Hà Nội quyết đề nghị xóa trạm thu phí ‘đường đối ngoại’
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Bộ Giao thông xóa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài nằm ở cửa ngõ phía bắc thủ đô bởi thu phí trên tuyến này để trả tiền đầu tư cho con đường ở Vĩnh Yên là bất hợp lý.
Chiều 23/1, làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, khách quốc tế xuống sân bay Nội Bài phải gặp ngay 2 trạm soát vé ở cổng sân bay và trên đường Bắc Thăng Long, quá nhiều trạm thu phí tạo hình ảnh không đẹp cho thủ đô. Do vậy, khi đã có Quỹ bảo trì đường bộ thì cần xóa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài.
“Thu phí trên tuyến đường đối ngoại để trả tiền đầu tư cho một con đường ở Vĩnh Yên là bất hợp lý”, ông Thảo nhấn mạnh và đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông áp dụng công nghệ để hiện đại hóa các trạm thu phí, tránh ùn tắc giao thông, tạo hình ảnh đẹp với người tham gia giao thông.
Hà Nội từng nhiều lần đề nghị bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài và Vĩnh Thanh nhưng chưa được đồng ý. Ảnh: Xuân Tùng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Bộ này sớm dừng thu phí tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài và trạm thu phí Vĩnh Thanh vì gây gánh nặng cho người dân khu vực huyện Đông Anh; đồng thời, công khai thời gian thu phí, mức thu của các trạm BOT để người dân được biết.
Video đang HOT
Trước đề nghị này, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài là trạm thu phí BOT, nhà đầu tư thu phí để hoàn vốn đầu tư tuyến đường tránh Vĩnh Yên. Mặc dù có Quỹ bảo trì đường bộ, song Chính phủ vẫn cho phép trạm thu phí này tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Trường, Bộ Giao thông sẽ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu phương án Nhà nước mua lại quyền thu phí và trả lại cho chủ đầu tư bằng ngân sách, sau đó xóa trạm thu phí này. Phương án khác là chuyển trạm thu phí Bắc Thăng Long lên Vĩnh Yên và thu với mức phí tăng lên 2,5 đến 3 lần.
Trước đó, tháng 9/2012, trong khi Hà Nội đề nghị xóa trạm thu phí trên “con đường đối ngoại” để giảm ùn tắc giao thông thì Bộ Tài chính lại dự kiến tăng mức phí lên 1,5 lần. Trước mức thu tối thiểu tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng và mức thu tối đa tăng từ 40.000 – 60.000 đồng, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, tuyến đường vẫn có hạ tầng như cũ, người sử dụng dịch vụ không được tăng chất lượng mà lại phải trả thêm tiền là bất hợp lý.
Theo VNE
Dự kiến tăng 1,5 lần phí cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài
Trong khi Hà Nội đề nghị xóa trạm thu phí trên "con đường đối ngoại" để giảm ùn tắc giao thông thì Bộ Tài chính lại dự kiến tăng mức phí cao tốc này lên tới 1,5 lần. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, điều này là vô lý.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo quyết định tăng mức phí đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) để lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Theo đó, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt chở khách công cộng giá vé tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng một lượt Xe 12 - 30 ghế, xe tải trọng 2 - 4 tấn tăng từ 15.000 đồng lên 22.000 đồng Xe 31 ghế trở lên, xe tải trọng 4 - 10 tấn tăng từ 22.000 đồng lên 33.000 đồng. Xe tải 10 - 18 tấn tăng từ 40.000 đến 60.000 đồng một lượt.
Mức phí cao nhất dự kiến áp dụng đối với xe có tải trọng 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet được dự kiến tăng từ 80.000 đồng lên 120.000 đồng một lượt từ 2,4 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng một tháng từ 6,5 triệu đồng lên 9,7 triệu đồng một quý.
Trạm thu phí này hiện do Công ty CP BOT Vietrancimex 8 thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc theo hình thức BOT.
Mặt cầu Thăng Long xuống cấp, hạ tầng trên tuyến cao tốc không được thay đổi nhưng giá vé đường lại dự kiến được tăng 1,5 lần. Ảnh: Phương Sơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ việc dự kiến tăng phí cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài lên 1,5 bởi "tuyến đường vẫn có hạ tầng như cũ, người sử dụng dịch vụ không được tăng chất lượng mà lại phải trả thêm tiền là bất hợp lý".
Ngoài ra, theo ông Hùng, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng phí sẽ gây gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải vì tăng cước vận chuyển.
"Thu phí đường Bắc Thăng Long để lấy tiền đầu tư cho một con đường khác theo hình thức BOT là vô lý. Đây là tuyến đường do nhà nước đầu tư chứ không phải doanh nghiệp đầu tư nên không thể coi là đường BOT", ông Hùng bày tỏ.
Chủ tịch Hùng cũng cho rằng, từ năm 2013 sẽ bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ. Theo đó, các trạm thu phí không phải BOT sẽ bị xóa bỏ. Tuyến đường Bắc Thăng Long không phải đường đầu tư theo hình thức BOT sẽ ngừng hoạt động, nên tăng phí vào thời điểm này là bất hợp lý.
Quan điểm này cũng trùng với kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc ngừng hoạt động của trạm thu phí Bắc Thăng Long bởi trạm thu phí trên "đường đối ngoại" nối sân bay Nội Bài với thủ đô Hà Nội thường xuyên gây ùn tắc giao thông trên tuyến vào giờ cao điểm.
Theo VNE
Xóa trạm thu phí, cả nghìn người thất nghiệp Sau ngày 1/1/2013, 17 trạm thu phí đường bộ giải thể, đồng nghĩa với việc cả nghìn lao động rơi vào cảnh mất việc. Bố trí công ăn việc làm, giải quyết chế độ chính sách cho những công nhân thu phí đang là vấn đề nan giải của ngành đường bộ. Xóa trạm thu phí, người lao động về đâu? 17 trạm...