Hà Nội: Người dân đề xuất tên quận mới là Võ Nguyên Giáp
Phương án đặt tên của 2 quận mới tách ra từ huyện Từ Liêm đã khiến nhiều độc giả VietNamNet tham gia phản hồi. Ngoài sự đồng tình với tên “Từ Liêm – Mỹ Đình” cũng có độc giả đề xuất quận mới mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hầu hết các ý kiến của độc giả đều tỏ ra “khó tính” với cái tên quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Bạn đọc Văn Hùng phản hồi: “ Sao phải Nam với Bắc dài dòng, đến lúc chẳng được nhắc đầy đủ tên, vì dài quá mọi người sẽ rút gọn. Ví dụ hỏi nhà ở đâu người ta sẽ nói: “Nhà tôi ở Nam Liêm hoặc là Bắc Liêm cho ngắn gọn”.
“Theo tôi nên đặt tên một quận là Từ Liêm quận còn lại có thể dùng tên khác để không phải thay đổi trên giấy tờ, biển hiệu…đỡ tốn kém ngân sách. Nếu đặt là “Bắc Từ Liêm” và “Nam Từ Liêm” thì tất cả lại phải đổi tên rất lãng phí, mất thời gian”, một ý kiến khác nhận được khá nhiều đồng tình của độc giả.
“Nếu đặt là “Bắc Từ Liêm” và “Nam Từ Liêm” thì đây không phải theo cấu trúc của từ ngữ tiếng Việt, mà là theo cấu trúc câu của phương tây. Nếu đúng phải là “Từ Liêm Bắc” và “Từ Liêm Nam” như “Miền Bắc” và “Miền Nam” vậy”, bạn đọc Hồng Hà chia sẻ trên facebook cá nhân.
Hiện trên địa bàn huyện Từ Liêm có nhiều công trình quan trọng của quốc gia, nhiều chuỗi đô thị và khu đô thị hiện đại
“Nếu dùng từ “Bắc” và “Nam” sẽ gây hiểu nhầm về sự chia cắt, chia ly và lạ lẫm ở một địa danh đã trở nên quen thuộc”, một độc giả khác góp ý.
Nhiều độc giả đồng tình rằng, tên 3 chữ sẽ là quá dài và 2/3 số chữ giống nhau dễ gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, tên dài loằng ngoằng do 3 từ ghép lại, cộng thêm âm trắc “Bắc” sẽ đọc, nói khó xuôi tai.
Đồng ý với 2 tên “Từ Liêm – Mỹ Đình”
Độc giả Lê Quang Vũ phân tích: “Theo tôi nên đặt là Quận Từ Liêm và Quận Mỹ Đình là ổn nhất. Tên như vậy vừa kế thừa được tên gọi Từ Liêm quen thuộc, vừa đổi mới với luồng gió Mỹ Đình khi phần lớn các công trình hiện đại, mang dấu ấn quốc gia đều đặt ở khu Mỹ Đình”.
Video đang HOT
Trong số những người tham gia bình chọn tên cho quận mới có rất nhiều người đang sinh sống, làm việc tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bạn đọc Hồng Hà cho biết: “Tôi là một người dân sinh ra và lớn lên ở huyện Từ Liêm. Theo tôi nên lấy tên 2 quận là quận Mỹ Đình và quận Từ Liêm. Như thế vừa hay vừa gần gũi, dễ nhớ”.
“Mỹ Đình đã được bạn bè quốc tế biết đến rất nhiều qua các Hội nghị thượng đỉnh APEC, ASEM, khu liên hợp thể thao quốc gia…Mỹ Đình tuy hiện chỉ là một xã nhỏ nhưng đã xây dựng được thương hiệu và hình ảnh rất lớn. Đặt như vậy vừa giữ được tên huyện Từ Liêm thương thương mến khách và vừa xây dựng được hình ảnh quận Mỹ Đình tươi đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế”, một độc giả khác phân tích kỹ càng.
