Hà Nội: Phạt nặng xe làm rơi vãi, đổ phế thải ra đường
Từ ngày 8/8, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Công an TP Hà Nội sẽ ra quân xử phạt nặng người điều khiển xe ô tô tải vi phạm khi chở hàng rơi, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi và đổ phế thải ra đường.
Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, thời gian qua tình trạng nhiều phương tiện vận tải vi phạm các qui định về TT, ATGT khi tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tập trung xử lý người điều khiển xe ô tô tải vi phạm: chở hàng rơi, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi (gọi tắt là vật liệu rơi) mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; đổ phế thải ra đường không đúng quy định; lắp thêm đèn chiếu sáng phía sau xe; không có GPLX, không có đăng ký xe… và các hành vi vi phạm.
Địa bàn xử lý là các tuyến Quốc lộ 1B (QL), QL5, QL6, QL21A, 21B, QL32, đường Thăng Long – Nội Bài, Đại lộ Thăng Long và các tuyến vành đai II, vành đai III, các tuyến trục chính ra vào thành phố thuộc địa bàn các Đội Cảnh sát giao thông từ 4 đến 12, 14.
Việc tuần tra xử phạt diễn ra từ 6h sáng đến 22h đêm tất cả các ngày trong tuần từ nay đến hết năm 2013.
Theo Dantri
Người đàn ông mù 20 năm rong ruổi trên xe máy mưu sinh
Bị mù cả hai con mắt từ lúc lên 4 tuổi, nhưng đã 20 năm nay anh Lê Đình Hậu (33 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có thể điều khiển xe máy chạy tất cả mọi nẻo đường từ Bắc chí Nam mà chỉ cần có một người ngồi phía sau hướng dẫn. Người đàn ông đặc biệt ấy chỉ mong muốn, có được công việc ổn định để mưu sinh và nuôi vợ con.
Tuổi thơ bất hạnh
Video đang HOT
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Lê Đình Hậu nằm khuất bên rìa núi ở xóm 4, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu. Gần cuối buổi chiều, anh Hậu cùng vợ vừa trở về sau hành trình đi bán tăm ở thành phố Vinh. Nghe tiếng khách tới nhà, người đàn ông dáng người cao, bẫm, nước da đen sạm nở nụ cười tươi. Dù không nhìn thấy nhưng hành động cử chỉ của anh vẫn rất nhanh nhẹn, anh đi lại trong nhà, pha trà rót nước nhanh thoăn thoắt như người bình thường.
Giọng nói trầm ấm, đầy truyền cảm, anh Hậu kể về cuộc đời mình. Sinh ra chính nơi hiện nay đang sinh sống trong một gia đình 8 anh chị em, Hậu là con út trong gia đình. Năm lên 4 tuổi thì bị mù cả hai mắt trong một lần cùng anh trai nghịch quả đầu đạn gây nổ. Không lâu sau ngày anh Hậu bị tai nạn, bố anh - người đàn ông trụ cột của gia đình đã từ giã cõi đời, cuộc sống của 9 mẹ con rơi vào cảnh túng quẫn. Cậu bé Hậu rơi vào mặc cảm, buồn bã, chán nản vì tật nguyền không thể tới trường đi học cùng các bạn.
Anh Hậu đang điều khiển xe máy trên đường, phía sau là chị Lợi, vợ anh
"Ngày đó thấy các bạn tới trường mà ứa nước mắt. Hoàn cảnh gia đình thì quá khó khăn, có lúc mình đã nghĩ quẩn, muốn đi đâu đó thật xa để khỏi gánh nặng cho gia đình... nhưng nghĩ lại mình có mệnh hệ gì sẽ lại làm đau lòng người thân, nên tôi quyết tâm sống tốt để khỏi ai phải lo lắng. Thay vì ngày ngày tới trường cùng bạn bè, tôi ra đồng ruộng mò cua bắt ốc mưu sinh phụ giúp gia đình", anh Hậu nhớ lại tuổi thơ bất hạnh
Biệt tài chạy xe
Năm lên 12 tuổi, một lần đi chơi bị nhóm bạn trong làng đạp xe trêu chọc là người mù không biết đi xe, rồi thách đố Hậu dắt xe đạp đi được vòng quanh sân mà không bị ngã. Sau lần bị chọc tức, về nhà, nhân lúc mẹ và anh chị đi vắng, Hậu lấy chiếc xe đạp bắt đầu hành trình tập xe. Những ngày đầu, không ít lần cậu bé ngã chỏng cả xe lẫn người nhưng vẫn không thể đi được. Từ đó Hậu nghĩ ra việc tại sao không có một người ngồi phía sau lưng để trợ giúp, thế là cậu bắt cháu Lê Đình Quyền (con của người anh trai) ngồi sau xe để dẫn đường. Đúng như suy nghĩ của Hậu, tác dụng của người ngồi phía sau chỉ đường đã phát huy tác dụng.
