Hà Nội: Người dân lập chốt canh nghĩa trang, tố chủ đầu tư khu đô thị lớn ngang nhiên đập phá để làm đường
Người dân cho biết họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ cơ quan chức năng, rất bất ngờ khi phát hiện nhóm người đập phá khu nghĩa trang nên quyết tâm ngăn chặn.
Ngày 13/1, tập thể nhân dân thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vừa có đơn kêu cứu gửi đến các cấp lãnh đạo xem xét vụ việc nghĩa trang của thôn bị doanh nghiệp đập phá để làm đường trong khu đô thị.
Chủ đầu tư thuê người phá tường nghĩa trang?
Ông Vũ Hải – đại diện 300 hộ dân, cho biết, nghĩa trang Đồng Vải thuộc địa giới hành chính thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội diện tích khoảng 6000m2 hiện nay đã có khoảng hơn 200 ngôi mộ những người đã khuất được quy tập, chôn cất an táng yên vị mồ yên mả đẹp tại đây, đồng thời cũng đã quy hoạch xây dựng được nhiều ngôi mộ chờ khác làm nơi an táng cho những người mất sau này. Nghĩa trang đã được TP giao cho chính quyền địa phương cũng như giao cho người dân thôn Thượng quản lí, trông nom và sử dụng.
Về nguồn gốc nghĩa trang Đồng Vải, người dân địa phương cho hay, năm 2008, TP Hà Nội triển khai dự án làm đường Vành Đai 3, do có nhiều ngôi mộ nằm trong mặt bằng của tuyến đường. Do vậy, tháng 7/2008, TP đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu nghĩa trang mới là nghĩa trang Đồng Vải để thu gom, di chuyển tập kết các ngôi mộ nằm trong mặt bằng tuyến đường về, đồng thời làm nơi mai táng do những người mất trong thôn…
Tuy nhiên, cách đây hơn một tháng bất ngờ người dân địa phương đi tập thể dục phát hiện một số người lạ mặt đến chặt phá cây nên đã thông báo cho nhau ra tìm hiểu.
“Tôi thấy lạ nên hỏi tại sao chặt phá, những người này nói rằng được công ty Bitexco thuê, ngay lập tức chúng tôi gọi mọi người đến chặn lại để làm rõ. Sau đó vài ngày thì bức tường bao quanh và hàng cây cùng con đường đang được đào xuống, hóa ra họ thường làm vào ban đêm”, một người địa phương phản ánh.
Theo người dân đây là vị trí đường nội bộ và bức tường nghĩa trang trước khi bị phá
Bức tường và đường nội bộ ở xung quanh (cùng thiết kế với vị trí vừa phá đi)
Ông Hải cho biết thêm, một phần nghĩa trang bị đập phá, người dân không nắm được bất kỳ thông báo nào cho đến khi phát hiện.
“Từ trước đến nay không có bất kỳ thông báo, không có bản đồ quy hoạch nào được công bố. Khi sự việc diễn ra, chúng tôi có làm việc với chủ tịch xã thì nói rằng đã giao thông báo cho trưởng thôn, chúng tôi hỏi trưởng thôn thì ông này bảo là quên”, đại diện người dân cho biết. Hiện nay ông trưởng thôn cũng không có bất kỳ động thái nào, không cùng bà con đứng ra bảo vệ con đường xuyên nghĩa trang khi hai bên chưa rõ ràng.
Nghĩa trang nào mới phải chỉnh sửa?
Dẫn phóng viên đi thực địa, ông Hải cho biết, tại khu vực này đang có 2 nghĩa trang cạnh nhau. Như đã nói ở trên, nghĩa trang Đồng Vải (kí hiệu 19- CX1đã được thành phố Hà Nội quy hoạch năm 2008) và Nghĩa trang Mõm Bò (ngay bên cạnh kí hiệu 19-CX2).
Theo Quyết định số 5873/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Nam đường Vành Đai 3- tỷ lệ 1/500.
Địa điểm: Phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) có nội dung thể hiện rõ: “Khu vực nghĩa trang hiện có trước mắt được khoanh vùng, tập kết, thu gom, giữ lại làm đất cây xanh nằm tại ô quy hoạch ký hiệu 19-CX2, tương lai sẽ được di chuyển về nghĩa trang chung của thành phố theo quy định”.
Và, tại Quyết Định số 888/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 23 tháng 2 năm 2016 có nội dung thể hiện;
“Đối với khu nghĩa trang hiện hữu, chủ đầu tư có trách nhiệm quy hoạch lại, chỉnh trang theo hướng không di dời, xây dựng dải phân cách, trồng cây xanh cách ly với khu đô thị, để quản lý không phát sinh thêm mộ mới”.