Trên một diễn đàn, độc giả có nickname Unbreak cũng lập luận rất chặt chẽ: “Theo tôi nên lấy thành quận Từ Liêm và một quận mang tên mới. Huyện Từ Liêm giữ nguyên tên và một phần đất gốc, chỉ đổi huyện thành quận, phần tách ra lập thành quận mới. Tên của quận này phải là địa danh vốn có ở đấy, ví dụ Mỹ Đình/ Xuân Phuơng/ Mễ Trì/ Sông Nhuệ…
Như thế sẽ giữ được đất gốc của huyện Từ Liêm và một phần của huyện này không có gì xáo động. Ví dụ, địa chỉ ông A ở xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm thì nay vẫn thế, chỉ khác là huyện đổi thành quận, xã đổi sang phường. Rất thuận tiện cho tra cứu, làm địa bạ, giữ truyền thống của Từ Liêm, đỡ tốn kém hành chính, giấy tờ…
Bộ máy hành chính quản lý huyện Từ Liêm cơ bản giữ nguyên, chỉ chuyển thành quận và quản lý một khu vực thu hẹp hơn. Nhà nước chỉ phải thành lập mới bộ máy hành chính và cơ sở vật chất cho một quận, đỡ tốn kém. Trước đây, ta đã làm như thế khi lập các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuận, sao hiện nay lại không làm tiếp cách ấy?”.
Ngoài tên Từ Liêm – Mỹ Đình một số độc giả cũng đề xuất nhiều cái tên cho quận mới. Bạn đọc Lê Mạnh Hùng phản hồi: “Nên lấy một quận mới là Từ Liêm và quận còn lại là quận Võ Nguyên Giáp”.
Cũng đồng tình với ý kiến trên, độc giả Trọng Nghĩa cho rằng: “Việt Nam đã có thành phố mang tên Bác. Một quận mang tên Đại tướng ở Thủ đô hy vọng được nhiều người ủng hộ”.
Anh Hải Nam (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Đại tướng vừa mất việc đặt tên Người cho một quận mới của Thủ đô cũng là sự bày tỏ tấm lòng biết ơn, tri ân với Đại tướng”.
“Theo tôi nên đặt tên 2 quận mới là: Nhuệ Giang và Từ Liêm. Nhuệ Giang gắn liền với lịch sử và con người nơi dòng sông chảy qua, vừa thể hiện được văn hoá, vừa tôn trọng được lịch sử, nó gắn liền với nền văn hoá đi lên từ lúa nước của đồng bằng sông Hồng của Hà Nội đồng thời thể hiện sức sống mới của một đô thị đang trên đà phát triển”, một ý kiến khác đề xuất.
Trong khi đó độc giả có email nam_khanhb@yahoo.com lại đề xuất: “Vào năm 1961, huyện Từ Liêm là hai quận 5 và 6 của thành phố Hà Nội sáp nhập vào mà thành, còn trước năm 1945 huyện Từ Liêm có tên là huyện Hoàn Long (hay Hoàng Long), thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông.
Cả hai cái tên Hoàn Long (hay Hoàng Long) đều là tên rất đẹp lại có lịch sử lâu đời của cha ông để lại. Thiết nghĩ, tên huyện Hoàn Long (hay Hoàng Long) cũ của huyện này nên trả lại cho một quận mới là quận Hoàn Long (hay quận Hoàng Long) thay cho quận Bắc Từ Liêm, còn tên một quận còn lại có thể giữ nguyên là quận Từ Liêm”.
Theo Vietnamnet
Tên quận và số phận 'nhà quê' lên 'thị thành'
Nguy cơ của việc xây dựng, quy hoạch manh mún, thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ đã dẫn đến những bộ mặt "phố chẳng ra phố, xóm chẳng còn là xóm" như những nơi đã đô thị hóa cách đây ít năm...
Không chỉ riêng những người dân gốc huyện Từ Liêm mà rất nhiều người đang ngụ cư hoặc dân Hà Nội đều mừng vui vì Chính phủ có ý kiến đồng ý thành lập hai quận mới từ nền tảng của một huyện ngoại thành.
