Hà Nội: Mức phạt hành chính sẽ cao gấp 2 lần nơi khác
“ Bắt đầu từ đầu tháng 7, cá nhân, tổ chức bị xử phạt, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; Mức phạt hành chính ở Thủ đô sẽ cao gấp 2 lần các nơi khác; Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư thêm 6 tháng… ” – Đây là nội dung chinh của những văn bản luật sẽ có hiệu lực từ hôm nay, 1/7.
Người bị phạt hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Để phân định mức phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức vi phạm, phù hợp với tính chất vi phạm, một trong những nguyên tắc mới được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính là: đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Về đối tượng xử lý vi phạm hành chính, luật quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Người chưa đủ 14 tuổi vi phạm hành chính sẽ được nhắc nhở, giáo dục tại gia đình, có nghĩa là họ không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Cách xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính cũng có điểm mới. Cụ thể, đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, luật nhấn mạnh thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính…
Ngoai ra, luật quy định, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Từ 1/7, người bị xử phạt hành chính có quyền chứng minh minh không vi phạm. Ảnh: Vạn Xuân
Mức phạt hành chính ở Thủ đô cao gấp 2 lần mức tối đa ở nơi khác
Video đang HOT
Cũng từ 1/7, Luật Thủ đô với 4 chương, 27 điều quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô có hiệu lực.
Theo đó, để triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có hiệu quả, đồng thời nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Với việc cư trú: việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Ở nội thành, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được đăng ký thường trú:
1. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp như vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con. Hoặc người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ…
2. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
3. Trước đây đã đăng ký thường trú tại Hà Nội, nay trở về Hà Nội sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Riêng các trường hợp không thuộc những trường hợp nêu trên thì phải thỏa mãn các điều kiện: đã tạm trú liên tục tại nội thành từ ba năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Đặc biệt, luật cho phép, mức chế tài người vi phạm ở Thủ đô có khác so với nơi khác. Đơn cử, đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn hai lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định.
Bổ sung những quy định mới về phát hành xuất bản phẩm điện tử
Với 6 Chương, 54 Điều, Luật Xuất bản đã bổ sung 1 chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (chương 5).
Theo đó, trên cơ sở kế thừa những quy định từ luật hiện hành, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã bổ sung những quy định mới về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay. Những quy định này phù hợp, thống nhất với các quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử của Việt Nam.
Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư thêm 6 tháng
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng (tăng 6 tháng so với quy định cũ). Bên cạnh đó, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng nhằm đảm bảo tổng thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề vẫn là 24 tháng.
Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư để nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của luật sư. Các hành vi được bổ sung gồm: Hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Theo vietbao
Những quy định bị "bỏ rơi"
Không được nghe điện thoại di động tại trạm xăng, không hút thuốc lá nơi công cộng, chó mèo phải có số... Rất nhiều quy định được ban hành, nhưng sau một thời gian đã rơi vào quên lãng.
Cười rồi lờ đi
Đầu tiên phải kể đến quy định cấm sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) ở cây xăng. Giữa tháng 3, chúng tôi đi ghi nhận tại nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM về việc chấp hành quy định này. Tại cây xăng Comeco nằm ở góc đường Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) có gắn nhiều bảng cấm sử dụng ĐTDĐ, song hành khách vào đổ xăng đều phớt lờ.
Sau 1 giờ quan sát, chúng tôi đếm có 16 trường hợp khách vô tư sử dụng ĐTDĐ trong lúc đổ xăng. Anh Mai Xuân Quân (nhân viên cây xăng) ngán ngẩm: "Quy định ra rồi mà chả thấy ai đến đây xử phạt cả. Chúng tôi chỉ biết "chữa cháy" bằng cách nhắc nhở". Tại cửa hàng xăng dầu số 27 Petrolimex (số 749 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5), một nhân viên ở đây cho biết: "Nghe điện thoại ở đây cả đống nhưng từ trước đến giờ không thấy có phạt ai, chỉ nhắc nhở thôi mà còn bị cự lại. Chúng tôi mà làm căng thì có người còn dọa đánh". Vừa tấp vào cửa hàng xăng Mipec (góc Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận), chúng tôi vờ móc điện thoại ra nghe, thì một nhân viên nhắc ngay: "Ở đây sử dụng điện thoại bị xử phạt 5 triệu đồng đó anh". Khi chúng tôi hỏi ai xử phạt thì anh này cười rồi lờ đi...
