Hà Nội: Ly kỳ vụ di dời “miếu Hai cô”
“Miếu Hai cô” là tên thường gọi của nơi thờ cúng tự phát được rất nhiều người Hà Nội biết đến, nằm ở ngay ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Thái Học.
“Miếu thiêng vỉa hè” bên cạnh Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã được di dời về đền Sòng Sơn từ khá lâu, tuy nhiên, hiện nơi này vẫn được quây rào kín và có lực lượng bảo vệ 24/24h trong mối lo người dân sẽ lập lại bàn thờ. Việc giải tỏa một địa điểm tín ngưỡng tự phát gây mất mỹ quan đô thị tưởng như đơn giản nhưng lại rất nan giải từ nhiều tháng nay và chưa biết bao giờ kết thúc.
Những lời đồn thổi
“Miếu Hai cô” là tên thường gọi của nơi thờ cúng tự phát được rất nhiều người Hà Nội biết đến, nằm ở ngay ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Thái Học, cạnh di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám với nhiều “truyền thuyết” về sự hình thành và độ linh thiêng. Người dân khu vực quanh Văn Miếu đồn thổi rằng, thời bao cấp, có 2 cô gái trẻ bị tàu điện cán chết ngay tại chỗ này, rồi sau đó được lập bàn thờ bên một gốc cây rất to. Về sau, cây này bị chặt đi, người dân lại lập một ngôi miếu nhỏ để “Hai cô” trú ngụ. Khi vỉa hè phố Tôn Đức Thắng được làm lại đẹp đẽ hơn, miếu không còn, người dân xây một bệ nhỏ và đặt bát hương thờ cúng.
Nhưng cũng có một tích khác mà ông Lê Ngọc Tú – Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám tham khảo từ những bậc cao niên sống gần Văn Miếu lại cho thấy, thực tế chẳng có chuyện 2 cô gái bị tai nạn tàu điện rồi hóa người thiêng cho hậu thế. Miếu bắt nguồn từ một “sự tích” khác. Dân gian đồn thổi rằng, trước đây, những người kéo xe bò làm việc đêm ở phố cổ, cứ mỗi khi về qua đoạn Nguyễn Thái Học thì xuất hiện 2 bóng trắng đi theo, cứ đến góc Văn Miếu thì lại biến mất. Người dân vì thế mà lập ra miếu thờ. Việc có 1 cô gái trẻ chết vì tàu điện cán là thật, song không liên quan gì đến “Hai cô”. Cả hai “sự tích” này qua thời gian đều bị thổi phồng lên, nhiều người cả tin đến đây sì sụp khấn vái, đốt vàng mã khói um một ngã tư luôn kẹt cứng xe cộ vào giờ tan tầm.
Bát hương “miếu Hai cô” đã được di dời, song ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Thái Học vẫn được “canh gác” nghiêm ngặt
Trả lời PV, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám Lê Ngọc Tú cho biết, thực ra trước đây bát thương “thiêng” này đã nhiều lần được bốc đưa vào đền nhưng người dân không tin tưởng nên việc thờ cúng vẫn tái diễn. Chính quyền cũng nhiều lần ngăn chặn nhưng không thành, mỗi khi vắng bóng lực lượng bảo vệ, các con nhang đệ tử lại đến xin lộc. Phải đến khi Công an TP Hà Nội và UBND quận Đống Đa chủ trương kiên quyết xử lý địa điểm này, một kế hoạch bài bản để chấm dứt hoạt động của “miếu thiêng vỉa hè” mới ra đời và được thực thi. Nhưng mọi việc cũng không hề đơn giản bởi yếu tố tâm lý, sự dè dặt, lo ngại đụng chạm đến chốn linh thiêng. Đến đầu tháng 1/2013, việc canh giữ vẫn tiến hành.
Video đang HOT
21 phường thay nhau gác
Ông Lê Ngọc Tú cho hay, kế hoạch thực hiện bắt đầu từ ngày 6/11 đến 5/12/2012, nêu rõ là giải tỏa việc thắp hương, đốt vàng mã và hành lễ tại số 1 Tôn Đức Thắng – thường gọi là “miếu Hai cô”, để khẳng định không có cơ sở nào ghi nhận sự tồn tại chính thức của miếu thờ này. “Chẳng có cô nào lại ngự ở vỉa hè, nếu có cũng chẳng phù hộ cho những người lấn chiếm vỉa hè, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Chúng tôi biết được thủ nhang địa điểm này là một người dân khu vực. Họ đặt bát hương ở đây để kiếm lộc lá từ các con nhang, đệ tử, có cơ hội bán vàng mã, đồ lễ, chứ nếu vào đền thì không kiếm chác được gì”, ông Tú nói.
Theo ông Tú, kế hoạch ban đầu là một tháng với phương án là túc trực canh gác từ 16h đến 5h sáng hôm sau, gồm 6 ca trực, mỗi ca 4 người (1 cảnh sát và 3 thành phần khác). Song, nó đã phá sản hoàn toàn. Nhiều người mê tín lựa thời điểm khác để đến hành lễ, hoặc nếu gặp lực lượng bảo vệ thì cứ đứng ngoài chắp tay. Mà thực tế, giai đoạn đầu, không ai dám mang bát hương đi, thuê người cũng không ai dám làm, chính quyền chỉ cử người canh gác, thuyết phục người dân, vận động người đưa bát hương ra đó thì tự động mang đến chỗ khác.
