Hà Nội kiểm tra các đường dây nóng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện rà soát việc công khai các số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc.
Các địa chỉ này được xem là nơi để tiếp nhận góp ý về quy trình, thủ tục hành chính; tiếp nhận thông tin phản ánh về tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Đây là động thái nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính và giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc.
Từ năm 2006, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp triển khai lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết nhanh các phản ánh, kiến nghị của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính; về thái độ, hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Theo ANTD
Sửa luật đất đai: Để người dân không bị thiệt thòi
Ngày 24-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN-MT đã lấy ý kiến các Đoàn ĐBQH trên toàn quốc về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ĐBQH cho rằng, phải điều chỉnh cơ chế giá bồi thường để người dân không còn phải chịu thiệt khi bị thu hồi đất.
Nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Theo bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Bình Định, giá bồi thường luôn thấp hơn giá thị trường nên dễ gây bức xúc cho người bị thu hồi đất. Bà nói: "Sửa luật phải rất lưu ý vấn đề này. Phải tính toán mọi yếu tố trong thu hồi đất để người dân không bị thiệt thòi...".
ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) kiến nghị, thu hồi đất phục vụ dự án kinh tế - xã hội nên áp dụng cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân về mức bồi thường. Chỉ có như vậy mới hạn chế được xung đột lợi ích giữa người bị thu hồi đất với chủ đầu tư.
Cũng liên quan tới tài chính đất đai, đại diện tỉnh Khánh Hòa cho rằng, linh hồn của Luật Đất đai là giá đất. Mọi tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà, sách nhiễu... đều từ giá đất mà ra. Ông này kiến nghị: "Chỉ nên áp dụng cơ chế một giá đất. Nếu cứ tiếp tục cơ chế hai giá đất, không thể biết khi nào thì giá thị trường, khi nào áp giá Nhà nước." Nhiều ý kiến cho rằng, phải có quy định về cơ quan định giá đất độc lập, không thuộc bộ máy Nhà nước, mới có thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Mang tới nghị trường nỗi bức xúc của người dân sống trong vùng quy hoạch "treo", dự án "treo", Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thành Lập nói, Nhà nước phải có chính sách bảo vệ quyền lợi của người dân sống trong các khu vực đó. Ông thẳng thắn: "Nhiều khu nằm ỳ tới 30-40 năm, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân. Không được cấp "sổ đỏ", xin sửa chữa cũng không được, không cải tạo, nâng cấp được nhà. Không thể để dân khổ như vậy, phải điều chỉnh chỗ này để đảm bảo quyền lợi người dân".
Để ngăn chặn dự án "treo", ông Huỳnh Thành Lập kiến nghị: "Bắt buộc các doanh nghiệp khi muốn xem xét được giao đất dự án phải ký quỹ, có ngân hàng bảo lãnh để chứng minh năng lực tài chính, hạn chế tới mức thấp nhất dự án "ôm" đất rồi bỏ hoang tràn lan, vừa khổ dân, vừa gây lãng phí lớn như hiện nay." Cũng bức xúc với tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo", ĐBQH Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) lên tiếng: "Phải có cơ chế tài chính để xử lý vấn đề này. Tôi đồng tình đánh thuế lũy tiến dự án "treo". Nếu sau 24 tháng bị đánh thuế mà dự án vẫn "treo" thì phải thu hồi ngay. Tất nhiên, nếu nhà đầu tư chứng minh được dự án chậm do lỗi của chính quyền thì sẽ không phải chịu thuế".
Theo ANTD
Không để lặp lại sai phạm Hà Nội chọn năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương. Lãnh đạo TP đã tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà. TP sẽ thể hiện quyết tâm cao trong việc chấn chỉnh kỷ cương ngay trong những ngày làm việc đầu tiên...