Nhiều người vẫn vô tư sử dụng điện thoại tại cây xăng Comeco nằm tại góc đường Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Lê Quang
Tương tự, dù quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, với mức phạt tiền đến 100.000 đồng/trường hợp vi phạm, đã có hiệu lực từ 8 năm nay, nhưng nhiều người vẫn nhả khói vô tư ở mọi nơi, kể cả tại những nơi dễ cháy nổ như trạm xăng. Không ít lần chúng tôi chứng kiến cảnh một số người giấu điếu thuốc trong tay để ra phía sau lưng đứng cận kề trụ bơm.
Sáng 5.3, chúng tôi có mặt tại khu vực nhà chờ của Bến xe Miền Đông. Bất chấp bảng cấm hút thuốc gắn đầy trên các bức tường và cửa ra vào nhưng nhiều người vẫn đốt thuốc thoải mái. Hơn 20 phút có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận có hơn 10 trường hợp vi phạm. Hỏi ông Lâm (47 tuổi, quê Bình Thuận) sao hút thuốc ngay dưới bảng cấm, ông phân trần: "Hành lý nhiều quá, không ai trông coi thì làm sao ra ngoài hút được. Khi nào bảo vệ nhắc nhở thì mình vứt đi thôi, với lại chẳng bao giờ thấy ai xử phạt".
Tình trạng "khói thuốc tung hoành" cũng phổ biến tại các bệnh viện (BV). Chiều 4.3, ngay khuôn viên trước khu A, B, C của BV Ung bướu (TP.HCM) có rất nhiều người hút thuốc. Đặc biệt, khu vực quanh hồ nước có những tán cây nghỉ mát là nơi hàng chục người thi nhau... nhả khói. Nhiều bệnh nhân phải đưa tay bịt mũi để tránh khói thuốc xộc vào. Tại khu vực ghế đá ngay trước dãy A, C của BV Từ Dũ, một số người nhà bệnh nhân tụ tập thành nhóm vừa nói chuyện vừa thi nhau rít thuốc. Nhìn qua một lượt đã có đến hơn 10 người ngồi ở các góc khác nhau phì phà điếu thuốc nhưng không hề thấy bảo vệ hay bác sĩ nào đến nhắc nhở.
Chó, mèo vẫn "tung tăng" trên phố
Bốn tháng kể từ ngày Quyết định 2891 của Bộ NN-PTNT (về việc phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại, trong đó quy định các hộ nuôi chó, mèo phải đến đăng ký với UBND xã, phường để được cấp số cho vật nuôi) ra đời, chúng tôi đến UBND P.3, Q.8 (TP.HCM) hỏi về thủ tục lập sổ đăng ký nuôi chó, mèo. Nhân viên văn phòng ủy ban tròn xoe mắt ngạc nhiên: "Quy định đó ở đâu? Ai kêu đăng ký?". Khi nghe chúng tôi nhắc đến Quyết định 2891 thì nhân viên này nói thẳng: "Chưa nghe đến quy định này và chưa nghe triển khai gì cả". Hỏi thăm nhiều hộ có nuôi chó, mèo ở phường này, họ cũng lắc đầu: "Làm gì có ai bắt mình đi đăng ký nuôi chó, mèo. Thích thì cứ mua hoặc đi xin về nuôi thôi".
Trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh..., chúng tôi ghi nhận vẫn còn tình trạng nuôi chó, mèo thả rông ngoài đường.
