Hà Nội ngập chè sầu Đà Nẵng
“Hà Nội ngập chè sầu rồi!”, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt nói. Hiện tại, những cửa hàng chuyên bán chè sầu Đà Nẵng quá nhiều ở Hà Nội với những tấm biển Chè sầu Liên Đà Nẵng.
Bà Thủy, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng Bản Rum ở 50B Lạc Trung và 63 Nguyễn Du (Hà Nội), vẫn còn nhớ ngày đầu tiên được ăn chè sầu. Khi đó, bà ăn chè ở một hàng trên phố Hàng Cót. Bát chè sầu Liên Đà Nẵng khi ấy với bà thật nhớ đời.
“Tôi ăn chè sầu Liên lần đầu ở đó và thích ngay đến mức mua vé máy bay bay thẳng vào Đà Nẵng để ăn đủ loại cho đã. Sau đó, để lúc nào cũng có chè trong nhà, tôi bắt đầu bán chè sầu”, bà Thủy nhớ lại.
Sài Gòn gọi là chè Thái
Trong khi Hà Nội gọi bằng cái tên nơi những người đầu tiên đến học nghề, nhập nguyên liệu về bán là chè sầu (riêng) Liên Đà Nẵng thì ở TP.HCM gọi món này cũng bằng nguyên tắc đó: chè Thái – chỉ xuất xứ Thái Lan.
Món này ở Sài Gòn nổi tiếng hơn chục năm nay trên đoạn đường Nguyễn Tri Phương ở Q.5, từ những quán chè nhỏ nay thành những căn nhà liên tục chỉ kinh doanh chè Thái. Vẻ như chè Thái ở Sài Gòn và chè sầu (theo cách gọi ở Hà Nội) khác nhau ở nước cốt dừa, chè sầu riêng từ Đà Nẵng ra nước cốt nhiều và lỏng hơn.
Video đang HOT
Bây giờ, cứ cách ngày bà Thủy lại có một chuyến hàng chè sầu từ Đà Nẵng chuyển ra. Bà thửa những chiếc thùng inox to để đựng, bảo quản chè sầu. Mỗi chiếc thùng inox đều to như mặt bàn, cao 70 phân. Trong đó, bà lót đá và bỏ những túi chè sầu vào xen lẫn.
“Món này rất lạ. Không thể bảo quản bằng cấp đông, vì nếu cấp đông là hỏng vị vì tách béo. Để tủ mát cũng hỏng vì chua. Phải ủ trong đá thì lạnh mới sâu không làm cho nó bị đông mà vẫn giữ được vị tươi của chè. Trung bình, mỗi ngày tôi dùng nửa tạ đá để ủ chè”, bà Thủy cho biết.
Chè sầu có màu sắc đẹp đẽ và tươi tắn. Mỗi bát chè có rất nhiều loại thạch: màu xanh, màu trắng đục, trong veo, lại thêm hạt thốt nốt rim và rất nhiều hoa quả như nhãn, mít, sầu riêng.
Tất cả được thả vào bể nước cốt dừa trắng ngần và thơm lạ lùng. Nhưng không chỉ có vị thơm, nước cốt này còn ngọt và ngậy khó tả.
Món chè sầu vì thế có vị giòn của rau câu, vị thoáng dẻo của hạt thốt nốt rim và nhiều thứ hoa quả tươi thơm phức. “Chè sầu ngon hơn hay không là do nước cốt dừa”, bà Thủy cho biết.
“Khách Hà Nội ít ăn rau câu hơn trong đó. Trong đó họ ăn rau câu nhiều. Ở ngoài Bắc chỉ có rau câu phô mai là được nhiều khách thích thôi. Nên lúc mới nhập về tôi nhập hết và bán đầy đủ. Sau đó thì nhập ít loại đi, chỉ nhập những thứ bán chạy thôi”, bà Thủy nói.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt cho biết món chè sầu Đà Nẵng ngon đến mức không cần chỉnh vị gì cho hợp với thị hiếu Hà Nội cả. Cái khác nhau chỉ nằm ở chỗ có nhà cho sầu riêng loãng hơn vì tách gói ra bán để tăng lãi. Số còn lại chỉ nhập ra và bán ăn lãi theo số lượng. Ông Việt cũng đặc biệt thích vị cốt dừa của chè sầu.
Chè Liên Đà Nẵng trứ danh với chè sầu, chè rau câu các loại
Cũng theo ông Việt, nhiều người chọn cách nhập về bán vì nếu làm cũng không thể có giá tốt như nhập. “Trong Đà Nẵng làm rất nhiều và bán đi khắp nơi nên nó rẻ. Chứ ở Hà Nội làm đúng như thế thì giá cốt lại cao. Vì thế việc nhập về bán tiện hơn”, ông nói. Tất nhiên, ông cũng lưu ý có những nơi cố tình pha loãng chè cũng như bớt sầu riêng để bán giá thấp đi.
