Hà Nội: Ô tô, hàng quán “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường
Tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, ô tô, xe máy đỗ tràn lan; các cửa hiệu, hàng quán “độc chiếm” vỉa hè làm nơi kinh doanh, “đẩy” người đi bộ xuống đường.
Ô tô ngang nhiên đỗ ở lòng đường trước cửa Công an phường Giảng Võ
Ngày 16/3/2018, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh số 02/ML-CAHN-PV11 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn năm 2018. Mệnh lệnh số 02 tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, biện pháp công tác trọng tâm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Trong đó, về lĩnh vực trật tự đô thị, Mệnh lệnh số 02 yêu cầu: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và sắp xếp, duy trì chống tái lấn chiếm, tập trung xử lý các vi phạm như: chiếm dụng hè phố, lòng đường kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép; “chợ cóc”, “chợ tạm”, hàng quán, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, địa bàn công cộng gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; dừng, đỗ phương tiện trái quy định trên hè phố, dưới lòng đường; ô dù, biển quảng cáo, rao vặt trái phép; lều quán, mái che, mái vảy, bục bệ, cầu dẫn không đúng quy định; vi phạm hành lang an toàn bảo vệ đê, lưới điện, khai thác cát trái phép; bến bãi tập kết, bốc xếp vật liệu xây dựng trái phép; các điểm trông giữ phương tiện trái phép…
Tuyến phố Nhà Chung, phường Hàng Trống hàng dài ô tô đỗ ngang dưới lòng đường
Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện Mệnh lệnh số 02 vẫn chưa được đảm bảo. Tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, ô tô, xe máy đỗ tràn lòng đường; các cửa hiệu, hàng quán “độc chiếm” vỉa hè làm nơi kinh doanh, “đẩy” người đi bộ xuống đường.
Đơn cử, tại phường Hàng Trống, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra khá phổ biến nhất là vào buổi trưa và chiều tối. Vào giờ tan tầm, người đi đường ngán ngẩm trước cảnh xe máy, quán xá “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường. Dù biển báo cấm, đặt ngay bên cạnh nhưng các hộ dân vẫn kinh doanh, phớt lờ quy định
Biển báo cấm không nghĩa lý gì với hàng ăn uống tại phường Hàng Trống
Các ngõ nhỏ hẹp, nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn tận dụng, thậm chí cho bàn ghế, xe của khách tràn ra đường, tiềm ẩn nhiều hiểm họa về an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, vỉa hè, lòng đường trên nhiều tuyến phố đang bị hàng chục phương tiện chiếm dụng thành nơi đỗ xe. Cách trụ sở Công an phường Giảng Võ chỉ vài trăm mét, tuyến phố Trần Huy Liệu và Nam Cao thuộc phường Giảng Võ, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường diễn ra một cách công khai, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ô tô, xe máy “vây” trụ sở Công an phường Phương Mai
Giật mình hơn, đến cả trụ sở Công an phường Phương Mai là đơn vị quản lý an ninh trật tự địa bàn cũng bị xe máy, ô tô bủa vây.
Video đang HOT
Cổng Bệnh viện Da liễu Trung ương là nơi đỗ xe, bán nước?
Tương tự, tình trạng ngổn ngang trước cổng Bệnh viện Da liễu Trung ương (số 15A Phương Mai) cũng không phải điều quá ngạc nhiên với người dân nơi đây. Hàng quán “bầy bừa”, xe máy xếp ngang dọc lộn xộn trên vỉa hè.
Nhìn vào thực trạng trên, người dân không hiểu cơ quan chức năng quản lý địa bàn “bận gì” mà để mặc lòng đường, vỉa hè ngay trước cửa trụ sở công an phường, UBND phường thành bãi xe, nơi kinh doanh? Mệnh lệnh 02 bao giờ được nghiêm túc thực hiện?