Như vậy, căn cứ theo quyết định này thì hạng mục đất nghĩa trang 19 CX1 (tức Nghĩa trang Đồng Vải) vẫn giữ nguyên vì khi thành phố quy hoạch, xây dựng đã hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn có giải phân cách và cây xanh xung quanh cách ly với khu đô thị, còn khu 19-CX2 (tức Nghĩa trang Mõm Bò) mới là phải chỉnh sửa và xây dựng giải phân cách trồng cây xanh.
Người dân phản đối chủ đầu tư
Vị trí bức tường đầu nối với nghĩa trang lâu đời
Video đang HOT
Đến thời điểm tháng 12 năm 2021, nhân dân thôn Thượng chưa nhận được bất cứ 1 văn bản pháp lý nào cũng như Bản đồ Quy hoạch 1/500 của UBND Thành phố Hà Nội, về việc cho phép mở đoạn đường chạy xuyên qua nghĩa trang Đồng Vải (tức 19-CX1).
“Nhân dân chúng tôi chỉ thực hiện chấp hành khi có thông báo hoặc quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên các cấp cao hơn, các cơ quan báo chí công luận, đài phát thanh truyền hình… nếu các cơ quan ban ngành xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội không làm rõ được sự cần thiết, không có văn bản pháp lý của UBND thành phố cho phép doanh nghiệp cổ phần Bitexco mở 1 đoạn đường chạy xuyên qua nghĩa trang Đồng Vải của thôn.
Trong thời gian hiện tại đến khi có thông báo, quyết định của UBND thành phố Hà Nội hoặc được sự chấp thuận của tuyệt đại đa số nhân dân thôn Thượng. Yêu cầu công ty TNHH cổ phần Bitexco dừng ngay mọi hoạt động xâm lấn, phá dỡ liên quan đến khuôn viên cũng như đường vào khu nghĩa trang Đồng Vải, hoàn trả lại mặt bằng, đường vào đã phá dỡ và đào sâu”, nội dung đơn kêu cứu nêu.
Nghĩa trang được xây dựng từ 2008 quy tập những ngôi mộ chuyển từ đường vành đai 3
Bitexco nói gì?
Để giải đáp thắc mắc của người dân, khách quan vụ việc, chúng tôi đã gửi câu hỏi của người dân về phương án chủ đầu tư đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt làm đường có liên quan và quy hoạch lại hai nghĩa trang này như đang phản ánh?
Và, câu hỏi quan trọng nhất, điều mà người dân cần nhất lúc này, đó là: Công ty cần công bố bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500 và các quyết định phê duyệt dự án do UBND cấp thành phố Hà Nội cấp?
Kiên trì chờ đợi, mới đây Bitexco đã có phản hồi, chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn nội dung này. Tuy nhiên, tại thư phản hồi này chúng tôi không nhận được hình ảnh trích lục bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500.
Theo đó, chủ đầu tư cho hay, thời gian gần đây, trên mạng xã hội và một số tờ báo, trang thông tin điện tử xuất hiện các thông tin sai lệch liên quan đến việc quy tập, di dời mộ tại nghĩa trang Đồng Vải (thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) phục vụ công tác quy hoạch đô thị của Thành phố Hà Nội.
Tập đoàn Bitexco – Chủ đầu tư dự án Khu Đô thị Nam đường vành đai 3 (The Manor Central Park) phản hồi như sau:
1. Thông tin về dự án
Công ty Cổ phần Bitexco là Nhà đầu tư thực hiện dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì theo Hợp đồng BT ký năm 2018. Theo đó Hợp đồng quy định quỹ đất đối ứng giao cho Công ty Bitexco đầu tư xây dựng kinh doanh là 20,8ha tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3.
1.1 Đối với dự án đường BT: Nhà đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng, thông tuyến các tuyến đường thuộc dự án BT; Phần nút giao cầu vượt đang chờ cơ quan nhà nước giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng; tiến độ giải phóng mặt bằng nút giao được phê duyệt đến tháng 5/2022, tiến độ hoàn thành thi công xây dựng đến hết Quý I/2023.
