, lại vừa có thêm hứng thú. Ngay tối ngày 1/10 chúng tôi bắt đầu lên đường trên 1 chiếc xe máy được độ để khi cần có thể đạt tốc độ 100km/giờ trong tích tắc.
Đêm trên QL1 đoạn Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn bao năm nay vẫn thế, nó được ví là "con đường hàng lậu", khi những chiếc xe luôn chạy ở tốc độ 100-140km/h, chợt thấy, rồi mất hút như những bóng ma. Sau một đêm vật vờ, chúng tôi đã nắm bắt sơ lược được giờ giấc, cách thức, loại xe, cung đường vận chuyển gà giống lậu từ Lạng Sơn về xuôi. Sáng hôm sau, chúng tôi tiến thẳng lên huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) nhắm đến cửa khẩu Chi Ma.
Thị trấn miền biên viễn Lộc Bình cách cửa khẩu Chi Ma gần 20km khá sầm uất, thi thoảng, nó lại như rung lên khi những chiếc xe máy chở "gà trọc" nhập lậu chạy hết ga về phía TP.Lạng Sơn. Nhưng ngay trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của chúng tôi, dù rất nhỏ bé, với bộ dạng bên ngoài như những thằng cửu vạn tha hương kiếm sống cũng thu hút sự chú ý nhất định. Miền biên là thế. Khi mà, mỗi ông xe ôm, lái xe tải, ông bán quán nước tạm bên đường... đều có thể là chim lợn.
Tiến tiếp về cửa khẩu, trong một quán nước cách cửa khẩu gần 1km, chúng tôi gặp Trung, là lái xe cóc, chuyên chở hàng lậu từ Chi Ma về TP.Lạng Sơn. Lấy vốn tự có là đi tìm mối bán long nhãn từ Hưng Yên sang Trung Quốc, sau gần 15 phút "chém gió", chúng tôi đã tạo được niềm tin khá chắc nơi Trung.
Các bà chủ nhập khẩu gà giống lậu qua cửa khẩu Chi Ma giao gà tại chợ Giếng Vuông
Vì thế, khi đề nghị Trung giúp xem có hàng gì chạy về xuôi bán để xe chở long nhãn lên Chi Ma không phải chạy xe không khi quay đầu, Trung bảo ngay: "Gà giống có dám chơi không? Hiện nay bên Trung Quốc bán rất rẻ. Vài ngàn đồng/con. Nếu làm, tôi có anh em bên hải quan, biên phòng. Tôi sẽ bao biên, lo luật lá cho ông. Đêm xuống, tôi thuê người dân ở đây gánh gà từ Trung Quốc về qua cửa cánh gà bên phải cửa khẩu, sau đó thuê xe máy chạy thẳng về đây. Về đến đâu bốc lên xe đến đó, chạy đến sáng là ông về đến Hưng Yên. Bao biên, bao luật sẽ hơi nặng đấy, nhưng như anh bọn tôi đang làm, về đến chợ Giếng Vuông ở TP.Lạng Sơn thôi, đã ăn ra 3.000 đồng/con gà giống rồi. Còn về đến Bắc Giang là ăn ra 4.000 - 5.000 đồng/con".
Không dám hỏi sâu thêm vì sợ bị lộ thân phận, xe chúng tôi chạy đến trạm kiểm soát liên ngành và ngay lập tức xuất hiện một cái đuôi, chầm chậm theo sau. 16 giờ chiều, trong sự tấp nập của cửa khẩu với hàng trăm container chờ qua, chúng tôi đã nhanh chóng trinh sát được địa điểm để phục kích gà giống lậu tuồn qua cửa khẩu rồi xuôi về TP.Lạng Sơn để đánh lạc hướng và cắt đuôi.
18 giờ ngày 2/10, trời chạng vạng tối, chúng tôi tháo biển số xe, thay toàn bộ trang phục và cải trang hành lý quay trở lại Chi Ma. Sau khi giấu xe vào trong rừng và trà trộn vào đám thợ xây dựng, chúng tôi tấp vào vệ đường và leo nhanh lên ngọn đồi bên tay trái trạm kiểm soát, giáp với trụ sở Chi cục Hải quan Chi Ma.
Từ trên đỉnh đồi này, khu vực kiểm soát có barie và biên phòng canh gác - nơi gà giống lậu sẽ lao qua như không, với điện sáng trưng, nhất cử nhất động đều nằm trong tầm hoạt động của ống kính máy ảnh và máy quay. Ung dung nằm phục kích, chắc mẩm, mẻ lưới đầu tiên sẽ đầy gà giống lậu. Nhưng, thời gian cứ trôi qua, gà giống nhập lậu vẫn chưa về. Hay chúng tôi đã bị lộ (?!). Sự lo lắng và sợ hãi bao trùm. Nếu bị lộ cả vị trí phục kích, chắc chắn là đứt.