DOÃN HƯNG – CHÍNH THUẦN
Theo tuoitrethudo
Phong bì tiền từ người đàn ông đi xe sang khiến nhà giáo ngỡ ngàng
Người đàn ông bước xuống từ ô tô trao cho nhà giáo một phong bì. Ngoài tiền, trong phong bì còn có 1 bức thư xúc động...
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn bà đang xếp từng cuốn sách cũ lên kệ, miệng khẽ mỉm cười. Thỉnh thoảng bà lại mời những người đang ngồi đọc sách uống nước.
Bà là Phạm Thị Huyền Dung (SN 1947, quê gốc Ninh Bình) từng là cán bộ giảng dạy tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cách đây gần 20 năm bà về hưu. Để tạo niềm vui cho mình và mọi người, bà đã mở quầy đọc sách báo miễn phí ở một góc của bãi gửi xe đối diện số 55 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội), ngay trước cửa nhà.
Bà kể, tháng 9.2016, bà tròn 50 tuổi Đảng. Lúc này, Đảng bộ Hà Nội tặng cho bà một tờ báo quý. Sau khi đọc xong, bà định bỏ tờ báo đi nhưng rồi lại tiếc nên lấy một tấm gỗ đặt tờ báo lên hàng rào gò Đống Đa và đề dòng chữ &'Kính mời nhân dân đọc báo'.
Dần dần mọi người bắt đầu đến đọc ngày một đông, họ còn mang cả sách, báo cũ đến ủng hộ bà giáo.
Mặc dù quầy đọc sách báo mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bà Dung có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Mỗi kỷ niệm đều để lại trong bà những cảm xúc khó quên.
Bà Dung bên quầy đọc sách, báo miễn phí của mình. Ảnh: Thanh Hải
Chiếc ô nghĩa tình
Câu chuyện về chiếc phong bì đựng tiền của người đàn ông lạ mặt ở Vĩnh Phúc cách đây vài tháng vẫn khiến bà vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ lại.
Nhà giáo SN 1947 cho hay, để duy trì sạp báo này, bà cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn. Những ngày thời tiết mát mẻ, dễ chịu còn có người đọc nhưng hôm nào trời nắng nóng, rất ít người đến.
Để tạo niềm vui cho mình và mọi người, bà đã mở ra quầy đọc sách báo miễn phí ngay trước cửa nhà. Ảnh: Thanh Hải.
Thấy vậy, bà tự bỏ số tiền lương hưu ít ỏi của mình ra mua chiếc ô che nắng cho độc giả. Tuy nhiên số tiền đó chỉ mua được chiếc ô nhỏ.
Không còn cách nào khác, bà Dung tận dụng những miếng vải bạt hoặc áo mưa cũ ghép lại chăng lên nhưng cũng chẳng được bao lâu, tấm bạt ghép tạm bợ đó mục nát rồi rách rơi tả, mặt trời chiếu qua cả những chỗ thủng, rách.
Quầy phục vụ sách, báo miễn phí của bà Dung là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân. Ảnh: Hải Phong
Một ngày hè oi ả, bà Dung đang buồn bã nhìn quầy sách báo thưa thớt người đọc thì một chiếc ô tô xuất hiện, đỗ ngay cạnh quầy. Người đàn ông trên xe bước xuống trò chuyện, hỏi thăm rồi bất ngờ gửi bà Dung một chiếc phong bì.
Người này nói mình ở Vĩnh Phúc, đang đi công tác ở Hà Nội. Trước khi đi có người thân đã nhờ ông ta chuyển chiếc phong bì đến địa chỉ cho bà.
Bà Dung thoáng ngỡ ngàng rồi hỏi ông ta chiếc phong bì đựng gì. Người này nói, anh họ của ông là một thương binh nặng nhưng rất chăm chỉ đọc sách, báo.
Qua ti vi, anh họ ông biết đến tấm lòng của bà Dung trong việc khôi phục văn hóa đọc nên đã nhờ ông mang chiếc phong bì xuống Hà Nội gửi bà với mong muốn ủng hộ tủ sách.
