Hà Nội: Khống chế sởi ngay trong tháng 4
Cuối buổi chiều 16-4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn với tất cả các quận/huyện để nghe báo cáo và tìm giải pháp phòng chống dịch sởi. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, so với cả nước, số bệnh nhân sởi của Hà Nội chiếm đến 30%, đặc biệt số tử vong chiếm đến gần 60% tổng số ca tử vong do sởi (14/25 trường hợp).
Trước diễn biến trên, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thẳng thắn chỉ ra, cần phải có sự chuyển biến ngay trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch sởi, bởi rõ ràng những giải pháp mà các sở ngành của thành phố triển khai thời gian vừa qua là chưa hiệu quả. Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thành phố đặt mục tiêu phải ngăn chặn, khống chế dịch sởi ngay trong tháng 4 này, không để phát triển thêm, hạn chế tối đa số ca tử vong mới. Để làm được, ngoài các giải pháp cũ cần tiếp tục tăng cường các biện pháp mới, trong đó tập trung trọng điểm vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng.
Theo ANTD
Bộ Y tế bác thông tin hàng trăm trẻ tử vong do sởi
Những ngày gần đây, sau khi Bộ Y tế công bố có 25 ca tử vong do sởi, trên các diễn đàn mạng xã hội và một số nguồn tin không chính thức từ các bệnh viện tiết lộ, số ca tử vong do sởi có thể đã lên đến hàng trăm trường hợp. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã trả lời phỏng vấn báo chí về diễn biến dịch bệnh này.
Video đang HOT
Số ca biến chứng nặng do sởi năm nay tăng cao
- PV: Mới đây Bộ Y tế công bố số ca mắc sởi ở vụ dịch năm nay thấp hơn so với vụ dịch 2009-2010, vậy tại sao một số bệnh viện lại có lượng bệnh nhân sởi nhập viện tăng cao nhất trong hàng chục năm qua?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Đến thời điểm này, số ca mắc sởi ở vụ dịch năm nay vẫn thấp hơn vụ dịch sởi năm 2009-2010 khoảng gần 2.000 trường hợp. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân lại tăng cao cục bộ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Theo thông tin tôi nhận được, tại các bệnh viện của các tỉnh lân cận Hà Nội không có hoặc có rất ít bệnh nhân sởi. Số liệu theo dõi của chúng tôi cho thấy có rất nhiều trẻ vào thẳng bệnh viện tuyến Trung ương, gây ra tình trạng quá tải cục bộ. Năm nay, do bệnh sởi xảy ra cùng lúc với thời điểm bệnh nhân viêm phổi nhập viện cao nên số bệnh nhân nặng cũng nhiều hơn.
- Ông lý giải thế nào về việc số ca sởi gặp biến chứng nặng ở vụ dịch năm nay tăng cao bất thường?
- Phần lớn những bệnh nhân sởi nặng năm nay là do có bệnh lý ở phổi hoặc bị biến chứng viêm phổi sau sởi và các biến chứng khác của sởi. Cách đây gần một tháng, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế đã họp, đưa ra kết luận là chưa cần sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Song trước tình hình số ca biến chứng nặng tăng cao, Hội đồng vừa tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị cũng như tìm giải pháp điều trị tốt hơn.
- Bộ Y tế công bố từ đầu năm đến nay có 25 ca sởi tử vong, song theo thông tin từ phía các bệnh viện và từ dư luận thì con số này thực tế cao gấp nhiều lần, ông giải thích thế nào về độ "vênh" số liệu như vậy?
- 25 ca tử vong mà Bộ Y tế công bố là các trường hợp đã được khẳng định tử vong do biến chứng của sởi. Còn trên thực tế, tại các bệnh viện có thể có những trường hợp bệnh nhân tử vong do những nguyên nhân khác bao gồm cả bệnh nhân vừa mắc đồng thời sởi và bệnh lý khác. Một vấn đề cũng cần xem xét là thời điểm hiện tại có nhiều dịch bệnh song hành, nhất là các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi ở trẻ em có nhiều triệu chứng tương tự như bệnh sởi và cũng có thể là biến chứng của bệnh sởi.
- Cả 25 ca tử vong do sởi đều tập trung ở miền Bắc, điều này có gì đáng chú ý?
- Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đang băn khoăn. Chúng tôi đang phân tích thêm xem liệu sự khác biệt về thời tiết giữa hai miền Nam - Bắc trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng đến mức độ nặng của sởi, hoặc có vấn đề nguyên nhân khác liên quan ở khu vực miền Bắc hay không. Hiện tại, các nghiên cứu về virus sởi trong nước vẫn chưa phát hiện virus có biến đổi về gen và độc lực. Do đó, theo tôi việc xác định nguyên nhân là rất cần thiết và việc công bố số liệu cũng phải hết sức khoa học và chính xác để tránh gây hoang mang cho người dân.
- Bộ Y tế không công bố dịch sởi, điều này có khiến hiệu quả của công tác phòng chống dịch sởi giảm đi?
- Hiện nay tại các địa phương, dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Còn việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi, đồng thời tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vaccine sởi nhằm kiểm soát hoàn toàn một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.
Tránh lây chéo trong bệnh viện
Cục Y tế dự phòng cho biết, nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao, gần như 100%. Vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó, trong đó có cả mắc sởi, nên khám trước ở tuyến cơ sở chứ không nên đi thẳng lên bệnh viện Nhi Trung ương - nơi đang quá tải bệnh nhân sởi, để tránh bị lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên trong khả năng điều trị của mình.
Hạn chế thấp nhất số trẻ tử vong
Trước diễn biến bất thường của dịch sởi, chiều 15-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp tới Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến giường bệnh thăm các bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Hồi sức của BV Nhi Trung ương, chứng kiến nhiều bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 và nhiều cháu phải thở máy do suy hô hấp nặng. Trước tình hình nghiêm trọng của bệnh sởi, Phó Thủ tướng chỉ đạo các BV và Bộ Y tế cần truy tìm nguyên nhân khiến bệnh sởi có những diễn biến bất thường so với mọi năm, đồng thời, đưa ra cách ứng phó, chặn đứng dịch bệnh và hạn chế thấp nhất số trẻ tử vong do sởi.
Phó Thủ tướng khẳng định, không để bệnh nhi thiếu thuốc điều trị, sẽ tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế từ nguồn dự trữ quốc gia trên cơ sở đề xuất của BV Nhi Trung ương cho điều trị cứu chữa cho bệnh nhi.
Theo ANTD
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về cách dập dịch sởi Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, muốn dập, đối phó với dịch sởi cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị; không ngần ngại công bố khi đã có dịch và cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha mẹ có trẻ nhỏ...