Hà Nội ơi, cứ dịu dàng như thế!
Tôi yêu thành phố này hơn khi cơn mưa vừa dứt. Bụi đường, oi nồng được gột sạch. Từng nhành cây, ngọn cỏ dường như tươi mới hơn. Một Hà Nội quá đỗi dịu dàng.
Mấy ngày qua mưa thu phây phất. Cái thứ mưa dùng dằng, nửa nặng hạt, nửa cứ lâm thâm như mưa bụi những ngày giữa đông. Người ta bảo đó là là cơn mưa gọi rét. Tan mưa rồi sẽ chẳng còn thu nữa, bởi mùa đông đã đến rất gần. Tôi ngước nhìn xấp lịch tường đã mỏng đi quá nửa. Mới tháng chín… chắc mùa thu chưa đi hẳn.
Tạnh mưa, bầu trời quang đãng, không khí cũng thanh sạch hơn nhiều. Cái hanh hao thường hay bỡn cợt khiến đôi gò má ửng hồng vì khô nẻ cũng không còn nữa. Ai đó có thể ngửi được cả hơi nước tan ra trong không khí. Lòng người cũng vì thế mà bớt được một phần ưu tư.
Ở Hà Nội, tắc đường đã trở thành “đặc sản”. Thế nên, mưa vào giờ tan tầm khiến người ta thấy sợ. Tứ bề người đều chật như nêm, muốn nhúc nhích còn khó, huống chi là di chuyển. Vượt qua quãng đường dài để về nhà, cả người đều ướt nhẹp. Trái lại, những cơn mưa vào giữa đêm lại khiến người ta thấy khoan khoái hơn.
Không khí mát mẻ, đẫm hơi nước giúp vỗ về giấc ngủ đến mau. Sáng sớm hôm sau, trời giăng làn mây mỏng, chẳng có ai phải nheo mắt vì ánh nắng chói chang. Cây cối hai bên đường cũng tươi tắn hơn, khi kẽ lá không còn vương hạt bụi. Tuyệt nhất là những sáng cuối tuần mát mẻ, khi người ta có thể thong dong tản bộ, tận hưởng chút không khí trong lành.
Đường Thanh Niên một buổi chiều không quá xô bồ.
Vào những buổi sáng tuyệt vời, mang đôi chút thi vị ấy, tôi thích ngồi sau xe người bạn, dạo quanh đường Thanh Niên vài vòng. Đi chán, chúng tôi dừng chân nơi quán kem ven Hồ Tây, mua vài cây kem, vừa ăn vừa thong thả trò chuyện, nhìn mặt nước hồ gờn gợn sóng.
Từ Cổ Ngư rồi tới đường Thanh Niên… từ một con đê nhỏ, được người xưa đắp nên để khỏi phải đi đường vòng, ngày nay đã thành một con đường lớn, có tuổi đời mấy trăm năm, chịu bao cơn gió bụi cùng với mảnh đất này. Dường như, nó không chỉ là một lối đi về của người xe nơi phố thị. Con đường ấy đã trở thành một mảnh hồn của đất Hà Thành.
Video đang HOT
Cách đây nhiều năm, khi còn là một cô bé tỉnh lẻ, chân ướt chân ráo lên Hà Nội học đại học, tôi đã rụt rè trước sự náo nhiệt và ồn ã nơi đây. Vào một ngày cuối thu, sau gần hai tháng trời chỉ biết “sáng sáng lên giảng đường, chiều chiều về kí túc” tôi nghĩ mình phải thay đổi.
Tôi lên xe bus, đi lòng vòng phố xá, nhìn người xe tấp nập qua ô kính đầy bụi. Sau cơn mưa nặng hạt, hương hoa sữa dịu đi rất nhiều, chẳng còn khiến người ta váng vất. Tôi dừng chân ở ngay đường Hoàng Diệu, lặng lẽ ngắm gốc xà cừ già nua. Chúng làm tôi nhớ đến hàng cây ngay trước cổng trường cấp ba. Những điều vụn vặt, bé nhỏ ấy làm tôi bớt nhớ nhà.
Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội.
Từ bé, tôi đã mắc bệnh “mù đường”. Bao lần, tôi ngơ ngác đứng giữa những ngõ phố xa lạ nơi này. Những con đường được thiết kế theo ô bàn cờ, cứ thế đan vào nhau. Nếu có dừng lại hỏi thăm, tai tôi cũng ù đi vì bao lần “rẽ trái”, “rẽ phải” nối tiếp nhau. Sau này, khi bị lạc đường, nếu không có chuyện gì gấp gáp, tôi thường tặc lưỡi, rẽ đại vào một con đường nào đó. Đi mãi, cuối cùng cũng đến nơi.
Nhờ những chuyến phiêu lưu nho nhỏ ấy, tôi yêu thành phố này hơn. Yêu những nét dung dị đang tồn tại giữa phố phường ồn ã. Ở Hà Nội, đi đâu cũng gặp chợ. Từ những khu chợ sầm uất, có đến cả mấy trăm quầy hàng, đèn đuốc sáng trưng chẳng khác nào trung tâm thương mại; đến những khu chợ cóc, họp trong con ngõ nhỏ, chỉ bán chút rau, chút thịt cho bữa ăn hàng ngày.
Ở đó, tôi gặp những cô bác từ quê ra với nụ cười hồn hậu, cầm mớ rau tươi đon đả chào mời. Gò má họ rám đi vì nắng, tấm áo cũ đã sờn. Trông họ chẳng khác nào các bà, các cô ở chợ quê mà tôi đã quen từ thuở bé.
