Hà Nội: Nợ đóng BHXH, BHYT lên tới hơn 5.636 tỷ đồng
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, thời gian gần đây, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang có xu hướng gia tăng.
Một doanh nghiệp may trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Hiện toàn thành phố Hà Nội còn 78.808 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền nợ là hơn 5.636 tỷ đồng, bằng 10,66% tổng số tiền phải thu, tăng hơn 1.214 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số tiền nợ phải tính lãi là gần 1.905 tỷ đồng, tăng hơn 598 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng là do một số doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, không chấp hành các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số đơn vị, doanh nghiệp sử dụng chưa nghiêm túc, còn có những đơn vị, doanh nghiệp chưa đăng ky tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia nhưng đóng chưa đầy đủ cho người lao động.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên ảnh hưởng đến tiến độ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2021, Hà Nội có số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 39% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng tiêp tuc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, thực thiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Video đang HOT
Ở cấp cơ sở, UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia mới bảo hiểm xã hội tự nguyện cho từng xã, phường, thị trấn….
Nhằm giảm tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành tăng cường đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại đơn vị, doanh nghiệp, nếu phát hiện hành vi nợ đóng, trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, lực lượng chức năng sẽ tập hợp hồ sơ, tài liệu để chuyển cơ quan Công an xử lý theo quy định…
Về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Sở Y tế có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố và cơ quan có liên quan tăng cường tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Thành phố Hồ Chí Minh công bố về chuẩn nghèo đa chiều mới
Theo chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, hộ thoát nghèo phải có thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng/người/năm.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Từ năm 2021, hộ thoát nghèo phải có thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong những nội dung được quy định theo Quyết định 995/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành.
Theo quyết định, hộ nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại Thành phố có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên; có 2 chỉ số thiếu hụt về thu nhập và người phụ thuộc.
Hộ cận nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại Thành phố có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người hơn 36-46 triệu đồng/người/năm.
Quyết định cũng nêu rõ bộ tiêu chí nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021-2025 gồm 5 chiều (y tế, giáo dục-đào tạo; việc làm-bảo hiểm xã hội; điều kiện sống và chiều thu nhập) gắn với 10 chỉ số thiếu hụt.
Đây cũng là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Chiều y tế gồm 2 chỉ số thiếu hụt về dinh dưỡng và bảo hiểm xã hội. Như vậy, hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi; hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện tại không có bảo hiểm y tế.
Ở chiều giáo dục và đào tạo gồm 2 chỉ số thiếu hụt về trình độ giáo dục-đào tạo của người lớn trong độ tuổi từ 16-30 tuổi và tình trạng đi học của trẻ em.
Theo đó, hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16-30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục-đào tạo so với độ tuổi tương ứng; hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi gồm: trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp cận giáo dục tiểu học; trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở.
Chiều việc làm-bảo hiểm xã hội cũng được quy định về 2 chỉ số thiếu hụt về tiếp cận việc làm và bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở đó, hộ gia đình có ít nhất 1 người không có việc làm; hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động; hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia bảo hiểm xã hội.
Tương tự, chiều điều kiện sống cũng được quy định 2 chỉ số thiếu hụt về nhà ở và nguồn nước sinh hoạt an toàn. Theo đó, hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 6m2 (nội thành) và nhỏ hơn 10m2 (ngoại thành); hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước an toàn gồm nước máy tại nhà, hoặc nước máy cung cấp tại điểm tập trung.
Ở chiều thu nhập cũng có 2 chỉ số thiếu hụt về thu nhập và người phụ thuộc. Như vây, hộ có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm (3 triệu đồng/người/tháng) trở xuống; hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%.
Người phụ thuộc bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021-2025; giao Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tuyên truyền, rà soát, xác định, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố...
Bảo hiểm xã hội số mang lại nhiều lợi ích cho người dân Với nhiều tiện ích mang lại cho người tham gia khi cài đặt ứng dụng "VssID - bảo hiểm xã hội số", ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh việc hỗ trợ cài đặt ứng dụng này cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, góp phần công khai, minh bạch thông tin và bảo đảm...