Hà Nội kiểm tra tòa nhà cao vút, lạc lõng bên Lăng Bác
Đoàn công tác của Sở Xây dựng do Phó Giám đốc Trần Việt Trung dẫn đầu đã xuống làm việc tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực. Lực lượng thanh tra xây dựng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra từng tầng của tòa nhà cao vút, được cho là lạc lõng tại khu Ba Đình.
Tòa nhà 19 tầng tại 8B Lê Trực chỉ cách Lăng Bác khoảng vài trăm mét
Theo thông tin của phóng viên Dân trí, sáng nay (28/9), đoàn công tác liên ngành đã xuống làm việc tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực. Bên ngoài tòa nhà cao lừng lững trên đường Kim Mã – Trần Phú là đoàn xe gắn biển xanh của Bộ, ngành và thành phố Hà Nội.
Đoàn công tác của Sở Xây dựng do Phó Giám đốc Trần Việt Trung dẫn đầu. Lực lượng thanh tra xây dựng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra từng tầng của tòa nhà. Đến gần 12h trưa nay, đoàn kiểm tra vẫn làm việc bên trong tòa nhà cao vút được quây tôn kín mít.
Trao đổi nhanh với PV Dân trí sau cuộc kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung cho biết Sở đang cho cán bộ rà soát, tổng hợp thông tin về việc xây dựng tòa nhà. Không trả lời cụ thể câu hỏi giấy phép xây dựng được duyệt cho phép công trình tại số 8B Lê Trực cao bao nhiêu tầng, ông Trung giải thích Sở cũng đang đợi báo cáo lại.
Trong buổi kiểm tra của Hà Nội hôm nay, chủ đầu tư dự án giải thích vì gấp quá nên họ chưa chuẩn bị kịp tài liệu, hồ sơ nên Sở Xây dựng đã yêu cầu báo cáo lại. Ông Trung thông tin: “Dự kiến vài ngày nữa, chắc khoảng thứ Tư tới, chúng tôi sẽ có buổi làm việc chủ đầu tư”. Theo ông Trung, khâu kiểm tra, giải quyết sự việc này phải tiến hành “từng bước một”.
Ngay trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 7653, UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra về quản lý quy hoạch, kiến trúc của Dự án tại số 8B Lê Trực. Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra về đầu tư xây dựng công trình tại địa điểm trên.
Video đang HOT
Đoàn kiểm tra liên ngành xuống 8B Lê Trực kiểm tra theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội
UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị thành lập tổ công tác liên ngành do Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, cùng lãnh đạo các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Ba Đình, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát về quản lý quy hoạch, kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra, chỉ đạo các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được giao. Các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tham gia tổ công tác liên ngành, chỉ đạo chủ đầu tư chấp hành việc kiểm tra, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và thời gian hoàn thành.
Đặc biệt, văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị tổng hợp kiểm tra, dự thảo văn bản của UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xong trước ngày 29/9.
Cũng trong sáng nay, phóng viên Dân trí đã liên hệ qua điện thoại để đặt lịch làm việc với Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội – Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng – Lê Văn Dục nhưng cả hai ông đều không nhấc máy.
Đại diện Đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình cho biết, trong ngày 28 đã bận trực tiếp làm việc trong tòa nhà 8B Lê Trực nên không tiếp được phóng viên. Một đội phó đội thanh tra quận này hứa trong vài ngày tới sẽ cung cấp thông tin cụ thể công trình 8B Lê Trực.
Vào khoảng 11h cùng ngày, Phóng viên Dân trí liên lạc qua điện thoại với ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô (chủ đầu tư) để xác minh những thông tin liên quan đến dự án 8B Lê Trực, vị giám đốc này cáo bận, sẽ gọi lại sau. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, phóng viên liên lạc lại qua điện thoại, nhưng không thấy ông Hùng nhấc máy.
Ít ngày trước, văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu báo cáo gấp về việc này, ngay trong tháng 9. UBND TP Hà Nội cũng đã “chốt” hạn báo cáo trong ngày 29/9.