Cứ như thế hàng tháng trời hai chú cháu tự tập xe, lâu dần Hậu suy ra được một quy tắc điều khiển xe mà không phải ai cũng làm được. Để luyện thêm khả năng đi xe đạp của mình thành thạo, Hậu nhờ một người chạy xe đạp phía trước bấm chuông hoặc phát ra một tiếng động từ chiếc xe phía trước để cậu chạy từ phía sau cảm nhận.
"Khi luyện chạy xe đạp thành thạo, công đoạn quan trọng là khi có xe phía trước phát ra tiếng động thì mình phải lắng tai nghe thật rõ, ước lượng khoảng cách để tăng tốc hoặc giảm tốc", anh Hậu nhớ lại lúc tập xe đạp.
Vợ chồng anh Hậu và 5 người con
Ngày đó, cứ mỗi lần hai chú cháu Hậu đạp xe đi trên đường làng là bà con hàng xóm lại đứng dồn ra hai bên đường để xem và bàn tán, nhiều người không tin vào mắt mình đặt luôn cho anh cái biệt danh "thần mù" chạy xe.
Chưa dừng lại ở khả năng đi xe đạp, một năm sau Hậu lại làm mọi người trong gia đình và làng xóm thêm một phen khiếp vía, khi thấy Hậu chạy xe máy. Đó là lần Hậu tới nhà anh trai, thấy ông anh có cái xe máy dựng sẵn ở sân cậu liền ngồi lên nổ máy rồi chạy thẳng ra đường, nhưng được một đoạn thì bị đâm vào gốc cây ngã, tưởng rằng sau lần đó Hậu sẽ từ bỏ việc đi xe máy, ai ngờ Hậu tiếp tục nhờ cháu Quyền ngồi phía sau để trợ giúp, và kết quả đã thành công.
Theo anh Hậu thì việc tập đi xe máy không khó bằng việc tập đi xe đạp bởi xe máy chỉ khác xe đạp là vào số và phanh, còn cách điều khiển trên đường cũng chỉ giống xe đạp mà thôi. Nhưng để đi được xe máy đường xa, và đi những đoạn đường đông tham gia giao thông, trên quốc lộ lại là việc rất khó.
Anh Hậu cho biết để lái được xe, điều quan trọng nhất đòi hỏi giữa người điều khiển xe và người ngồi phía sau thống nhất một quy bắt bất di bất dịch đó là ký hiệu.
"Người ngồi phía sau đặt hai tay vào hông của người điều khiển xe để ra ký hiệu. Ví dụ khi dừng xe thì tỳ tay về phía sau, khi rẽ phải thì bấm tay phải vào hông và ngược lại, hay lúc tăng tốc thì đẩy tay về phía trước...", anh Hậu bật mí về cách ra tín hiệu khi điều khiển xe. Từ ngày anh Hậu đi được xe máy thì cũng duy nhất chỉ cháu Quyền là người ngồi phía sau trợ giúp.
Mong có việc làm ổn định nuôi sống vợ con để rời xa xe máy
Thấy được khả năng kỳ lạ, tài chạy xe của anh Hậu nhiều cô gái trong làng xã bắt đầu để ý với anh hơn. Năm 20 tuổi, qua mai mối của người thân, anh gặp chị Trần Thị Lợi người cùng quê nhiều hơn mình 4 tuổi, rồi cả hai đem lòng yêu thương nhau.
Anh Hậu giúp vợ làm việc gia đình
Ngày cưới, chàng rể quyết định đi xe máy rước cô dâu, làm cả làng và anh em họ hàng thán phục. Cũng chính từ ngày này, anh Hậu truyền đạt phương pháp trợ giúp điều khiển xe từ người cháu qua cho vợ.
Sau ngày cưới, cuộc sống gia đình khó khăn, hai bên nội ngoại cũng hoàn cảnh nên chẳng giúp được gì. Hai vợ chồng quyết định vay tiền ngân hàng và anh em mua lại chiếc xe máy đời cũ để đi làm ăn. Mua được xe, hai vợ chồng bắt đầu hành trình trên mọi nẻo đường từ Nam chí Bắc để đi bán tăm, bán đũa mưu sinh.
Anh Hậu cho biết, tính đến nay trên chiếc xe máy cũ kỹ này, hai vợ chồng anh đã đi hàng vạn km trên các con đường từ quốc lộ, đường thành phố. Kỷ lục chạy xe xa nhất là lần chạy một mạch Nghệ An vào tới Quảng Bình. Đã 20 năm đi xe máy nhưng anh Hậu chưa gây tai nạn với bất kỳ người khác, dù cũng không ít phen hú vía.
"Có lần trời mưa to hai vợ chồng đang chạy xe trên quốc lộ 1A từ Thanh Hóa về đến đoạn Tĩnh Gia thì gặp một xe tải chạy lấn đường. Bình thường vợ ra ký hiệu vào hông như thế thì tôi đã căn đúng đường rồi, nhưng đến lần này thì xe lấn đường. Lúc sát nơi sắp va vào xe vợ hét to rẽ thế là tôi cùng đánh lái tránh kịp vụ tai nạn...", anh Hậu nhớ lại kỷ niệm.
Nói về bí quyết giúp chồng điều khiển xe máy, chị Lợi cho biết: "Để ra ký hiệu cho chồng điều khiển xe tốt thì mình phải là người tập trung cao độ để quan sát như chính mình đang cầm lái. Quan trọng nhất là đôi tay của mình đặt vào hai bên hông của anh để ra ký hiệu, làm sao giữa 2 người phối hợp nhịp nhàng như một. Khó nhất vẫn là những động tác lái xe ở những đoạn đường có đông người tham gia giao thông, qua các vòng xuyến, hay đoạn đường hư hỏng, có nhiều "con lươn"..."
"Ngồi sau xe anh, trực tiếp trợ giúp anh cầm lái nhưng cũng nhiều phen tôi run lắm. Giờ tôi cũng đã có bằng lái xe máy, nhưng vì sức yếu nên chỉ cầm lái giúp anh được đôi đoạn đường thôi", chị Lợi phân trần.
Giờ đây vợ chồng anh chị đã có với nhau 5 người con (3 gái, 2 trai), cháu Lê Thị Tươi con đầu năm nay 12 tuổi, học lớp sáu, đứa út năm nay mới 2 tuổi. Cuộc sống gia đình 7 miệng ăn, tiền ăn học nhưng chỉ trông chờ vào những đồng tiền anh Hậu đi bán tăm mà có. Anh Hậu cho biết, để bán được tăm, hai vợ chồng rong ruổi chạy xe máy có, đi ô tô có. Bán ở thành phố Vinh, rồi có chuyến vào tận miền Nam nhưng cao nhất cũng chỉ được vài triệu đồng đã trừ chi phí nên không đủ để nuôi gia đình.
"Bây giờ người mắt sáng đi xe máy cũng sợ xảy ra tai nạn chứ đừng nói người mù. Nhưng tất cả cũng chỉ cuộc sống mưu sinh của gia đình mà thôi, nếu cảnh sát giao thông, pháp luật cấm thì vợ chông tôi không biết đi lại bằng gì nữa. Tôi chỉ mong có một ít vốn để mua con trâu con bò hay kiếm được một việc làm gì đó ổn định, để kiếm thu nhập nuôi gia đình thì sẽ rời xa việc đi xe máy", anh Hậu ước mơ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền - đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, nói về luật thì anh Lê Đình Hậu là một người mù tham gia giao thông là vi phạm luật theo quy định. Về biện pháp thì sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhằm vận động, tư vấn và hộ trợ để anh Hậu không tự tham gia giao thông, tránh xảy ra tai nạn đang tiếc.
Ông Võ Đức Cai - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam thì cho biết, việc anh Hậu đi xe máy chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở để anh không tham gia nữa nhưng chưa có kết quả. Nói việc cấm anh Hậu tham gia giao thông bằng xe máy cũng khó, vì không ai có thể trực tiếp giám sát. Về trợ giúp anh Hậu có đồng vốn hay thu nhập ổn định, thì điều kiện địa phương chưa có khả năng.
Theo ANTD
Bài 19: Vụ "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình: Chỉ đạo của Phó Thủ tướng bị biến thành "ma trận" Có lẽ chưa bao giờ bức tranh giao thông Hà Nội lại bí bách, ngột ngạt như hiện nay khi các biện pháp giảm tải bến xe Mỹ Đình không rõ ràng, đi theo vòng luẩn quẩn. Chỉ vì giảm tải trên 500 lượt xe khách/ngày, Hà Nội phải làm mới 2 bến xe ở những vị trí không phù hợp. Cá nhân...