Hà Nội: Hơn 64 tỷ đồng để xén mở rộng đường Láng đoạn Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở
Chiều ngày 8/1, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xén mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở với tổng mức đầu tư trên 64,3 tỷ đồng, trong đó có việc chặt hạ, đánh chuyển gần 500 cây xanh trong phạm vi thực hiện dự án ở khu vực này.
Hà Nội sẽ tiến hành xén vỉa hè đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở (đường Láng), tổng chiều dài là 4km, để giảm ùn tắc. Ảnh: internet
Theo đó, tuyến đường có điểm đầu là Cầu Giấy và điểm cuối là Ngã Tư Sở với tổng chiều dài khoảng 4km. Trên cơ sở mặt đường hiện trạng, đơn vị thi công xén hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m, xây mới vỉa hè 1,5m tiếp giáp phần xe chạy và di dời, bảo vệ các công trình ngầm nổi trên đoạn tuyến nhằm bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho đoạn tuyến.
Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ di dời 3 công trình gây ùn tắc giao thông trong phạm vi xén mở rộng mặt đường bao gồm: công trình cây xăng dầu 361, công trình đội ứng trực xử lý thoát nước, công trình chợ tạm Ngã Tư Sở và một số nhà vệ sinh công cộng.
Riêng vị trí miếu Đôi Cô Cửa Sông sẽ không di dời mà tổ chức xén mở rộng vào dải phân cách giữa, di chuyển cây xanh trong phạm vi xén.
Video đang HOT
Đặc biệt, công tác di chuyển cây xanh trong phạm vi chiếm dụng của công trình đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định, thống nhất báo cáo UBND thành phố phương án thực hiện với 476 cây xanh các loại. Trong đó, đơn vị thi công sẽ dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, sâu gốc, nghiêng, cong phát triển không bình thường, cây đã chết…).
Cụ thể, số cây bóng mát trên dải phân cách giữa tuyến đường là 18 cây (dịch chuyển 11 cây, chặt hạ 7 cây). Số cây bóng mát nằm trên vỉa hè phải xén mở rộng lòng đường là 344 cây (dịch chuyển 322 cây, chặt hạ 22 cây). Số cây bóng mát nằm trên phần thi công đường đi bộ và xe đạp giáp bờ sông Tô Lịch là 66 cây (dịch chuyển 16 cây, chặt hạ 50 cây). Số cây bóng mát năm trên dải đất còn lại là 48 cây (dịch chuyển 22 cây, chặt hạ 26 cây). Các cây bóng mát thuộc phạm vi thi công dự án dự kiến chuyển về trồng cố định và chăm sóc tại ô đất trông thuộc nút giao Đại lộ Thăng Long với tỉnh lộ 70 thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Hiện Sở Giao Thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị thi công tập trung máy móc, thiết bị thi công, nhân công, vật liệu…chia làm 4 mũi thi công để phấn đấu triển khai hoàn thành cơ bản các hạng mục dự án xén mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Theo HQ Online
Chống ùn tắc tại Hà Nội: Dời cây, xén dải phân cách hàng loạt tuyến đường
Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 sẽ hoàn thiện việc xén dải phân cách giữa đường và vỉa hè để mở rộng 4 tuyến đường nhằm giải quyết ùn tắc giao thông với tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng dự kiến xén dải phân cách hơn 8 km với chi phí khoảng 100 tỷ đồng và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019
Nỗ lực giảm ùn tắc giao thông
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có xén dải phân cách, mở rộng mặt đường trên một số tuyến phố như Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. Kết quả bước đầu đã khắc phục được tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Mới đây, UBND thành phố đã cho phép triển khai thực hiện xén dải phân cách trên nhiều tuyến phố, trong đó có tuyến đường vành đai 2 và 3.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội sẽ cho xén dải phân cách, mở rộng mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3,22 km, điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến; điểm cuối tại nút giao Mai Dịch. Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường, đảm bảo phần xe chạy mỗi hướng chiều rộng khoảng 17 m với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.
Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân có chiều dài 1,895km, điểm đầu tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; điểm cuối tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Theo đó, dải phân cách giữa sẽ bị xén đều mỗi bên từ 1 - 5 m để bảo đảm bề rộng phần xe chạy mỗi hướng rộng từ 12 - 20 m.
Cùng với đó, dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân có tổng chiều dài hơn 3,16km; điểm đầu tuyến thuộc Cầu Dậu, điểm cuối tuyến thuộc nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Sau khi xén, bề rộng phần xe chạy mỗi hướng sẽ rộng khoảng 17m, chiều rộng dải phân cách là 18m.
Dự án xén hè mở rộng mặt đường trên tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, tổng chiều dài là 4km; điểm đầu tuyến là Cầu Giấy; điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở. Hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở sẽ được xén để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông Tô Lịch.
Để thực hiện dự án này, sẽ phải di chuyển 476 cây xanh các loại, trong đó dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (cây chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, nghiêng, cong queo phát triển không bình thường hoặc cây đã chết), với tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng.
Hiện tại, cả 4 dự án xén dải phân cách, vỉa hè để mở rộng đường vành đai 2, vành đai 3 đều đã được thi công đồng loạt.
Việc xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh trước đó đã đem lại hiệu quả trong việc chống ùn tắc
Bảo đảm cảnh quan
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, một trong những vấn đề nóng của Hà Nội là ùn tắc giao thông trong đó có một số nguyên nhân như phương tiện giao thông tăng quá nhanh, ý thức người tham gia giao thông, thiếu hệ thống mạng lưới đường. Thông thường một đô thị phải dành 20 đến 25% diện tích đất tự nhiên cho giao thông nhưng tỉ lệ này của Hà Nội chỉ đạt được khoảng 10%.
Mặc dù Hà Nội đã rất cố gắng trong việc giải tỏa áp lực giao thông như mở đường trên cao, hoàn thiện các mạng đường... nhưng ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên và có dấu hiệu ngày càng trầm trọng. Một trong số giải pháp cho tình trạng này là cải tạo lại các trục đường cũ trong đó có việc tổ chức lại luồng giao thông trên các trục đường chính, các trục xuyên tâm nối vào trung tâm thành phố. Đây là một yêu cầu, thực tiễn mà có khả năng giải quyết được.
Bà Trần Thị Lan trú tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc mở rộng đường vành đai 3 là cần thiết, bởi thời gian qua tình trạng ùn tắc triền miên không kể giờ cao điểm diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Hoan nghênh giải pháp cắt xén dải phân cách để giải quyết "vấn nạn" ùn tắc giao thông, song nhiều người cũng cho rằng, việc duy trì dải phân cách một cách hợp lý không chỉ tạo luồng giao thông thuận lợi, mà còn liên quan đến cảnh quan môi trường, nhất là việc trồng cây xanh, thảm cỏ, bù đắp cho những khu vực đã bị giải tỏa phục vụ giao thông.
Đăng Chung
Theo GD&TĐ
Hà Nội xén 8 km dải phân cách vành đai 3 để chống ùn tắc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ hoàn thiện việc xén dải phân cách dài hơn 8 km với chi phí khoảng 61 tỷ đồng. Để giải quyết tình trạng ùn tắc trên trục vành đai 3, đặc biệt là các khung giờ cao điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bắt đầu rào chắn để phục vụ thi công...