Rất may, sau gần 8 tiếng vẫn không bị "hỏi thăm" và gà vẫn không về, hơn 2 giờ sáng ngày 3/10, chúng tôi rút lui, chạy như ma đuổi về TP.Lạng Sơn trong sự dõi theo của chim lợn hai bên đường.
Về đến TP.Lạng Sơn gần 4 giờ sáng, vừa định thần và tiếp thêm năng lượng thì hàng chục chiếc xe Minsk chở gà giống lao vụt qua với tốc độ như bay. Bà bán hàng xôi nói bâng quơ: Sao nay gà lậu Chi Ma về muộn thế. Chắc giờ đường mới thông. Thế này thì chắc gì nó đã ăn đêm chỗ mình nữa.
Dù đã nhổm đít dậy, nhưng nghe bà chủ quán nói thế đành ngồi lại. Ăn vội vàng, chúng tôi quay ra tìm dấu vết của những xe gà bay. Sau gần 1 tiếng tìm kiếm, chúng tôi xác định được một vài chiếc trong đoàn xe đó đã vào chợ Giếng Vuông ở TP.Lạng Sơn. 6 giờ sáng có mặt tại chợ Giếng Vuông, hơn 10 hàng gà giống Tàu đã bắt đầu bán cho các tay buôn gà nhỏ dùng xe máy có biển số 12, 99, 98, 20 để chở.
Trong vai người tìm mối mua gà giống Tàu, bà chủ tên Bình, số ĐT 016955473xx ở ngay cạnh cửa khẩu Chi Ma cho biết: Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc rất nhiều gà. Khách đặt ngần nào tôi lấy về ngần đó. Đêm qua thấy bảo có nhà báo nên bị cấm biên, gần sáng mới mở, chị chỉ lấy được trên 3.000 con từ 12 đến 15 ngày tuổi. 1 xe đi Đình Lập (Lạng Sơn), 1 xe đi Tiên Yên (Quảng Ninh) và 1 xe về đây bán. Nếu em nhập hàng vạn con/ngày mang về xuôi, chị cũng cung cấp đủ cho.
"Các anh ở tận Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng lên đây lấy của chị đây này. Hầu hết các chị có gà giống Tàu ở chợ này đều là người Lộc Bình hết. Em lấy gà trên Lộc Bình cũng được, mà chị vận chuyển về chợ này cũng được. Đi xa thì chỉ cộng thêm cước xe và tiền luật thôi. Còn không, chị đưa em sang bên Trung Quốc mua, giá cả thế nào em làm với họ, chị sẽ bao luật và lo người mang qua cửa khẩu cho em...", bà Bình nói tiêp.
Lúc này, chúng tôi mới thấy được hệ thống chim lợn ở Chi Ma không khác nào quân tình báo chuyên nghiệp! Không cần phải nghe các đầu nậu nói, cứ nhìn vào cái chợ gà giống Tàu có đến cả vạn con này, mà đa số là từ Chi Ma về trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 giờ sáng đã thấy rợn tóc gáy rồi.
Đây là biển số của những chiếc xe ô tô chuyên chở gà lậu từ cửa khẩu Tà Lùng, Chi Ma, Hữu Nghị, Móng Cái vào Việt Nam và các xe chuyển gà từ các điểm tập kết đi phân phối khắp các tỉnh, thành trong quá trình điều tra 13 ngày đêm PV NNVN đã bám theo và "chộp" được: 34C-0259x, 29X-1702x, 98K-427x, 98C-0207x, 98K-421x, 34C-0259x, 98C-0227x, 99C-0003x, 30Z-199x, 98C-0036x, 34L-973x, 98C-0194x, 34L-830x, 30Y-869x, 14L-344x, 98C-0082x, 34C-0020x, 17K-889x, 14C-0261x, 43C - 0202x, 34C-0202x, 98H-408x, 98H-367x, 98C-0046x...
Theo 24h
Gà thải loại lại ồ ạt nhập chợ Hà Vĩ Tình trạng buôn bán gà mía thải loại của Trung Quốc vẫn diễn ra "tấp nập" tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội). Gần hai tháng sau khi Thủ tướng ra công điện yêu cầu ngăn chặn nạn vận chuyển gia cầm lậu, gà thải loại Trung Quốc được bày bán công khai tại chợ đầu mối gia...