1.2 Đối với dự án Khu đô thị: Tổng diện tích toàn bộ Khu đô thị là 65,8ha, trong đó 20,8 ha là đất đối ứng (để Doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn và lợi nhuận) và được chia thành 2 giai đoạn thực hiện:
Giai đoạn 1: Giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích 65,8 ha; đầu tư hệ thống Hạ tầng kỹ thuật và phát triển quỹ đất 14,2 ha/ 20,8 ha đất đối ứng theo Quy hoạch được duyệt.
Giai đoạn 2: 6,6 ha/20,8 ha đất đối ứng, theo quy hoạch được duyệt là các khối nhà công trình cao tầng, hỗn hợp và công trình nhà trẻ, công cộng.
Khu vực nghĩa trang được quy hoạch theo QD 5873 (hình ảnh do CĐT cung cấp)
2. Thông tin liên quan đến khu vực nghĩa trang
Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 do Bitexco triển khai thực hiện được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 5873 ngày 17/12/2012. Tại Điều 1, mục 4.2 quy định về phân bổ quỹ đất quy hoạch có quy định rõ: “Khu vực nghĩa trang hiện có trước mắt được tạm thời khoanh vùng, tập kết, thu gọn, giữ lại làm đất cây xanh nằm tại ô quy hoạch ký hiệu 19-CX2, tương lai sẽ được di chuyển về nghĩa trang chung của Thành phố theo quy định”.
Tại thời điểm này, toàn bộ khu vực nghĩa trang hiện có bao gồm khu vực nghĩa trang Mõm Bò và nghĩa trang Đồng Vải (khu A và khu B nghĩa trang thôn Thượng, xã Thanh Liệt); theo quy định trên thì nghĩa trang Đồng Vải cần được tập kết, thu gọn lại vào ô quy hoạch 19-CX2. Toàn bộ các khu vực quỹ đất được quy định rõ về tọa độ, địa giới hành chính trong quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngày 14/6/2016, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy phép Xây dựng số 50/GPXD-SXD cho Công ty Cổ phần Bitexco được phép xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Nam đường vành đai 3, trong đó quy định rõ liên quan tới hạng mục giao thông có đường RD-NB số 23 thuộc hướng tuyến công trình, hạng mục đường vào nhà (tuyến đường đi qua khu vực nghĩa trang xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).
Về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã được hoàn tất, duy còn lại khu vực nghĩa trang xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì chưa được giải phóng mặt bằng.
Nghĩa trang thôn Thượng (bao gồm cả khu A và khu B) nằm trong quy hoạch của Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3.
Để thực hiện dự án, toàn bộ 250 ngôi mộ thuộc khu B sẽ cần di dời tới vị trí mới (khu C) theo quy định trong quy hoạch, giáp với nghĩa trang khu A.
Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, chính quyền xã Thanh Liệt và chủ đầu tư Bitexco đã tổ chức nhiều cuộc họp, vận động tuyên truyền và công bố toàn bộ các thông tin liên quan tới quyết định quy hoạch, sơ đồ quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 liên quan tới khu vực nghĩa trang thôn Thượng, bao gồm cả tuyến đường NB23 đi qua khu nghĩa trang.
Ngày 28/10/2021, UBND xã Thanh Liệt có thông báo số 218/TB-UBND về việc triển khai thi công tuyến đường NB23 thuộc dự án khu đô thị Nam đường vành đai 3, đoạn qua tường rào xây gạch của nghĩa trang Đồng Vải (thôn Thượng), xã Thanh Liệt.
Trên cơ sở đó, công ty CP Bitexco đã triển khai thi công tuyến đường theo kế hoạch, tuy nhiên đến ngày 10/12/2021 một số hộ dân tại thôn Thượng đã mang vật liệu, dựng lán trại trái phép giữa lòng đường, ngăn cản và đe dọa không cho công nhân, nhà thầu tiếp tục thi công.
Lán trai do người dân dựng tại khu vực nghĩa trang (ảnh do CĐT chung cấp)
Công ty CP Bitexco đã được UBND Thành phố Hà Nội giao đất để triển khai dự án theo quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 23/2/2016. Việc triển khai thi công tuyến đường thuộc dự án tuân thủ và đảm bảo đúng theo các quy định, trình tự thủ tục của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời đã được chính quyền xã Thanh Liệt thông báo rộng rãi, công khai theo quy định. Sự ngang nhiên vi phạm pháp luật của người dân địa phương đã gây ảnh hưởng tới kế hoạch, tiến độ phát triển dự án, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chủ đầu tư.
