Hà Nội nghiên cứu bỏ ga ngầm gần Hồ Gươm
Sau nhiều năm bảo vệ phương án làm ga tàu điện ngầm gần hồ, thành phố tính đến các phương án khác, trong đó có việc bỏ xây dựng ga ngầm tại khu vực này.
Chiều 18/3, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 – Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
Phối cảnh ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực Hồ Gươm. Ảnh: MRB
“Một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”, kết luận nêu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản đề nghị thành phố nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi với khu vực bảo vệ các di tích.
Đánh giá các phương án, lãnh đạo thành phố cho rằng, việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga ngầm ảnh hưởng toàn hệ thống đường sắt đô thị (8 tuyến) và phải báo cáo các bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hướng tuyến dẫn tới điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, không bảo đảm kỹ thuật chạy tàu, làm tăng chi phí…
Từ những phân tích trên, ông Dương Đức Tuấn giao MRB chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án.
Video đang HOT
Phương án 1: Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II).
Phương án 2: Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được MRB và các sở, ngành thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô, củng cố các văn bản pháp lý để UBND thành phố thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.
Phương án 3: Giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách…
Ông Tuấn yêu cầu phải có phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét ngay trong tháng 3, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Theo phương án được thành phố đưa ra từ hơn 10 năm trước, nhà ga chính C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa số một được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội).
Cửa lên xuống số 4 có hai phương án, một là nằm phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio – Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng. Một số chuyên gia gợi ý Hà Nội bố trí ga tại các vị trí của Tổng Công ty Điện lực, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát Lớn… Cũng có ý kiến nên bố trí tuyến và ga chạy dọc đê sông Hồng.
Chính quyền thành phố cho rằng, các đề xuất đều không khả thi bởi nếu dịch chuyển ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng hoặc bố trí ở vị trí khác thì tổng mặt bằng bao gồm thân ga, các cửa lên xuống, công trình phụ trợ và tuyến hầm 2 đầu ga sẽ phải thay đổi vị trí theo, dẫn đến các hậu quả như ảnh hưởng đến an toàn và kỹ thuật chạy tàu, cùng các hạng mục khác của di tích.
Các phương án trên còn khiến tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực dân cư có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, giải phóng mặt bằng nhiều nhà dân và cơ quan để xây dựng ga.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt -Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Hà Nội dự kiến đầu tư tuyến metro Văn Cao - Hòa Lạc
Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc được UBND Hà Nội đề xuất thi công từ năm 2023, hoàn thành năm 2026.
UBND TP Hà Nội vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý kiến thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc. Đây là một trong hai dự án đường sắt đô thị đang được TP Hà Nội chuẩn bị thủ tục đầu tư. Dự án còn lại là tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai.
UBND TP Hà Nội xác định dự án metro Văn Cao - Hà Nội sẽ là tuyến đường sắt xuyên tâm, kết nối trung tâm thủ đô với các đô thị dọc đại lộ Thăng Long.
Điểm đầu tuyến ở nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Đoạn đi ngầm kéo dài từ đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đến Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia (tổng chiều dài đi ngầm là 6,5 km).
Sau khi đi ngầm qua vành đai 3, tuyến sẽ đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa dải phân cách của đại lộ Thăng Long. Từ đây, tuyến số 5 sẽ đi thẳng theo dải phân cách giữa, vượt qua các nút giao bằng cầu vượt.
Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình), tuyến đi trên giải phân cách giữa của dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (tổng chiều dài đi trên mặt đất là 29,93 km, chỉ có 2 km đi trên các cầu vượt).
Tuyến metro số 5 sẽ nằm trên dải phân cách giữa của đại lộ Thăng Long. Ảnh: Việt Linh.
Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Theo thiết kế, toàn tuyến có tổng cộng 21 nhà ga (6 ga ngầm, 15 ga nổi) và 2 depot.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 65.404 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB là 811 tỷ đồng, chi phí xây dựng và mua sắm thiết bị là 41.473 tỷ đồng, phí dự phòng là 16.900 tỷ đồng, phí quản lý dự án là 6.220 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội đã xác định nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ 5 nguồn, gồm vốn đầu tư công, vốn từ quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp, vốn từ đấu giá đất, vốn phát hành trái phiếu và vốn vay các tổ chức tài chính.
Theo nghiên cứu về nhu cầu vốn, từ năm 2021, 31,1 tỷ đồng sẽ được chi cho công tác tư vấn, quản lý dự án. Sang năm 2022, 162,2 tỷ đồng sẽ được chi cho công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Dự kiến, báo cáo tiền khả thi của dự án sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021. Từ năm 2021 đến 2022, dự án sẽ được hoàn thành báo cáo khả thi để Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư.
Các bước thiết kế xây dựng, dự toán và giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn tất trong giai đoạn 2021-2023. Từ năm 2023, dự án bắt đầu thi công để bàn giao vào năm 2026.
Sắp có thêm đoàn tàu thứ ba tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đoàn tàu Metro thứ ba đã về tới cảng tại Hải Phòng ngày 21/2. Những đoàn tàu còn lại, hiện đang được sản xuất liên tục tại Pháp. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, ngay sau khi cập cảng Hải Phòng, các toa tàu được bốc dỡ và...