Quang Phong – Thế Kha
Theo Dantri
Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo nằm trong danh mục bảo tồn
Cùng với hơn 1.500 biệt thự khác, nhà 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) được phân loại để bảo tồn, mọi hoạt động sửa chữa phải xin phép Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2011, Sở Quy hoạch và kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (ĐH Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố.
Từ kết quả chấm điểm, Hà Nội đưa 1.253 căn vào danh mục thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 và được phân thành 3 nhóm.
Nhóm một gồm 225 căn (được đánh giá từ 70 đến 100 điểm) là những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, các sự kiện chính trị được được xếp hạng theo quy định của pháp luật, các biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc; Nhóm 2 có 382 căn (50-69 điểm) là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm một; chiếm số lượng lớn nhất là nhóm 3 với 646 biệt thự (dưới 50 điểm) không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo thuộc diện không được thay đổi, cơi nới. Ảnh: Giang Huy.
Theo xếp loại trên, 312 biệt thự bị loại bỏ khỏi Quy chế quản lý, sử dụng do không còn giá trị bảo tồn, tôn tạo. UBND thành phố Hà Nội lý giải, những biệt thự đó thuộc diện "đã bị xây dựng mới; bị phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại một phần; biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng; biệt thự xây dựng sau năm 1954; nhà mặt phố trước đây bị xác định nhầm là biệt thự; một số trường hợp bị nhầm địa chỉ".
Biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo nằm trong nhóm 2 (56 điểm). Việc bảo trì căn nhà nếu có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải có sự đồng ý của Sở Quy hoạch và kiến trúc. Với việc cải tạo biệt thự nhóm 2, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao).
Trường hợp đặc biệt phải phá dỡ nhà nhóm 2, ngoài yêu cầu giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc và quy hoạch, nếu biệt thự do Trung ương quản lý, Sở Xây dựng phải kiểm tra báo cáo Bộ Xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận trước khi trình UBND thành phố xem xét. Các trường hợp đặc biệt phải phá dỡ để xây công trình khác theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng thì UBND thành phố quyết định cho phép phá dỡ.
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó giám đốc Tổng công ty Đường sắt (đơn vị trực tiếp quản lý tòa biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo), năm 2008, Tổng công ty đã có kế hoạch di dời các hộ dân sống trong khuôn viên biệt thự và tái định cư tại dự án văn phòng, nhà ở 31 Láng Hạ và đề xuất xây mới khu văn phòng trên đất 107 Trần Hưng Đạo. Nhưng đề xuất trên chưa được thành phố chấp thuận vì căn biệt thự nằm trong danh mục bảo tồn.
Trước đó, ngày 22/9, biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đã bị đổ sập tầng 2 làm 2 người chết và 6 người bị thương. Trên 40 hộ dân sống xung quanh biệt thự đã được di dời tạm cư để đảm bảo an toàn. Nguyên nhân sự cố đang được các cơ quan chức năng điều tra.
Chiều ngày 24/9, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc làm việc, chỉ đạo khắc phục sự cố tại nhà 107 Trần Hưng Đạo. Ông Thảo yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị sử dụng tòa nhà (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) khẩn trương khảo sát, đánh giá chất lượng công trình, ảnh hưởng của sự cố đến các công trình nhà ở còn lại.
Theo đó, nếu các công trình đảm bảo an toàn thì cho phép dân tiếp tục ở, sớm ổn định cuộc sống. Trường hợp không an toàn phải di dời và bố trí tạm cư.
Công an Thành phố Hà Nội được yêu cầu chỉ đạo khẩn trương việc giám định, xác định nguyên nhân tai nạn và xử lý theo quy định.
Ông Thảo cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát toàn bộ các công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp, làm cơ sở đề xuất các giải pháp an toàn cho công trình và người dân.
Võ Hải
Theo VNE
TP.HCM lập quy hoạch tại 79 giao lộ với đường sắt đô thị Ngày 16.9, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan khẩn trương lập thiết kế đô thị riêng tỷ lệ 1/500 tại những giao lộ có ảnh hưởng đến nhà ga các dự án đường sắt đô thị, tổ chức thẩm định kỹ, trình TP phê duyệt. Ảnh minh họa...