Nhà giáo nghe chuyện rất đỗi xúc động, bà bày tỏ lòng cảm kích với người thương binh chưa từng biết mặt. Tuy nhiên bà từ chối nhận khoản tiền đó vì ở đây bà chỉ nhận sách, báo, không nhận tiền bạc.
Sau khi thuyết phục bà Dung không được, người đàn ông đành lên xe rời đi. Nhưng khi bà quay ra dọn dẹp thì phát hiện chiếc phong bì đó được người đàn ông bí mật gắn vào một quyển sách cũ.
Bà mở phong bì ra thì thấy một xấp toàn tiền lẻ 2 nghìn đồng, 5 nghìn đồng cùng bức thư. Đó là bức thư của người thương binh, nét chữ run run, xiêu vẹo nhưng nội dung đầy cảm xúc.
Người thương binh viết, đây là số tiền ông tiết kiệm được qua công việc sửa xe. Mặc dù bị hỏng một bên mắt nhưng ông vẫn thích đọc. Điều đó giúp ông thêm lạc quan và yêu đời hơn.
Ông khẩn khoản mong bà Dung hãy nhận số tiền này, mua thêm sách báo phục vụ bà con.
Sau khi đọc xong lá thư, bà Dung lặng người đi giây lát, thầm nghĩ: "Giữa bộn bề cuộc sống, có những tấm lòng như ông ấy thật là đáng quý".
Bà đem số tiền lẻ trong phong bì ra đếm tổng cộng được 3 triệu đồng. Tuy nhiên bà không mua sách báo mà quyết định đặt mua một chiếc ô thật to để che nắng cho sạp báo.
"Tôi nghĩ ông ấy sẽ hiểu và thông cảm cho mình. Vì việc mua ô phục vụ độc giả cũng quan trong không kém những quyển sách kia", bà nói.
&'Kho báu' vô giá của cụ ông 90 tuổi
Bà Dung chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều người, quầy sách của bà hiện nay rất phong phú về chủng loại.
Ban đầu chỉ là những tờ báo giấy, dần dần mọi người còn góp cả sách nghiên cứu, truyện tranh, sách văn học, sách Phật giáo, tiểu thuyết...
Nhà giáo sinh năm 1947 tâm sự, quầy sách, báo này được như hôm nay là nhờ sự góp sức, giúp đỡ của rất nhiều người dân. Ảnh: Thanh Hải
Bà cho biết thêm, nhiều độc giả sau một thời gian đến đây đã yêu quý và quyên góp cho thư viện của bà kho sách của họ. Như trường hợp cụ ông ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) là một điển hình.
Bà kể, cụ ông 90 tuổi đều đặn mỗi ngày, nắng hay mưa đều bảo các cháu chở đến đây đọc sách, trò chuyện với mọi người.
Sau thời gian làm bạn với quầy sách này, cụ ông đã gặp bà, bày tỏ nguyện vọng muốn được ủng hộ bà cả &'gia tài' của mình.
"Nghe ông ấy nói là cho tôi gia tài lớn, tôi từ chối ngay nhưng sau ông giải thích gia tài của ông là 500 đầu sách các loại. Đó là toàn bộ những sách quý ông sưu tầm từ thời trẻ, khi ông làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Ông cho biết, mình rất nâng niu chúng.
Giờ ông tuổi cao nên muốn trao tặng lại &'báu vật' đó cho tôi, khuyến khích người dân phát triển văn hóa đọc", bà Dung kể lại.
Theo Hải Phong - Thanh Hải (VNN)
12 người tử vong vì TNGT trong ngày đầu nghỉ lễ Trong ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, toàn quốc xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, trong đó có một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Bắc Cạn ngày 28/4. Ảnh B.C Chiều 28/4, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong ngày 28/4...