Cho tới thời điểm hiện tại, phía Bitexco cho biết vẫn chưa thể tiếp tục triển khai thi công xây dựng tuyến đường NB23. Bitexco vẫn đang tiếp tục cùng với chính quyền vận động, tuyên truyền để bà con thôn Thượng hiểu rõ và ủng hộ việc triển khai thi công tuyến đường theo kế hoạch, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho toàn bộ khu đô thị. Theo phía chủ đầu tư, việc này góp phần mang tới sự phát triển diện mạo đô thị cho khu vực Tây Nam Hà Nội, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.
Liên quan vấn đề văn hóa tâm linh, phía chủ đầu tư cho biết Bitexco làm việc trên cơ sở thượng tôn pháp luật và thấu hiểu, chia sẻ với nguyện vọng của người dân muốn ổn định lâu dài khu vực nghĩa trang của người thân. Về trách nhiệm của doanh nghiệp, Bitexco cho biết đã phối hợp với chính quyền chuẩn bị nghĩa trang mới theo đúng diện tích và quy hoạch.
Việc di chuyển khu vực nghĩa trang của thôn Thượng được thực hiện đúng tinh thần theo quy hoạch nghĩa trang của Thành phố Hà Nội, nhằm quy tập đảm bảo khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, văn hóa truyền thống, ưu tiên sử dụng hình thức táng mới, văn minh, hiện đại tiết kiệm đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường – phía Bitexco thông tin.
Thông tin công khai ở xã từ nhiều năm?
Liên quan đến sự việc trên, tối 13/1, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưởng – chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, trong quy hoạch tổng thể của Bitexco được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2012 có hai nghĩa trang.
Trong đó, nghĩa trang Mõm Bò khoảng 4 nghìn mét tồn tại từ lâu đời, còn nghĩa trang Đồng Vải khoảng 6 nghìn mét hình thành từ năm 2007 để quy tập những ngôi mộ chuyển đến do làm đường vành đai 3.
Theo ông Hưởng, dự án của công ty Bitexco được phê duyệt tổng thể năm 2012, chi tiết có thể hiện khu nghĩa trang cũ giữ nguyên, chỉ chỉnh trang lại. Giáp với bức tường của nghĩa trang Đồng Vải dự án có con đường quy hoạch chi tiết đã được duyệt.
Ông Hưởng khẳng định từ năm 2018 đã nhiều lần thông báo mời họp dân, tuy nhiên không nhận được sự đồng thuận:
“Gần đây nhất UBND xã cũng liên tục mời dân đến họp, thông báo công khai ở xã cũng từ nhiều năm, nhưng người dân không nhất trí”, ông Hưởng nói.
Thanh tra chỉ rõ nguyên nhân tuyến đường 1.134 tỉ đồng ở TP.Đà Nẵng chậm tiến độ
Thanh tra TP.Đà Nẵng đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót tại dự án tuyến đường vành đai phía Tây (giai đoạn 1) khiến dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 1.134 tỉ đồng này chậm tiến độ.
Thanh tra TP.Đà Nẵng vừa ra thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh -giai đoạn 1) do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (BQL) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu hơn 1.134 tỉ đồng, chiều dài tuyến hơn 19,1 km. Giai đoạn 1 dự án từ năm 2017-2019 và giai đoạn 2 từ năm 2019-2020.
Tư vấn tái định cư không sát với thực tế
Qua thanh tra cho thấy, BQL có cố gắng trong quản lý dự án và tiến độ triển khai. Trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND H.Hòa Vang đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đến nay cơ bản hoàn thành GPMB đối với đất nông nghiệp và di dời mồ mả. Về đất ở, đã giải quyết để thông tuyến tạm phục vụ thi công.
Dự án tuyến đường vành đai phía Tây đang chậm tiến độ vì nhiều lý do chủ quan. Ảnh HOÀNG SƠN
Ngoài các nguyên nhân bất khả kháng, Thanh tra TP.Đà Nẵng chỉ ra dự án vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót dẫn đến chậm tiến độ gói thầu xây lắp phần giao thông, thoát nước.
Cụ thể, theo khảo sát của tư vấn, dự án cần thu hồi đất và GPMB đối với 117 hộ dân, trong đó có 95 hộ cần di dời, tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, phía tư vấn không đề xuất xây dựng khu TĐC.
Quá trình triển khai, số hồ sơ đất ở cần phải thu hồi là 369 hồ sơ, cần đến 625 lô đất để bố trí TĐC trong khi quỹ đất để bố trí TĐC xung quanh dự án không đáp ứng để bố trí TĐC nên TP.Đà Nẵng phải làm thủ tục xây dựng các khu TĐC. Ngoài ra, khi lập dự án xác định có 128 ngôi mộ, phương án di dời mộ không được đề cập nhưng khi triển khai thì có 1.192 mộ cần di dời.