Ông Việt cũng so sánh món này với chè khúc bạch vốn là mốt của mấy vụ chè trước. “Chè khúc bạch rộ lên nhanh nhưng bây giờ không mấy người ăn nữa. Có thể thấy nó là món ăn theo mốt. Nhưng chè sầu thì đủ thể loại thạch và nền mát ngọt ngậy. Chè sầu sẽ trụ lâu với Hà Nội. Đã qua mấy mùa rồi và có thể thấy Hà Nội sẽ chấp nhận nó lâu dài.
Chè Huế và thập cẩm cũng thích nhưng không thích như trước nữa vì chủ yếu là đậu nên dễ ngán. Trong khi chè sầu lại thanh thanh thơm thơm, có trái cây. Mọi người có thể ăn chơi và lâu dài hơn. Nó không có thành phần gây ngấy và bứ, chỉ có điều nó hơi béo thôi”, ông phân tích.
Cũng theo ông Việt, giờ đây ở Hà Nội có thể mua chè sầu rất thuận tiện. Các cửa hàng bán ăn tại chỗ có khắp các quận, chưa kể các cửa hàng bán online. “Nào Kim Mã, Hàng Cót, Xã Đàn, Lạc Trung… Họ cũng đều có ship cả. Hà Nội ngập chè sầu rồi”, ông Việt nói.
Theo Thanhnien
Phở... trộn cơm nguội
Lâu lâu, chuyên gia ẩm thực Việt Nguyễn lại tới hàng phở quen ở Hà Nội, ông gọi một bát phở ít bánh. "Muốn ăn phở trộn cơm nguội thì phải gọi ít bánh đi, nhiều nước để có chỗ cho cơm nguội", ông Việt nói..
Phở trộn cơm "thần thánh"
Phở trộn cơm nguội là món thỉnh thoảng chuyên gia thế hệ 7X này lại ăn cho đỡ... nhớ. Có lần ăn ở hàng, có lần lại xách cặp lồng mua về trộn cơm. Lần nào cũng nói với nhà hàng cho xin thêm nước dùng.
Nước bún riêu thời bao cấp cũng là thứ canh được mua hoặc xin thêm rồi "trọng dụng" để chan cơm. Nhưng phở, nước phở, phở trộn cơm vẫn trên một bậc về độ "xa xỉ". Có lẽ vì cua ngày đó chưa hiếm, và "có người lái" vẫn là thứ phở ước mơ của đa số người dân.
Phở trộn cơm không có được cái thú vừa ăn vừa ngắm khói bốc lên từ nước dùng nóng rãy. Nhưng không vì thế mà người ta kém "thành kính" đi. Họ vẫn gia giảm đủ giấm tỏi, tương ớt...
"Phở ngày xưa ngon và chất, dù chẳng có gì nhiều như bây giờ, chỉ có hai ba lát thịt chín, mỗi lần ăn là cắn tí một cho lâu hết. Nước dùng thì ngọt, thơm, ăn với ít tương ớt dầu nữa, ngon và cay, cái vị đó luôn đi theo ta từng năm tháng, bây giờ, cho dù cuộc sống đầy đủ hơn trước rất nhiều", ông Việt giờ vẫn nhớ tha thiết món phở trộn cơm thuở nhỏ.
Ăn độn như thế là ăn độn cao cấp, nếu so với độn bo bo hay độn sắn ngày xưa. Lại nhớ đến món xôi sắn, cũng sinh ra từ thời ăn độn nhưng giờ lại đâm ra rắc rối, thêm vào nào thịt băm xào thơm lẫn cả ruốc tôm hồng rắc lên. Vì thế, người từng ăn độn, từng xếp hàng đong gạo, mua thịt tem phiếu mới biết hơn ai hết sự ưu việt của món độn phở trộn cơm ngày nào.
Vì thế, nếu hỏi phở trộn cơm có thật ngon không, phải nói thực là không hẳn. Nhiều người vẫn rủ con cháu ăn thử mà xem ngon lắm nhưng không được hưởng ứng. Nó là món ngon của trải nghiệm, của so sánh buồn vui, của nỗi nhớ, của kỷ niệm xưa...
Theo Thanhnien
Dùng vỏ chuối nướng thịt theo cách này, đảm bảo thịt không bị khô dai lại thơm ngon hơn cả ngoài hàng Từ xa xưa, người dân ở nhiều nước châu Á thường dùng lá chuối để gói ngoài món thịt nướng, giúp thịt mềm và thơm. Các chuyên gia ẩm thực cho biết không chỉ lá chuối mà cả vỏ chuối hay thịt chuối cũng có khả năng này. Thông thường, các mẹ chỉ biết dùng lá chuối gói thịt nhưng không hề biết...