Nhưng theo ông Lê Ngọc Tú, bản thân một số người thực hiện (từ quận đến phường) ban đầu cũng rất e ngại, cho rằng nhiều người sẽ bị quả báo. Và đến ngày 9/12/2012, UBND quận Đống Đa và phường Quốc Tử Giám đành quyết định tổ chức một lễ rước trang nghiêm để đưa “Hai cô” về đền Sòng Sơn (tại số 35 Tôn Đức Thắng). “Chúng tôi đã làm lễ, mời thầy mời thợ đàng hoàng, đầy đủ các thủ tục cần thiết. Chưa bao giờ làm chu đáo, bài bản như đợt vừa rồi và được nhiều người dân ủng hộ”, ông Tú cho biết.
Sau khi đưa bát hương về đền Sòng Sơn, chính quyền đã tổ chức quây rào chắn, đặt biển cấm, biển thông báo ngay tại vị trí thờ cúng “Hai cô”. “Nhưng riêng cái bục để bát hương cũng không ai dám đập, tôi phải chỉ đạo quyết liệt, cử một vài anh em ra bốc đi. Sau đó, UBND quận đã hỗ trợ, yêu cầu 21 phường thay nhau canh gác ở đó, đến bây giờ vẫn thay nhau trực ngoài đó. Qua nghe ngóng, người dân đã ra đền Sòng Sơn thắp hương, nhưng những người buôn bán nhờ miếu thờ vỉa hè này vẫn chưa thôi đâu. Hiện quận chưa có chỉ đạo khi nào thì chấm dứt việc cắm chốt ở đấy”, ông Tú cho biết.
Theo 24h
Dân xì xụp khấn "miếu vỉa hè" Văn Miếu: Chính quyền và CA nói gì?
Phản ánh những thông tin về việc tồn tại một "miếu vỉa hè" gây mất mĩ quan thành phố và thiếu trang trọng với chính "đối tượng" được thờ (dù chỉ là các nhân vật mơ hồ) đến UBND và Công an Phường Quốc Tử Giám, PV Infonet nhận được rất nhiều ánh nhìn lo lắng, bất an về chuyện tâm linh.
Miếu vỉa hè, nhếch nhác mỗi tối
"Chúng tôi cũng sợ "tâm linh"
Khi nói đến "miếu vỉa hè" tự phát ở góc tường Văn Miếu, một số người làm trong cơ quan công an và UBND cũng tỏ thái độ "lo lắng" bất an. Họ cũng rất muốn làm để đảm bảo mĩ quan thành phố, đảm bảo trật tự giao thông và an toàn xã hội. Nhưng sự việc theo họ là vô cùng khó giải quyết. Khó ở chỗ chuyện tâm linh của người dân, động vào rất dễ sinh chuyện không hay. Nhiều người trả lời thẳng: "Chúng tôi cũng sợ &'tâm linh'".
Ngày 12/07, trao đổi với phóng viên Infonet, Trung tá Mã Đức Tố, Trưởng Công an Phường Quốc Tử Giám cho biết: "Sự việc này đã tồn tại từ lâu, chúng tôi đã cố gắng hết sức để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông mĩ quan đô thị. Nhưng việc này quả là khó vì nó liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng của người dân"
Ông cũng cho hay, việc này đã có chỉ đạo xử lý của UBND Quận Đống Đa. Trước đây công an phường phối hợp với các ban ngành tạo hàng rào chắn vỉa hè để ngăn không cho người dân xâm nhập vào khu vực này để hành lễ nhưng họ vẫn lách vào được. Khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì hàng rào được gỡ bỏ, bây giờ vỉa hè rộng rãi hơn. Ngoài ra cũng có thời điểm cho người chốt chặn 24/24 để vận động khuyên giải người dân không nên cúng lễ ở đây.
Hiện tại phía công an cũng tích cực vận động nhân dân xung quanh không bán hàng mã tràn lan, không tụ tập, ký cam kết nhưng việc này cũng vẫn còn nhiều khó khăn vì những người bán vàng hương, lễ không chỉ có người dân phường Quốc Tử Giám mà còn có cả phường Cát Linh và các phường khác. Người đi lễ thì ở khắp nơi đến.
Ngoài ra, ông Tố cho biết thêm, thường khoảng 1,2 giờ đêm khi lực lượng rút, nhiều đôi trai gái, anh chị "tóc xanh tóc đỏ" đến đó tụ tập lễ bái, việc này khó kiểm soát. Ông cũng thừa nhận: "Nhìn từ góc độ văn hóa, văn minh đô thị thì cũng rất khó coi. Nhưng nó là vấn đề tín ngưỡng, chúng tôi cố gắng làm tốt nhưng khó triệt để ngay được. Nếu là những vấn đề khác mà ảnh hưởng đến trật tự đô thị, mĩ quan thành phố, chúng tôi sẽ làm kiên quyết ngay"
Chỉ có thể làm giảm, không thể triệt để vì đó là... "tín ngưỡng"?
PV tiếp tục sang UBND Phường Quốc Tử Giám, ông Lê Ngọc Tú- Chủ tịch UBND Phường cho biết: "Chúng tôi cũng rất muốn làm triệt để vấn đề này, đã giao cho Công an phường phụ trách giải quyết. Thực tế Công an phường đã mời nhiều người có mặt thường xuyên tại đây, những người bán vàng mã là dân của phường, vận động tuyên truyền cho họ, yêu cầu họ ký cam kết...Tuy chưa triệt để nhưng phải nói đã có phần nào đó giảm đi. Trước hiện tượng đốt vàng mã rất nhiều. Nhưng chúng tôi vận động yêu cầu người bán vàng mã chỉ bán cho họ ít thôi." Ông cũng kể: Trước họ đốt vàng mã nhiều lắm, có người đốt cả cái nhà to bằng cái bàn, lửa cháy đùng đùng rất to. Bây giờ đốt đã ít hơn nhiều. Nhiều người dân lễ họ cũng có ý thức, trước giờ lễ, họ quét dọn rất sạch sẽ mới mang bát hương đặt, giờ khác lại mang ra đặt.
Chủ tịch phường Quốc Tử Giám đang trao đổi với phóng viên Infonet
Kể về sự tích của Miếu hai cô, ông Tú cho biết có rất nhiều lý giải khác nhau vì đó là truyền miệng nhưng chủ yếu dân gian đồn đại nhau nói rằng có 2 cô gái bị tai nạn tàu điện chết ở đây. Sự việc xảy ra từ rất lâu, có ai đó đã tự lập miếu thờ tự phát nhưng khi quy hoạch Văn Miếu, bát hương đó đã được chuyển vào vị trí phía trong cách điểm thờ vỉa hè 20m. Tuy nhiên nhiều người vẫn nghĩ rằng cúng ở bên ngoài linh nghiệm hơn nên họ tự phát lập bát hương.
Xung quanh câu chuyện "miếu hai cô", một người trong UBND phường Quốc Tử Giám (xin giấu tên) kể cho phóng viên nghe về câu chuyện liên quan đến một ông Phó công an phường đã lâu lắm rồi. Hồi đó, ông này vừa chỉ đạo thu giữ bát hương ở đây, một thời gian sau ngẫu nhiên trên địa bàn phường xảy ra trọng án, ông Phó công an phường nọ bị mất chức... Thế nên nhiều người yếu bóng vía đâm ra có tâm lý lo sự "linh ứng" mà ngại ngần khi xử lý triệt để vụ việc...
Ngoài ra, ông Tú cho biết thêm, khu vực này chính Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có ý kiến chỉ đạo với quận xử lý. Quận đã chỉ đạo cho phường làm nhưng việc này rất khó, muốn làm không làm được. Chúng tôi không thể dùng sức mạnh dẹp chuyện tín ngưỡng được, chỉ có thể tuyên truyền vận động làm giảm chứ không thể hết được.
Phóng viên hỏi: "Sao UBND Phường không kiến nghị lên trên để giải quyết tận gốc vấn đề như: xin Thành phố cho một góc trong vườn hoa Văn Miếu để người dân có điểm thờ cúng tín ngưỡng của mình mà cứ để tình trạng như vậy?" Ông Tú thở dài: "Cũng khó anh ạ! Vì khuôn viên Văn Miếu đã quy hoạch ổn định rồi sao có thể mở cửa phụ để cho người dân vào được, rồi vấn đề quản lý ra sao?"
Qua trao đổi với chính quyền và công an phường Quốc Tử Giám, đơn vị trực tiếp quản lý khu vực, chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề nan giải và tồn tại rất lâu mà cấp phường không thể giải quyết được. Nên chăng rất cần có sự can thiệp của thành phố để đảm bảo tình hình an ninh trật tự người dân. Nếu được chính quyền sở tại bố trí một điểm để họ được lễ bái nghiêm trang hoặc chí ít chỉ cần làm một biển với nội dung: "miếu 2 cô chuyển vào trong" và tạo điều kiện để họ lễ bái thì chắc chắn người dân sẽ không đặt miếu ở vỉa hè nữa. Mặt khác cần tuyên truyền vận động người dân để họ hiểu việc thờ cúng phải trang trọng, đảm bảo văn hóa không nên để việc này làm mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, trật tự đô thị và mất an toàn cháy nổ.
Theo Infonet
7 cái chết ở bến đò và lời đồn ma mị rợn người 7 cái chết liên tiếp trong vòng 15 năm với những lời đồn thổi ma mị khiến bến đò Trằm Mé càng "gánh" thêm những điều rùng rợn đến khó tin. Chị Trần Thị Liên, nữ phu đò duy nhất ở bến Trằm Mé Dù biết những câu chuyện kể của người nữ phu đò mang đậm chất hoang đường nhưng không ít...