Hà Nội: Phân làn nhưng vẫn đảm bảo tính cơ động
“Với kinh nghiệm có được sau những lần thí điểm phần làn phương tiện trước đây, lần này Hà Nội sẽ không phân làn phương tiện quá cứng nhắc”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định.
Từ 20/9/2011, Hà Nội đã chính thức tiến hành phân làn phương tiện trên 2 tuyến phố Bà Triệu và Phố Huế – Hàng Bài, theo đó đường được chia làm hai làn, làn dành cho ô tô và làn dành cho xe máy, xe thô sơ.
Đây là lần thứ 4 Hà Nội tổ chức phân làn lại giao thông. Trước đó, là vào các năm 2003, 2006, 2009. Tuy nhiên, tất cả đều không thành công như mong muốn.
Tại các nút giao, các loại phương tiện có thể sử dụng làn của nhau để tránh xung đột. (Ảnh chụp trên phố Huế, sáng 20/9).
“Các lần trước thất bại là do cơ sở hạ tầng dành cho giao thông tại Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu của công tác phân làn. Vì muốn phân làn phải căn cứ vào mật độ phương tiện, chủng loại phương tiện, bề rộng mặt đường và phải giải quyết được bài toán nút thắt tại các điểm giao cắt”, ông Tân đánh giá.
Ông Tân cũng đồng thời cho rằng, khi các dòng phương tiện di chuyển tới các ngã ba, ngã tư, sẽ có dòng phương tiện rẽ trái và rẽ phải, việc gộp dòng phương tiện cùng rẽ trái và cùng rẽ phải là điều tất yếu. Trước khi đến ngã tư, phương tiện nào chuyển hướng sẽ phải hòa trộn vào một làn đường nhất định.
Đưa ra dẫn chứng, ông Tân cho hay, nếu đến ngã tư, xe máy muốn rẽ trái phương tiện này phải di chuyển vào làn 1 dành cho ô tô. Ngược lại, nếu ô tô muốn rẽ phải thì phải chuyển sang làn đường cho xe máy.
Video đang HOT
“Việc phân làn đường linh hoạt này nhằm hạn chế ùn tắc trong giờ cao điểm. Có thời điểm ô tô rất nhiều, có những lúc xe máy lại quá đông. Nếu chúng ta cứng nhắc trong việc phân làn thì khả năng thông xe sẽ rất khó khăn”, ông Tân bày tỏ quan điểm.
Để xử lý một cách linh hoạt cho tình huống này, Sở Giao thông Vận tải sẽ kẻ sơn vạch đứt, để định hướng cho làn phương tiện, đảm bảo được mục tiêu của việc phân làn.
Xe buýt đi làn nào?
Một thực tế đang đặt ra, việc phân làn đường cho xe buýt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì hiện nay, Hà Nội chỉ có duy nhất tuyến đường Nguyễn Trãi là có đường dành riêng cho xe buýt. Các điểm dừng đón, trả khách và các nhà chờ đều được xây dựng sát lề đường, vỉa hè. Khi xe buýt rẽ vào vô tình lấn sang làn của các phương tiện khác.
Xe buýt đi vào làn xe máy, khiến các xe máy phải tràn hết sang làn của ô tô. (Ảnh chụp trên phố Huế, sáng 20/9).
Theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải, tại những tuyến phân làn, xe buýt vẫn lưu thông theo làn của xe ô tô. Nhưng khi xe buýt phải chuyển làn liên tục để đón trả khách, thì các phương tiện khác phải tạo thuận lợi cho loại phương tiện này hoạt động.
Ông Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, cũng cho rằng việc phân làn phương tiện sẽ rất khó khăn trong việc quản lý xe buýt.
“Chúng ta cần tổ chức giao thông xe buýt như thế nào cho hợp lý, vì khi ra vào trạm dừng nó sẽ chiếm dụng làn đường xe máy và vô tình đẩy người đi xe máy sang làn đường dành cho ô tô. Lực lượng chức năng phải tổ chức giao thông của xe buýt để hành khách lên xuống thuận tiện, mà không ảnh hưởng tới người tham gia giao thông khác”, ông Hùng đánh giá.
