Hà Nội: Mặt cầu Thăng Long hỏng nặng, Việt Nam “cầu cứu” chuyên gia Nga
Liên quan đến việc mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng, Bộ GTVT vừa chỉ đạo các các đơn vị trực thuộc nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ, mời chính các chuyên gia và nhà thầu Nga xây dựng cây cầu này tham gia việc sửa chữa
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội từ chối nhận quản lý cầu Thăng Long do bề mặt của cây cầu này bị rạn nứt và hằn lún hơn 10.000m2, cần phải có biện pháp sửa chữa tổng thể để đảm bảo an toàn giao thông.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2, nhưng từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa bị xô dồn, nứt ngang mặt do bê tông nhựa mới sửa không bám dính với bản mặt thép của cầu, khi xe chạy gây lực trượt làm cho lớp bê tông nhựa mặt đường trượt trên mặt thép, tạo ra các điểm dồn ụ mấp mô và các vết nứt làm nước thấm xuống, phá hoại bê tông nhựa diễn ra nhanh hơn khi trời mưa.
Trong giai đoạn năm 2012-2013, mặt cầu Thăng Long được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông.
Gần đây, do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt.
Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, sau nhiều lần sử dụng các công nghệ khác nhau không thành công, trong lần sửa chữa này Tổng cục sẽ mời chuyên gia và nhà thầu của Nga đã thi công xây dựng cầu Thăng Long tham gia nghiên cứu, sửa chữa triệt để.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với phía Nga và nhận được sự đồng ý hợp tác. Phía Nga đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế. Hiện, Tổng cục đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) nghiên cứu trước đây cho phía Nga để nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ.
Video đang HOT
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ 1 tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mặt cầu Thăng Long.
Về phương án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất 3 hướng nghiên cứu xử lý mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng nặng.
Phương án 1: Sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng); khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.
Giải pháp này, Tổng cục Đường bộ đánh giá, có thể sẽ khắc phục được hết các hư hỏng trên nhưng có nhược điểm là tốn kém kinh phí; kéo dài thời gian; đảm bảo giao thông khó khăn; thi công lớp bản thép trực hướng khó khăn do kết cấu dàn thép đã có chuyển vị và đường sắt không thể dừng khai thác; thủ tục liên quan đến đánh giá tác động lên kết cấu dàn thép phức tạp.
Phương án 2: Chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.
Phương án 3: Cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trong quá trình hàn như phương án 3 sẽ phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép và trong quá trình khai thác, do biến dạng và dao động của bản thép làm bong bật các mối hàn.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hà Nội chưa nhận cầu Thăng Long vì bề mặt hỏng hơn 10.000m2
Sở GTVT Hà Nội cho biết, mặt cầu Thăng Long bị rạn nứt và hằn lún hơn 10.000m2, cần phải có biện pháp sửa chữa tổng thể để đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc thực hiện Quyết định của Bộ GTVT về việc điều chuyển hạng mục mặt cầu đường bộ tầng hai cầu Thăng Long.
Qua khảo sát mặt đường bê tông nhựa trên 5 dàn thép của cầu chính, Sở GTVT Hà Nội phát hiện có hiện tượng hằn lún, rạn nứt và được Cục Quản lý đường bộ I duy tu sửa chữa thường xuyên.
Cụ thể, vào thời điểm kiểm tra mới đây mặt đường bị rạn nứt khoảng 8.736m2; hằn lún 1.866m2; vạch sơn mòn, sơn tim đường bị mặt đường trồi lún gây biến dạng; 4/8 khe co dãn cầu bị hư hỏng và đậy tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.
Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng
Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên 5 dàn thép của cầu chính. Việc sửa chữa các hư hỏng mặt cầu, thảm bê tông nhựa trực tiếp trên mặt cầu thép tại 5 dàn thép của cầu chính đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ phức tạp, phải được nghiên cứu và sử dụng những công nghệ phù hợp.
Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo các các đơn vị liên quan nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ phần mặt cầu bị hư hỏng trước khi bàn giao cho TP Hà Nội quản lý.
Trong thời gian chưa bàn giao, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ I (thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam) và các đơn vị liên quan tiếp tục công tác duy tu, duy trì mặt cầu đảm bảo an toàn giao thông.
Tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kịp thời sửa chữa ngay các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long để đảm bảo ATGT.
Đồng thời, Tổng cục phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ có các giải pháp căn cơ xử lý hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng và khai thác ổn định, lâu dài.
Năm 2009, Bộ GTVT đã sửa chữa lại mặt cầu Thăng Long bằng nhiều công nghệ như phun sơn chống gỉ trên bề mặt lớp bản thép; thi công lớp chống thấm; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 4cm; tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 3cm.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, công nghệ này chưa thực sự hiệu quả, cần có những nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cho phù hợp với điều kiện khai thác hiện nay.
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m, bao gồm 1.688m phần cầu chính, bao gồm 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục.
Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m. Hiện tại phần trên tầng hai mặt cầu đường bộ chỉ dành cho ô tô lưu thông, được tổ chức xe lưu thông hai chiều không có dải phân cách giữa.
Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1.428m, bề rộng 16,5m. Mặt đường bê tông nhựa được tổ chức xe lưu thông hai chiều không dải phân cách giữa, gồm 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe, phân định bằng vạch sơn liền tim cầu).
Quang Phong
Theo Dantri
Nắng nóng "nung" mặt đường Hà Nội tới 64 độ C Nắng nóng ở Hà Nội lên đến đỉnh điểm vào giữa trưa, mặt đường bị "nung" tới 63,9 độ C, phả hơi nóng hầm hập lên phía trên khiến người dân phải hạn chế tối đa ra ngoài trời. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo nắng nóng gay gắt diện rộng có khả năng sẽ kéo...