Quyết định 2891 cũng quy định trạm thú y có trách nhiệm nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận sau 3 ngày (72 giờ), nếu không có người tới nhận, chó mèo sẽ bị tiêu hủy. Quy định mới này đã bị phản ứng dữ dội và chính cơ quan ban hành nhìn nhận quy định này thiếu tính nhân văn và sẽ sửa.
"Bán vỉa hè cần gì tập huấn"
Thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20.1 nhằm siết chặt quản lý đối với loại hình buôn bán thức ăn đường phố, hàng rong, nhưng thực tế thông tư này còn xa lạ lắm với những người buôn bán. Tại góc đường An Dương Vương (Q.5) đoạn trước cổng Trường ĐH Sài Gòn, là địa điểm hàng rong hoạt động rất sôi động với đủ các thể loại bánh trái, cơm, bún, cháo, phở. Ngay vỉa hè đoạn giao với đường Nguyễn Văn Cừ, một xe bán xôi, khoai, chuối luộc không hề được che đậy. Khi chúng tôi thắc mắc với người bán thực phẩm rong: "Sao không che chắn thức ăn đã nấu chín vậy chị?", thì chị này nói : "Tôi bán quanh năm suốt tháng ở đây, có bao giờ che chắn mà vẫn tấp nập người mua, có ai đau bụng, ngộ độc bao giờ đâu". Khi chúng tôi đề cập đến quy định người bán phải được tập huấn và có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì người này xua tay: "Bán vỉa hè mà cần tập huấn gì, đuổi chỗ này thì bán chỗ kia thôi".
Tương tự, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người bán cơm, bún trước cổng BV Chợ Rẫy, BV Hùng Vương, BV Chấn thương - Chỉnh hình (TP.HCM)... nói họ chưa hề biết "mặt mũi" Thông tư 30. Một chị bán cơm trên vỉa hè đối diện cổng BV Chợ Rẫy lắc đầu khi được hỏi về việc tập huấn ATVSTP : "Quy định đó có từ bao giờ thế? Chúng tôi có nghe ai nói phải tập huấn gì đâu!".
Theo khảo sát mới nhất (nhưng chưa đầy đủ), tại TP.HCM có 35.000 điểm bán thức ăn đường phố dạng cố định (có vị trí bán cố định một chỗ trong nhà, hay vỉa hè). Với những người buôn bán dạng này, hiện cơ quan quản lý cũng chưa thể tổ chức khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATVSTP cho họ hết được. "Còn với một lượng rất lớn những người bán thực phẩm hàng rong (xe đẩy, gánh, bưng... lưu động) thì hiện nay chính quyền địa phương còn chưa thể nắm được số lượng, nơi họ cư trú thì làm sao để cơ quan chuyên môn tổ chức khám sức khỏe, hay tập huấn ATVSTP cho họ", một chuyên gia phụ trách ATVSTP tại TP.HCM nói.
- Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực từ 5.8.2012 hành vi nghe điện thoại ở cây xăng bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng.
- Điểm a, khoản 1, điều 16 NĐ 45/2005/NĐ-CP quy định: "Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng".
- Ngày 14.11.2012, Bộ NN-PTNT có Quyết định số 2891 về việc phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại, trong đó quy định các hộ nuôi chó, mèo phải đến đăng ký với UBND xã, phường để được cấp số cho vật nuôi UBND các cấp có nhiệm vụ lập đội bắt giữ chó, mèo chạy rông và mắc bệnh dại.
- Theo quy định tại Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế, ngoài việc khám sức khỏe, người bán hàng rong, thức ăn đường phố phải có đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu được tập huấn và có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức ATVSTP...
Theo vietbao
Hàng loạt chính sách "sát sườn" có hiệu lực từ ngày 1/7 Từ ngày 1/7, một số quy định quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân sẽ có hiệu lực như nâng mức giảm trừ gia cảnh, áp dụng lương cơ sở, xử phạt hành chính tại Hà Nội cao gấp 2 lần nơi khác... . Hà Nội xử phạt cao, siết nhập cư nội thành Từ 1/7, Luật Thủ...