Mỗi khi xe buýt vào các điểm đón trả khách, là các xe máy lại phải “rối” lên tìm đường tránh. (Ảnh chụp trên phố Huế, sáng 20/9).
Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông vẫn là nhân tố quyết định việc thành công của lần thí điểm này. Ông Hùng cho rằng, hiện nay ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, nên cái khó nhất để phương tiện lưu thông theo quy củ là việc duy trì lực lượng cưỡng chế thường xuyên trên từng tuyến đường.
Nhằm đảm bảo được phân làn thành công, và sớm đưa 3 tuyến phố còn lại (gồm tuyến Kim Mã; Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt; Giải Phóng) vào phân làn, Sở Giao thông vận tải đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công việc sơn kẻ vạch, chữ và hình vẽ từng loại phương tiện trên mặt đường, kết hợp với lắp đặt biển báo giao thông trên các tuyến phố để hướng dẫn phương tiện tách làn và chuyển làn.
Theo VTC
Hà Nội: Xe máy đi nhầm trong ngày đầu phân làn đường
Ngày đầu phân làn, tình trạng giao thông khá lộn xộn, xe máy đi vào làn ô tô diễn ra phổ biến. Hiện lực lượng chức năng đang hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn đường chứ chưa xử lý vi phạm.
Sáng nay (20/9), phố Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài (Hà Nội) chính thức tiến hành phân lan phương tiện, với hai làn dành cho ô tô và làn dành cho xe máy, xe thô sơ.
Ghi nhận của PV, đầu giờ sáng nay, mặc dù lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) và Cảnh sát giao thông Hà Nội đã bố trí lực lượng cắm chốt tại các điểm phân làn nhưng tình trạng xe vi phạm làn đường vẫn rất phổ biến.
Rất nhiều xe máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô
Ông Hồ Thanh Ngọc (cán bộ thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), người trực tiếp hướng dẫn giao thông tại hiện trường cho biết: Trong sáng nay, việc chủ yếu là phân làn, hướng dẫn phương tiện đi đúng làn đường, chưa tiến hành xử phạt.Cũng theo ông Ngọc, sáng nay tình trạng vi phạm còn rất phổ biến, hiện tượng chủ yếu là xe máy vẫn đi sang làn đường của ô tô.
Đánh giá công tác phân làn trong sáng nay (từ 6h30 tới 8h30), ông Nguyên Xuân Tân, Pho Giam đôc Sơ Giao thông Vân tai Ha Nôi cho biết:
"Trong ngày đầu, cơ bản tình hình khá tốt, tuy nhiên một số người dân chưa nắm bắt thông tin nên còn đi sai làn".
"Việc bố trí làn một số điểm chưa hợp lý, thời gian tới sẽ tiến hành vẽ lại làn đường hợp lý nhất".
Rất nhiều người dân còn bỡ ngỡ chưa biết về quy định phân làn đường mới.
Nhiều người dân khi được hỏi về việc phân chia làn đường còn rất bỡ ngỡ. "Có biết gì đâu, sáng nay đi vào tuyến phố này mới biết" - anh Nguyễn Thanh Hùng (Ba Đình - Hà Nội) nói.Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tân (Pho giam đôc Sơ) cũng yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp đỗ xe dưới lòng đường, tăng cường kiểm tra việc trông xe máy trên hè.
Theo dư kiên trước đó của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ 20/9, Sở sẽ tiến hành phân làn phương tiện trên 5 tuyên phô.
Lực lượng chức năng chốt tại các điểm phân làn để hướng dẫn các phương tiện trong những ngày đầu.
Đó là tuyến Kim Mã (đoạn Voi Phục - Bến xe Kim Mã), tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt (đoạn Lò Đúc - Kim Liên), tuyến Giải Phóng (đoạn Pháp Vân - Đại Cồ Việt), tuyến Phố Huế - Hàng Bài, tuyến Bà Triệu.
Các năm trước, Hà Nội đã ba lần thực hiện thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện, vào năm 2003 trên tuyến Kim Mã; năm 2006 tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; năm 2009 tuyến Giải Phóng.
Theo Bee.net.vn