Hà Nội phát hiện 26 ổ dịch tay chân miệng tại Đông Anh
Đến nay, huyện Đông Anh phát hiện 26 ổ dịch tay chân miệng tại cộng đồng, trường học và kết hợp cộng đồng – trường học.
Theo báo cáo của Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (TTYT huyện Đông Anh), trong tuần từ 31/8-6/9, huyện ghi nhận thêm 27 bệnh nhân tay chân miệng, cộng dồn năm 2020 đến nay là 288 trường hợp bệnh tại 24/24 xã, thị trấn.
Hiện trong số 26 ổ dịch, có 12 ổ dịch tại cộng đồng, 10 ổ dịch tại trường học và 4 ổ dịch kết hợp cộng đồng – trường học.
TTYT huyện Đông Anh đã tiến hành các hoạt động truyền thông như: nói chuyện nhóm nhỏ, phát tờ rơi, thăm hộ gia đình, treo pa no, khẩu hiệu… Từ ngày 23/8 đến 8/9, trung tâm tổ chức 1 đợt truyền thông bằng hình thức trực quan và lưu động về bệnh tay chân miệng. Đồng thời, cho treo băng rôn, phướn dọc và chạy xe lưu động trên các trục đường chính, liên thôn, liên xã, các điểm chợ lớn và khu vực đông dân cư trên địa bàn.
Trung tâm khuyến cáo rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất rửa tẩy thông thường phòng bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ bệnh viện E chăm sóc cho bệnh nhi nhiễm tay chân miệng hồi tháng 7. Ảnh: BVCC.
Trước đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, yêu cầu tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus đường ruột Enterovirus với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Chúng tồn tại ở môi trường và ngay trong bản thân trẻ. Đặc biệt, đối với những nơi tập trung trẻ em như trường học, khu vui chơi… sẽ phát hiện nhiều virus gây bệnh.
Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ có thể tái mắc sau đó. Hiện nay, bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Video đang HOT
Tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người hoặc phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Dịch bệnh lây lan với tốc độ khủng khiếp. Trong lớp học có 1 bé bị mắc bệnh thì cả lớp đó có thể bị lây nhiễm.
Hiện, các bác sĩ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo 4 mức độ nặng của bệnh để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhi có cần nhập viện điều trị hay không.
Ở mức độ 1, có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì có thể điều trị tại nhà.
Ở mức độ 2, bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ: 2A và 2B.
Độ 2A, trẻ có 1 trong các dấu hiệu như giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Độ 2B, trẻ có dấu hiệu được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2. Nhóm 1, trẻ giật mình hơn 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình kèm theo dấu hiệu: ngủ gà, nhịp tim nhanh, sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nhóm 2, trẻ có triệu chứng thất điều như run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Ở mức độ 3, bệnh có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú. Nhịp thở nhanh, thở bất thường: có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.
Ở mức độ 4, xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.
Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên, gia đình cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, các bác sĩ khuyến cáo người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Gia đình cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất rửa tẩy thông thường.
Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Số ca mắc tay chân miệng tại tỉnh Ninh Bình tăng đột biến
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh, tăng hơn cả số mắc cả năm của 3 năm trước đây.
Bác sỹ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2020 đến ngày 27/7, toàn tỉnh ghi nhận 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 8/8 huyện, thành phố. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến với 185 trường hợp, cao hơn 149 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019, tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc cao nhất tại huyện Yên Mô với 87 trường hợp, thành phố Ninh Bình 30 trường hợp.
Ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh, tăng hơn cả số mắc cả năm của 3 năm trước đây ở hầu hết các huyện, thành phố.
Các trường hợp mắc tay chân miệng có xu hướng mắc nhiều vào tháng 6 và tháng 7, muộn hơn thời điểm đỉnh dịch các năm thường vào tháng 3 đến tháng 5.
Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm và đỉnh điểm là cách ly toàn xã hội trong tháng 4 vì vậy đặc điểm dịch cũng có sự thay đổi.
100% các trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng đầu gối, mông, loét miệng, quấy khóc, chán ăn. Một số trẻ có biểu hiện giật mình nhẹ khi ngủ.
Số trường hợp mắc ở phân độ 1 là 85 trường hợp (chiếm 45,7%); ở phân độ 2a là 100 trường hợp (chiếm 54,3%) và không có trường hợp mắc ở phân độ 2b trở lên.
Trước tình hình trên, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi mắc và đã mắc bệnh tay chân miệng, kịp thời có phương pháp xử lý, phòng chống lây lan ra cộng đồng.
Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền như sản xuất, phân bổ 9.000 tờ rơi và 500 áp phích về phòng chống bệnh tay chân miệng; trong quá trình điều tra, giám sát đồng thời tiến hành truyền thông nói chuyện trực tiếp tại cộng đồng và cơ sở điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị trong việc điều tra giám sát, tổ chức cách ly điều trị, hạn chế tối đa hiện tượng lây chéo trong bệnh viện; rà soát, bổ sung số lượng thuốc, vật tư, hóa chất cho các cơ sở y tế nhằm chủ động phòng chống khi có dịch xảy ra.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mầm non.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng cao. Hàng ngày, bệnh viện đón khoảng từ 10 đến 20 bệnh nhân nhập viện do mắc tay chân miệng. Tại phòng khám, mỗi ngày có trên 50 bệnh nhân đến khám nghi ngờ có các triệu chứng tay chân miệng.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà khuyến cáo, trong những giai đoạn có dịch bệnh tay chân miệng tốt nhất nên hạn chế đưa trẻ đến khu tập trung đông người. Người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt cho trẻ, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng. Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.
Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng: Đây là những điều cha mẹ cần biết để phòng trị bệnh cho trẻ Hiện tại, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dịch bệnh này lại đang diễn biến phức tạp, vì vậy các bậc phụ phụ huynh cần đặc biệt chú ý phòng trị bệnh cho các con. Theo Cục y tế dự phòng, qua hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ...