Hà Nội: Lật tẩy chiêu trò bất ngờ của “bến cóc” nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng
Phát hiện sự có mặt của Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông, một số xe khách chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng chuyên bắt khách dọc đường như Anh Huy Đất Cảng, Ôhô bỏ qua các bến cóc như mọi khi, tìm đủ cách kéo hành khách tới đường dẫn lên đường cao tốc trên cao rồi tiếp tục diễn hành động vi phạm luật.
Bằng nhiều thủ đoạn, một số nhà xe tuyến Hà Nội – Hải Phòng quyết tâm “qua mặt” lực lượng chức năng để bắt khách trái phép dọc đường.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong buổi sáng nay 21/9, lực lượng chức năng gồm TTGT, CSGT đã có mặt tại những điểm đen “bến cóc” trên Đại lộ Thăng Long, đoạn gần tòa nhà Thăng Long Nume Ber One. Đây là “đại bản doanh” hoạt động trái phép của một số nhà xe mang thương hiệu Anh Huy Đất Cảng, Ôhô…
Lực lượng chức năng gồm TTGT, CSGT có mặt tại “bến cóc” mà hàng ngày nhà xe Anh Huy Đất Cảng, Ô hô hay bắt khách.
Thấy bóng lực lượng chức năng, những nhà xe này chủ động không bắt khách tại “bến cóc”. Tuy nhiên, nhân viên của các nhà xe lại dẫn hành khách đến địa điểm mới ở đầu đường nhánh dẫn lên cao tốc trên cao nằm trên đường Khuất Duy Tiến.
Theo quan sát của phóng viên, nhân viên nhà xe ra sức thuyết phục, thậm chí có cả lực lượng xe máy hỗ trợ chuyển khách cùng đồ đạc di chuyển ra khỏi tầm nhìn của lực lượng chức năng.
Nhà xe Anh Huy Đất Cảng sau khi vượt qua đoạn có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ lại tạt lề đường bắt khách như thường.
Các xe khách dừng ở đầu đường nhánh lên cao tốc trên cao khiến giao thông ùn ứ. Không những thế, tài xế còn điều khiển xe sẵn sàng “cắt mặt” các phương tiện tham giao giao thông khác.
Khoảng 11h, xe khách mang biển số xe 29B – 140.91 của nhà xe Anh Huy Đất Cảng ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách ở mép đường Khuất Duy Tiến, sau đó vượt qua nhiều phương tiện đang lưu thông để lên đường cao tốc trên cao.
Video đang HOT
Sau khi “hốt” mẻ khách lớn, chiếc xe khách này cắt đầu hàng loạt phương tiện giao thông khác để lên cao tốc trên cao.
Cũng trong khoảng thời gian này, xe khách mang biển số 15B – 002.36 đề dòng chữ chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội cũng ngang nhiên dừng đỗ, bắt khách ở cùng địa điểm. Không lâu sau, xe khách của nhà xe Ôhô cũng tạt vào đây để đón một nhóm khách khá đông, trước khi chạy lên đường trên cao đi Hải Phòng.
Xe khách của nhà xe Ô hô cũng bắt khách dọc đường sau khi qua chốt của lực lượng chức năng. Đến khoảng 11h30, khi lực lượng chức năng rời đi, các nhà xe lại ngang nhiên đón trả khách tại các “bến cóc” như mọi ngày.
Theo Dân Trí
"Tôi còn muốn tăng hơn nữa thẩm quyền cho Trưởng đặc khu"
"Bàn về đặc khu thì 15 năm nay rồi, vẫn loanh quanh chuyện lo quyền như thế, rất khó. Cá nhân tôi, ở góc độ kinh tế, tôi ủng hộ, thậm chí còn muốn tăng hơn nữa thẩm quyền cho Trưởng đặc khu cơ" - TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói về vấn đề trao quyền lực và kiểm soát quyền lực với người đứng đầu đặc khu kinh tế.
- Dự thảo luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) mới "trình làng" khơi lên cuộc tranh luận sôi nổi về mô hình tổ chức khác biệt tại đặc khu. Có thể hình dung diện mạo, vị trí đặc biệt của đặc khu thế nào, thưa ông?
- Dự thảo luật được xây dựng có những điểm rất khó mà cơ quan soạn thảo đã cố gắng để thể hiện. Theo tinh thần chỉ đạo, đặc khu được xác định là cơ quan hành chính thuộc tỉnh, như thế thì thẩm quyền sẽ vướng "trần" là ông Chủ tịch UBND tỉnh nhưng thật ra, yêu cầu của mô hình này, nhiều khi thẩm quyền của đặc khu còn vượt trên cả tỉnh.
Tôi thì thấy ở đây, mọi con đường đều dẫn đến quyền lực trực tiếp với Thủ tướng vì Thủ tướng là người điều hành, người nắm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu.
PGS.TS.Trần Đình Thiên: "Thiết kế mô hình đặc khu có một hệ thống giám sát dựa trên nền tảng dân chủ, công khai minh bạch là chính".
- Nhiều chuyên gia luật học, nhất là chuyên gia trong ngành luật công, luật về tổ chức bộ máy nhà nước tỏ ra băn khoăn nhiều chính ở việc xác định vị trí của đặc khu kinh tế thuộc tỉnh hay thuộc Trung ương. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Đừng nên suy nghĩ cứng nhắc theo tư duy tổ chức hành chính thông thường là buộc nó phải thuộc gì. Đặc khu là một thứ đặc biệt, có cơ chế quyền lực đặc thù, phù hợp với mục tiêu mà ta muốn nó đạt được. Thiết kế thể chế đó, quan trọng nhất là xác định mục tiêu, làm ra đặc khu định để giải quyết vấn đề gì và muốn đạt được mục tiêu đó thì cần thiết chế như thế nào, cần được trao những quyền lực gì để thực hiện.
Tôi cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất là hoạt động của đặc khu phải tuân thủ, không trái với Hiến pháp là được còn cứ chiếu vào các luật như luật tổ chức chính quyền địa phương rồi cho rằng nó phải như thế này, thế kia mới đúng quy định thì... chết rồi, làm sao mà còn đặc biệt, đặc thù gì được nữa. Cứ lật qua lật lại, lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu.
Quyền lực của người đứng đầu đặc khu thực sự rất lớn, như một Chủ tịch tỉnh độc lập, một thủ trưởng của toàn khu, như mô hình của Macau, Hongkong vậy, Trưởng đặc khu có toàn quyền trong lãnh địa đấy. Phần lãnh địa này chỉ phụ thuộc vào quốc gia ở vấn đề chủ quyền, ngoại giao, an ninh - quốc phòng. Ngoài ra thì nó rất độc lập và khác biệt với các đơn vị hành chính thông thường trong nước.
- Chuyện trao quyền lực vượt trội và kiểm soát quyền lực với người đứng đầu đặc khu cũng là một vấn đề lớn. Với 116 thẩm quyền được trao cho trưởng đặc khu, trong đó tới 77 thẩm quyền thuộc quyền của Thủ tướng, ông nhận xét thế nào?
- Phải nhắc lại là ở đây chúng ta đang muốn tạo ra một thiết chế mới, đặc thù, trao quyền lớn và đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực như Hiến pháp quy định, tức có quyền lực thì phải có giám sát quyền lực.
Thẩm quyền đại thể trao cho Trưởng đặc khu thì thế nhưng quan trọng nhất là thẩm quyền phải đi liền với trách nhiệm, phải có cơ chế để làm sao người này phải chịu trách nhiệm với những việc làm, quyết định của mình. Thiết kế cơ chế chịu trách nhiệm đó như thế nào, bằng giám sát hay bằng công khai minh bạch... thì đó là vấn đề kỹ thuật, cần phải bàn.
- Các phân tích chỉ ra rằng, trong dự thảo luật chưa có một cơ chế giám sát chặt chẽ với Trưởng đặc khu kinh tế. Ông này không phải do HĐND tỉnh bầu ra thì không thể buộc phải chịu trách nhiệm, phải báo cáo hay giải trình trước nhân dân, chính quyền địa phương được?
- Thủ tướng có thẩm quyền bổ nhiệm vậy thì đương nhiên Thủ tướng có thẩm quyền giám sát với ông Trưởng đặc khu rồi. Đó là kênh giám sát trực tiếp. Còn đòi hỏi giám sát từ phía nhân dân là nói theo nguyên lý về tổ chức vì chính quyền là người đại diện cho nhân dân ở địa phương đó.
Tôi thấy cơ quan soạn thảo luật cũng thiết kế thiết chế Hội đồng đặc khu (Hội đồng tư vấn và giám sát) với cơ cấu đặc biệt, có sự tham gia của chính quyền TƯ, chính quyền địa phương, thậm chí nhân dân địa phương (như các nhà đầu tư chiến lược)... để thực hiện thẩm quyền giám sát. Cái này trả lời cho các câu hỏi như cơ quan này có yêu cầu Trưởng đặc khu trả lời chất vấn, yêu cầu giải trình, tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm... được không?
- Nước xa không cứu được lửa gần, Thủ tướng mãi trên Trung ương, Hội đồng đặc khu thì chỉ hoạt động kiêm nhiệm, dễ có khả năng quan liêu. Một số ý kiến cảnh báo đưa ra như đặc khu dễ thành miếng mồi ngon khi việc kiểm soát, giám sát quyền lực không hiệu quả rõ ràng đáng để cân nhắc chứ, thưa ông?
- Tôi muốn có ví dụ cụ thể đi. Nói "miếng mồi" là mồi như thế nào, mồi trong việc gì, hoạt động gì chứ nếu cứ ngồi và tưởng tượng đó là "mồi" thì khó lắm. Tôi trao quyền cho ông thì có nghĩa là ông phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ người giám sát xem ông làm gì rồi.
Tại sao không nói các đơn vị hành chính trong nước không thành miếng mồi, là vì cơ chế ở đây, việc ra quyết định tập thể là nhiều hơn, người đứng đầu không chịu trách nhiệm toàn diện. Còn ở đặc khu kinh tế lại là cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp, phải khác chứ.
Chúng ta cần tin vào một hệ thống dân chủ chứ cứ nghĩ, cứ lo như vậy thì sao làm được. Ta thiết kế mô hình đặc khu để có một hệ thống giám sát dựa trên nền tảng dân chủ, công khai minh bạch là chính. Ta cũng biết cần thiết phải đánh chuột và đánh chuột không dễ, nhất là trong phòng tối, việc đánh chuột càng khó, thậm chí là tự phang vào chân mình nhiều hơn. Nhưng có thể chỉ cần bật đèn trong phòng lên là chuột phải chạy rồi. Nói thế có nghĩa là công khai minh bạch, để ai cũng nhìn thấy cũng là một cơ chế để giám sát tốt.
- Ông đã đề cập đến những ví dụ đã thành công trong tổ chức mô hình đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến, như Tiền Hải (Trung Quốc). Ở đó vấn đề trao quyền lực và kiểm soát quyền lực với đặc khu, người đứng đầu đặc khu đã được xử lý như thế nào, Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng?
- Thực sự là quyền lực hành chính ở đó lớn lắm, cơ chế là tin và giao để người ta làm nhưng có thể uy hiếp, bắt ngay. Đó là kiểu quyền lực độc tài mà trong lúc khốc liệt nhất người ta phải sử dụng đến thiết chế kiểu như thế.
Và cũng có sai phạm ở đó, sai nhiều chứ. Ở Thâm Quyến sau này, những người trong bộ máy hành chính bị bắt, xử lý gần hết. Tốc độ vận hành kiểu 1 ngày thêm một tầng nhà, 3 ngày thêm một con đường được làm xong thì đương nhiên nghĩa là vốn liếng, tiền bạc rơi ra nhiều, "dầu mỡ, mắm muối" cũng phải rơi rớt ra, dễ... dính dớp. Hiện tượng chấm mút cũng nhiều nhưng ở đó, ban đầu người ta cứ để cho làm nhưng sau đó thì lần lượt đi tù, phát hiện chấm mút là đi tù.
Chúng ta đang lo nhiều quá, lo đủ thứ. Theo tôi thì cứ làm đi đã, vận hành thì rồi mới ra vấn đề mà xử lý. Nói bàn về đặc khu thì 15 năm nay rồi, vẫn loanh quanh chuyện lo quyền như thế, rất khó. Cá nhân tôi, ở góc độ kinh tế, tôi ủng hộ, thậm chí còn muốn tăng hơn nữa thẩm quyền cho Trưởng đặc khu cơ. Tôi quan tâm trước hết tinh thần đổi mới, đột phá như thế nào.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
Buộc thôi việc Phó Chủ tịch phường mất liên lạc nhiều ngày UBND quận 1 (TPHCM) vừa quyết định buộc thôi việc ông Nguyễn Chí Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình. Trước đó, quận 1 đã thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý trường hợp ông Việt tự ý bỏ việc nhiều ngày. Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận vừa ký quyết định buộc thôi việc đối...