Như nét đặc trưng của đô thị lớn tấp nập, ở Hà Nội, đi đến đâu người ta cũng bắt gặp những hàng quà và quán ăn. Có những con ngõ nhỏ đã vô tình biến thành phố ẩm thực. Từ gói xôi, hay cái bánh bao để ăn sáng, đến bát phở đầy đặn, xanh biếc những hành, đang bốc khói nghi ngút cho một buổi trưa vội vàng, vài cái bánh rán, đĩa bánh tráng trộn để vừa ăn, vừa vui câu chuyện với bạn bè… ta có thể tìm thấy chúng ở bất cứ ngõ phố nào ở đất Hà thành. Còn ngon hay dở, đó lại là một câu chuyện khác.
Ở Hà Nội, dừng chân ở ngõ phố nào, người ta cũng dễ dàng kiếm cho mình một bát phở nóng hổi.
Ở những nơi phố hội như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, “khách lạ” đông hơn “người nhà”. Người ở xa tới đây, đều mang theo một chút quê nhà làm vốn, để những người cùng di hương đỡ nhớ, đỡ thương. Có lần, tôi và cô bạn thân hét lên sung sướng vì tìm được một quán bán chả tôm và cháo lươn ngay giữa lòng Hà Nội. Ăn thìa cháo còn thơm mùi gạo rang, hăng hăng mùi hành sống, chúng tôi cảm thấy như được về nhà.
Khi tìm thấy những điều thân thương nơi thành phố xa lạ, tôi thấy yêu thành phố này hơn. Hà Nội đã dạy tôi biết trân quý những giản dị, mà đôi lúc vì quá thân quen nên người ta vô tình quên đi.
Theo news.zing.vn
Khám phá vẻ đẹp Làng lụa Vạn Phúc
Nếu bạn có niềm đam mê với những làng nghề truyền thống, muốn được tìm hiểu và khám phá những nét đẹp vượt thời gian ấy thì hãy đến với Làng lụa Vạn Phúc nhé.
Làng lụa Vạn Phúc ở đâu?
Làng lụa Vạn Phúc còn có tên gọi khác là Làng lụa Hà Đông, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Nếu bạn muốn di chuyển đến đây bằng xe máy thì chạy theo hướng dẫn sau: Trung tâm thành phố - Nguyễn Trãi - Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Lịch sử của Làng lụa Vạn Phúc
Nghề dệt ở Vạn Phúc đã có mặt cách đây hàng ngàn năm và ngày càng khẳng định danh tiếng. Xưa thời phong kiến các vua đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn thì lụa Vạn Phúc chuyên dùng để may y phục cho vua chúa, các quan lại trong triều đình.
Danh tiếng dần càng được khẳng định và lan xa nguyên nhân là do lụa Vạn Phúc đều được làm thủ công thêu dệt tỉ mẫn bởi những người thợ lành nghề, gồm nhiều công đoạn rất công phu như: Tơ, hồ sợi, dệt, căng phơi. Các họa tiết đều được làm rất tỉ mỉ và tinh xảo, mỗi dải lụa là một kiệt tác chứa đựng tâm huyết và cái hồn của mỗi nghệ nhân.
Điều đặc biệt của Làng lụa Vạn Phúc
Đến ngày nay, Làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ trong mình những nét cổ xưa của một làng quê Việt như cây đa, giếng nước, mái đình... và trên hết là chất lượng sản phẩm lụa trường tồn cùng thời gian.
Lụa Vạn Phúc ngày nay được biến tấu trở nên đa dạng chủng loại, mẫu mã, cùng với những tên gọi khác nhau như long phượng, mây bay, tứ quế, đũi hoa, vân thọ đỉnh... Hình dạng hoa văn trên lụa được thể hiện dưới đôi bàn tay tinh luyện, cách nhìn tinh tế tạo nên những sản phẩm có sức tưởng tượng phong phú, độc đáo và giàu tính thẩm mỹ.
Cũng bởi đặc tính nổi trội này mà mỗi khi khách ghé tới làng chẳng bao giờ quên mua một vài tấm lụa về làm quà cho người thân và bạn bè. Ngoài ra, bên cạnh mục đích mua sắm, những năm gần đây làng lụa Vạn Phúc cũng thu hút nhiều du khách ghé tới tham quan để được tận mắt chiêm ngưỡng cách tạo ra những sản phẩm từ lụa độc đáo.
Lễ hội Làng lụa Vạn Phúc
Tuần lễ văn hóa - du lịch - thương mại của làng lụa nổi tiếng đất Hà Thành này là hoạt động tổ chức thường niên diễn ra từ ngày mùng 8/11 đến ngày 17/11 hằng năm. Tuần lễ diễn ra với thông điệp "Vạn Phúc - Sắc lụa nghìn năm" đã thu hút đông đảo du khách tham quan tới đây.
Hòa vào không khí lễ hội là một cảnh sắc trang trí vô cùng lộng lẫy của làng lụa Vạn Phúc, du khách tới đây như được lạc vào phố cổ Hội An với những chiếc ô đầy đủ sắc màu trên nền trời cao. Một không gian trang trí vô cùng ấn tượng, không những được chiêm ngưỡng nét độc đáo từ làng nghề truyền thống mà du khách còn phần nào hiểu thêm về nền văn hóa nước ta.
Theo vietravel
Đến phố nào xì xụp lẩu nóng hổi giữa lòng Hà Nội dịp 2/9? Thời tiết mát mẻ, được xì xụp ăn lẩu ngon cùng hội bạn thân thì còn gì tuyệt hơn! Chỉ với 200.000 đồng/người, tín đồ sành ăn có thể nếm nhiều loại lẩu ngon ở các tuyến phố sau. Lẩu riêu - Nguyễn Biểu: Địa chỉ ăn lẩu riêu cua thanh ngọt nước nổi tiếng ngon nhất Hà Nội nằm trong nhà hàng...