Sự mừng ở đây là thành quả của quá trình đô thị hóa. Sự kiện như tất yếu của đời sống xã hội nhưng vẫn mừng hơn nhiều vì dân cư và hạ tầng tại đơn vị hành chính lãnh thổ đó không phải là "nhà quê" và xóm làng nữa mà là trở thành dân thị thành và phố phường.
Trong nhiều ý kiến mà nhân dân đang quan tâm ở đây và chính quyền đang thận trọng lắng nghe ý kiến dân cư là việc lấy tên quận mới và việc chia phường xã thế nào.
Sự liên hệ sinh quận mới như là việc gia đình trẻ muốn sinh thêm đứa con. Ngoài sự vui sướng khi đứa trẻ sắp ra đời là có thêm thành viên trong gia đình, xã hội có thêm công dân mới... thì cả nhà tập trung vào bàn về cái tên của nó.
Liệu cái tên của quận mới có tạo nên thanh thế và sự nghiệp của nó sau này?Tạm gác chuyện duy tâm về tên tuổi để nhìn ra mấy chuyện hiện hữu mà cả xã hội trong quá trình đô thị hóa đang phải đối mặt chứ không phải chỉ ở mức quan tâm.
Về quy hoạch xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, ngoài việc nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, đồng thuận, toàn hệ thống chính trị vào cuộc... cho việc thực hiện đô thị hóa.
Nhưng nguy cơ của việc xây dựng, quy hoạch manh mún, thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ đã dẫn đến những bộ mặt "phố chẳng ra phố, xóm chẳng còn là xóm" như những nơi đã đô thị hóa cách đây ít năm trên cùng địa bàn như: Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai...
Về quỹ đất cho đô thị hóa, liệu chúng ta có còn giữ được phần nào để tạo được không gian xanh sau vài chục năm tiến hành đô thị hoá?
Việc xây dựng và chỉnh trang khu dân cư do chính quyền có can thiệp và trợ giúp hay để dân tự phát rồi vẽ lên những bức tranh không thể đoán được "trường phái nghệ thuật" thật lãng phí của cải xã hội.
Huyện Từ Liêm sẽ thành 2 quận, sẽ có 23 phường mới. Ảnh: Chung Hoàng
Vấn đề môi trường luôn là câu chuyện của đô thị nhưng thường trở nên tồi tệ đối với vùng ven và nơi được đô thị hóa.
Việc ngập cục bộ; vào phố là gặp bãi rác; nước thải lộ thiên cùng biển quảng cáo là điển hình trong mấy quận đang phát triển như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai...
Con người vẫn là chủ đề nan giải. Lao động đô thị hoàn toàn có đặc tính khác với lao động nông nghiệp.
Khi mà diện tích đất tự nhiên dành cho nông nghiệp bị giảm; nông nghiệp được cơ giới hóa, hiện đại hóa; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm hàng loạt lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc "liên tục thất nghiệp" khi không còn công việc gì và thu nhập nào đảm bảo rằng đó là nghề nghiệp cho đến cuối đời.
Và tệ nạn xã hội từ đây ra; nghèo đói đô thị từ đây ra; bất bình đẳng xã hội từ đây ra...Từ những suy nghĩ về cách tư duy và hành động cần có ấy, chính quyền thành phố Hà Nội phải là nơi khởi xướng và cam kết chiến lược đô thị hóa bằng những tiêu chí và quy hoạch, lộ trình cụ thể.
Sau đó là chính quyền sở tại sắp được "lên" quận nêu trên cần nghiên cứu để có những cam kết cho hành động cụ thể. Như vậy mới thể hiện được những người đang có trách nhiệm và thông thái.
Còn dân cư và những người đang quan tâm về sự kiện đô thị hóa này hãy dành sự quan tâm và ủng hộ chính quyền sẽ cam kết và làm gì như những điều nêu trên thay vì tên quận là gì.
Theo Vietnamnet
Huyện Từ Liêm lý giải đặt tên hai quận Bắc Nam Từ Liêm Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết, trong đề án đặt ra ba lựa chọn tên cho 2 quận mới gồm: Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Ngày 2/12, Huyện ủy Từ Liêm gặp gỡ báo chí thông tin chi tiết về việc điều chỉnh địa...