Hà Nội: Nhiều đơn vị tham gia gỡ khó kết nối cung – cầu nông sản
Sản xuất nông nghiệp của TP.Hà Nội thời gian qua đã hướng tới sản xuất hàng hóa, tuy nhiên tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra. Trước thực trạng đó, nhiều đơn vị đã vào cuộc nhằm tìm giải pháp kết nối cung – cầu giúp nông dân.
Tiềm năng không nhỏ
Nhằm tháo gỡ nút thắt trong việc kết nối cung – cầu tăng chuỗi giá trị, ngày 6/6, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội thảo “Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị”. Qua đó, các chuyên gia trong lĩnh vực cùng với địa phương đã giải đáp nhiều câu hỏi của nông dân, doanh nghiệp về vấn đề này.
Bà Đặng Thị Tươi – Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là hơn 18ha thì có tới hơn 13ha là đất canh tác nông nghiệp. Với đặc thù là huyện thuần nông diện tích đất và mặt nước lớn, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi.
Sản phẩm dưa lưới của nông dân xã Phù Lưu (Ứng Hòa, Hà Nội) được trình diễn bày bán bên lề hội thảo. Ảnh: T.A
Vừa qua, huyện đã thực hiện được nhiều mô hình sản xuất rau củ, quả và chăn nuôi theo hướng an toàn. Có thể kể tới: Mô hình liên kết sản xuất lúa J02 tại HTX Đoàn Kết ở xã Hồng Quang; mô hình hợp tác sản xuất tiêu thụ trong chăn nuôi lợn của HTX Hòa Mỹ xã Vạn Thái; mô hình trồng bưởi diễn ở các xã Đồng Tiến, Viên Nội, Hòa Xá.
Ngoài ra, Ứng Hòa còn có các mô hình công nghệ cao như: Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở xã Sơn Công, xã Phù Lưu; mô hình trồng dưa trong nhà lưới ở Phù Lưu…
Video đang HOT
Mặc dù có khá nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay việc tiêu thụ nông sản vẫn chỉ được thực hiện nhỏ lẻ, manh mún. Đa phần mạnh ai người đó bán, sản phẩm được bán chủ yếu cho người dân địa phương và các chợ đầu mối nên giá trị hàng hóa không cao.
Ông Nguyễn Trí Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: “Thời gian qua, ngoài những chính sách chung nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển của trung ương và thành phố, huyện Ứng Hòa đã có những cơ chế đặc biệt như: Hỗ trợ thuê đất lâu dài, cho vay vốn, hỗ trợ giống cây, con… nhằm hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao phát triển. Tuy nhiên, việc kết nối đầu ra bao tiêu sản phẩm cho bà con vẫn còn nhiều hạn chế”.
Khó kết nối cung – cầu
Tham gia hội thảo, anh Nguyễn Văn Trung – chủ trang trại dưa lưới ở xã Phù Lưu (Ứng Hòa) cho biết, anh đã đầu tư một dây chuyền trồng dưa tự động của Nhật trị giá gần 1 tỷ đồng để sản xuất. Hoạt động sản xuất khá thuận lợi, sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, theo anh Trung, hiện nay sản phẩm của anh chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Khi có sản phẩm ngoài, việc bán ở chợ đầu mối, chợ dân sinh thì phải kêu gọi bạn bè tiêu thụ giúp.
Câu chuyện của anh Trung cũng là câu chuyện chung của rất nhiều nông dân vừa bắt tay mở rộng sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân mở rộng vùng sản xuất không theo quy hoạch, hoặc sản xuất tràn lan khi chưa có đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, khiến cho việc liên kết sản xuất, kết nối cung – cầu theo chuỗi gặp nhiều khó khăn.
Bà Vũ Thị Hậu – Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng một số HTX, nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị, hàng hóa đã vào siêu thị vì có chứng nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian, sản phẩm của họ không đảm bảo đủ chất lượng nên đã bị loại khỏi chuỗi giá trị đó. Vì vậy, khi tham gia chuỗi giá trị, ngoài việc đảm bảo đúng cam kết đủ nguồn hàng, thời gian cung ứng, giá thành… thì người sản xuất còn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Còn theo ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.Hà Nội, để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa thì chúng ta cần chuyên môn hóa trong sản xuất, cung ứng. Điều đó có nghĩa là “ai làm việc người đó”, người sản xuất chỉ sản xuất, người thu mua chỉ thu mua vận chuyển, còn người bán lẻ chỉ làm công tác bán hàng và hậu mãi. Sự chuyên nghiệp trong cả một quá trình từ cung ứng tới sản xuất, tới vận chuyển, bán lẻ, hậu mãi sẽ mang lại chuỗi giá trị hàng hóa cao hơn.
Theo Danviet
Bản sắc riêng chỉ có ở Đan Phượng
Xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng "3 tập trung, 4 trụ cột, 5 điểm nhấn" là cách làm mang bản sắc riêng của huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội cần được nhân rộng hơn tại các xã, huyện của Thủ đô.
Cách làm riêng
Ông Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho hay, cuối năm 2018, Ban chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo 7 xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Trong đó, 3 tập trung là tập trung cho công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng NTM, mô hình hiệu quả, nêu gương người tốt việc tốt, phong trào cụ thể; tập trung các lực lượng tham gia xây dựng NTM, trong đó các đoàn thể làm nòng cốt; tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.
4 trụ cột trong sản xuất nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng nông sản; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị, thương hiệu; củng cố phát triển HTX.
5 điểm nhấn gồm phát huy truyền thống văn hóa của địa phương, làng xã; xây dựng nếp sống văn minh, trong đó chú trọng thực hiện tang hỏa táng, đưa tro cốt vào nhà bảo quản chung của xã; môi trường sạch, trọng tâm là vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại hộ gia đình; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo nguyên lý bác sĩ gia đình; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phấn đấu đến năm 2020 đạt 100%.
Các hộ khấm khá nhờ trồng hoa tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). (ảnh: Hải Đăng)
"Đặc biệt, nhờ tập trung triển khai 4 trụ cột mà vụ xuân 2019 huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 54,5ha. Xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm cho 2 sản phẩm rau hữu cơ công nghệ cao và bưởi tôm vàng, duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm cho các trường học trong huyện" - ông Thắng chia sẻ.
Nhân rộng mô hình mẫu
Theo ông Thắng, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đến các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất đăng ký với thành phố các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổ chức ký cam kết công tác phòng dịch tả lợn châu Phi được 2.350/2663 hộ chăn nuôi, 5 hộ giết mổ lợn và 195 hộ kinh doanh buôn bán thị lợn.
Bên cạnh đó, huyện sẽ khởi công 65 công trình cơ sở hạ tầng, hoàn thành dưa vào sử dụng 66 dự án. Sắp tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các mô hình bảo vệ môi trường như "5 không 3 sạch"; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác...
Trong lần thăm huyện Đan Phượng mới đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội đánh giá Đan Phượng là mô hình mẫu trong xây dựng NTM để các địa phương cùng học tập kinh nghiệm. Về kế hoạch trong thời tới, ông Thắng cho biết, Đan Phượng đang bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó, chú trọng các tiêu chí về xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa, môi trường, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân với những cách làm mới.
Thời gian qua, huyện Đan Phượng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả sử dụng đất để phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi luôn được gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ...
Theo Danviet
Làm nhà kính trồng 3 loại dưa, có dưa kim hoàng hậu vàng chóe Với quyết tâm phải làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Bùi Văn Chung, xóm 5, thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa , thành phố Hà Nội đã rời phố để về quê lập nghiệp và theo đuổi đam mê với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ cao. Mô hình được triển khai...