"Phương án GPMB, TĐC khi lập dự án chưa sát với thực tế dẫn đến khâu chuẩn bị các khu TĐC, nghĩa trang để di dời mộ, công tác GPMB bị động phải điều chỉnh, từ đó làm gián đoạn và kéo dài thời gian GPMB. Đây là nguyên nhân trước hết, làm ảnh hưởng tiến độ GPMB", kết luận nêu rõ.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, dự án đường vành đai phía Tây phải hoàn thành nhưng đến nay dự án vẫn chậm tiến độ. Ảnh S.X
Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu TĐC cam kết hoàn thành ngày 29.5.2020 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa tiến hành đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công là thực hiện chưa đúng thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng.
Việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công không liên tục, không đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt, không hoàn thành đúng theo kế hoạch tiến độ công tác GPMB đã cam kết.
Năng lực nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ
Theo kết luận thanh tra, UBND TP.Đà Nẵng đã tạo điều kiện để liên danh nhà thầu tạm ứng vốn 50% giá trị hợp đồng nhằm huy động nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ tại những vị trí đã có mặt bằng.
Công trình giao thông đã bàn giao hơn 14 km/19,1 km toàn tuyến. Ảnh S.X
Cụ thể, đến ngày 31.3.2021, bàn giao mặt bằng hơn 14,6 km/19,1 km (đạt 76,6%, trong đó có 1 km đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường vào); giá trị thanh toán khối lượng công việc hoàn thành so với khối lượng được giao theo hợp đồng của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là hơn 112 tỉ đồng, đạt 30,78%. Giá trị này đối với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty cổ phần (CIENCO 1) là hơn 43 tỉ đồng, đạt 17,69%.
CIENCO 1 thi công chậm sau khi đã nhận mặt bằng đáp ứng điều kiện thi công, không đảm bảo tiến độ yêu cầu theo quy định của hợp đồng. BQL đã ban hành 4 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 176 triệu đồng.
"Việc chậm tiến độ nêu trên của liên danh nhà thầu đã vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 điều 113 Luật Xây dựng năm 2014. Trong đó, CIENCO 1 đạt khối lượng khá thấp, một số hạng mục đã nhận mặt bằng đáp ứng điều kiện thi công nhưng việc triển khai thi công không đảm bảo, cho thấy năng lực thi công của CIENCO 1 chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án", thông báo kết luận nêu.
Thanh tra chỉ ra nhà thầu có năng lực hạn chế khiến nhiều đoạn đã có mặt bằng những vẫn không đảm bảo tiến độ. Ảnh S.X
Kết luận thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp, đề xuất kịp thời các biện pháp đẩy nhanh việc GPMB, tiến độ thi công nhằm đảm bảo hoàn thành công trình theo tiến độ đã được gia hạn.
Các đơn vị liên quan khi lập, thẩm định trình phê duyệt dự án trong thời gian đến trên địa bàn TP phải chặt chẽ, đảm bảo theo quy định pháp luật, nhất là việc xây dựng phương án GPMB và TĐC phải sát với yêu cầu thực tế.
Kết luận cũng kiến nghị Giám đốc BQL, Chủ tịch UBND H.Hòa Vang, Giám đốc Ban GPMB H.Hòa Vang, liên danh nhà thầu và các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh các bộ phận, cá nhân có liên quan đối với các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Thanh tra yêu cầu liên danh nhà thầu chấn chỉnh những thiếu sót trong tổ chức triển khai thi công chậm. Ảnh S.X
Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng kiến nghị BQL chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát hợp đồng; tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực của nhà thầu trong liên danh (biện pháp thi công, việc huy động thiết bị, máy móc và nhân lực...) để hoàn thành công trình đúng theo tiến độ đã được gia hạn; đánh giá, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các giải pháp xử lý tiếp theo khi tiến độ thi công dự án không đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đã gia hạn.
Mẹ mất vì Covid-19, hai con thơ dại lay lắt cùng ông ngoại giữa nghĩa địa Mẹ mất vì Covid-19, hiện chị em Vi cùng ông ngoại nghèo khó sống tạm bợ trong một cái lán giữa khu nghĩa trang. Hai chị em Vi đều không biết bố mình là ai. Hai chị em bé Trần Thị Thúy Vi (12 tuổi, ngụ xã An Thủy, Ba Tri, Bến Tre) từ khi sinh ra đã không biết mặt bố là...