Hà Nội: Hàng loạt dự án “thất lạc” chủ đầu tư, ai chịu trách nhiệm?
Sau khi có chứng nhận đầu tư, được giao đất, các chủ đầu tư không liên hệ để tiến hành các thủ tục triển khai dự án. Nhiều khu “đất vàng” trở thành bãi rác, ruộng rau, các công trình sử dụng sai mục đích.
Trường học, bệnh viện, nhà ở chỉ “xây” trên giấy
Dự án Khu nhà ở kinh doanh có diện tích 12.283m2 nằm tại khu Đầm Liễng, phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Mặt phía Đông Nam dự án giáp đường vành đai 3, phía Đông Bắc giáp đường quy hoạch và Khu đô thị mới C2.
Ngày 21/9/2011, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 8057/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Á Đại Thành làm chủ đầu tư dự án. Tiến độ thực hiện dự án là vào quý III/2011 đến quý II/2014.
Sau đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND quận Hoàng Mai cũng đã ra các văn bản xác nhận quy hoạch mặt bằng xây dựng của dự án. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, chủ đầu tư liền “biến mất” không liên hệ với chính quyền địa phương làm các thủ tục triển khai dự án.
Mặt giáp vành đai 3 của dự án Khu nhà ở kinh doanh tại Đầm Liễng trở thành bãi đỗ xe. (Ảnh: TP)
Hiện trạng dự án Khu nhà ở kinh doanh vẫn là một bãi đất trống quây tôn tạm bợ cỏ cây mọc um tùm. Phía bên trong khu vực dự án có một số xe cẩu, máy xúc im lìm không hoạt động, bên cạnh đó là một khoảng diện tích ao rộng chưa san lấp phủ kín bèo. Nhìn từ đường vành đai 3 vào bên trong, một khoảng đất dự án có dấu hiệu sử dụng sai mục đích khi được sử dụng để đỗ các xe ô tô, xe tải.
Cùng trên địa bàn phường Yên Sở, dự án xây dựng Trường huấn luyện, đào tạo nhân viên, dịch vụ bảo vệ do Cty cổ phẩn Dịch vụ bảo vệ Việt Nam làm chủ đầu tư cũng trong tình trạng tương tự.
Được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 5471/QĐ-UBND từ ngày 22/10/2009 về việc thu hồi 10.679m2 đất cho Cty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Việt Nam thuê để triển khai dự án.
Sau 10 năm có quyết định, chủ đầu tư vẫn “im hơi lặng tiếng” không có động thái triển khai. Diện tích dự án vẫn chủ yếu được người dân xung quanh tận dụng trồng rau, phía mặt tiền đường Tam Trinh được xây dựng các nhà kho, xưởng tạm bợ, nhếch nhác.
Không chỉ tại phường Yên Sở, trên toàn quận Hoàng Mai có rất nhiều dự án bị chủ đầu tư “đem con bỏ chợ” khiến các diện tích đất hoang hóa, trở thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Dự án xây dựng Trường huấn luyện, đào tạo nhân viên, dịch vụ bảo vệ được người dân tận dụng trồng rau. (Ảnh: TP)
Bên cạnh đó, một số dự án bệnh viện, trường học không được triển khai khiến nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân bị ảnh hưởng. Dự án đầu tư xây dựng trường Mầm non khu đô thị Đồng Tầu tại ô đất ký hiệu B8-NT, khu di dân Đồng Tàu phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai là một ví dụ điển hình.
Video đang HOT
Dự án được UBND thành phố phê duyệt theo quyết định số 366 ngày 16/01/2012 với tổng diện tích: 3069m2. Theo phản ánh của người dân, dự án sau đó trở thành sân bóng và nhiều năm trở lại đây thì được quây kín, bỏ hoang.
Cũng theo thông tin từ phía người dân, 7 năm trước, biết tin có Dự án xây dựng trường học, mọi người đều vui mừng, nhưng nay chỉ là sự thất vọng. Người dân xung quanh phải đem con đi học ở các trường tư nhỏ lẻ tại các điểm xung quanh khu vực.
Nhiều năm trở lại đây, dự án trường Mầm non khu đô thị Đồng Tầu trở thành bãi đất cỏ cây mọc um tùm. (Ảnh: TP)
Ngoài ra, các dự án như Bệnh viện kính mắt Hà Nội (phường Hoàng Văn Thụ), dự án Trường mầm non Thần Đồng (khu đô thị mới Tây Nam, hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt)… là các dự án xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai được quy hoạch, phê duyệt xong rồi nằm im trên giấy gây nhức nhối dư luận.
Chủ đầu tư không liên hệ, chính quyền bó tay?
Việc các dự án xây dựng bị bỏ hoang khiến cảnh quan đô thị các phường thuộc quận Hoàng Mai trở nên nhếch nhác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường. Tuy việc bỏ trống các khu đất gây lãng phí, dẫn đến nhiều vấn đề an sinh xã hội như vậy nhưng việc chủ đầu tư không hợp tác gây nhiều khó khăn cho việc xử lý của các cấp chính quyền.
Theo ông Nguyễn Quốc Quyết, chủ tịch UBND phường Yên Sở, việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án gây lãng phí và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tuy nhiên, chính quyền cấp cơ sở cũng không thể can thiệp được nhiều.
“Dự án Khu nhà ở kinh doanh tại khu Đầm Liễng đã được UBND quận Hoàng Mai bàn giao cho chủ đầu tư từ tháng 1/2014. Từ đó trở đi, chủ đầu tư vẫn để đất trống chưa thi công hạng mục gì. UBND phường Yên Sở đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở CĐT sau khi giải phóng mặt bằng xong cần phải lên sở Tài nguyên và Môi trường làm việc để cắm mốc giới nhưng chủ đầu tư không có hồi âm.
Dự án xây dựng Trường huấn luyện, đào tạo nhân viên, dịch vụ bảo vệ cũng đã được điều tra kê khai từ năm 2009, tuy nhiên từ đó đến nay chủ đầu tư cũng không triển khai gì. Khu vực dự án được người dân tận dụng trồng rau, cây ngắn ngày.” – Ông Quyết thông tin.
Cũng theo thông tin từ ông Quyết, các phường thuộc quận Hoàng Mai, có nhiều diện tích đất nông nghiệp, việc các dự án kê khai xong để đấy, chủ đầu tư không liên hệ để giải phóng mặt bằng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.
Dân cư tại các dự án “treo” chỉ có thể trồng rau, hoa màu ngắn ngày chứ không thể đầu tư trồng các cây dài ngày, các loại đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn.
“Theo tôi, các cơ quan của thành phố cần phải trả lời việc vì sao các chủ đầu tư không liên hệ thông báo lý do vì sao dự án bị chậm. Cần khống chế thời gian từ lúc thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành, tránh tình trạng các dự án bỏ không gây lãng phí và ảnh hưởng đời sống người dân như hiện nay” – ông Quyết nói.
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công khai danh sách 16 dự án bất động sản thuộc 12 quận, huyện bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai trên địa bàn.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với tổng số 383 dự án trên địa bàn Thành phố đang chậm tiến độ. Cần có những hành động quyết liệt hơn của chính quyền các cấp để xóa bỏ các dự án treo lơ lửng đang làm khổ người dân.
Theo Danviet
Dự án KĐT Hà Nội Westgate bỏ hoang hơn 10 năm, kho xưởng "mọc" tràn lan
Dự án do Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate làm chủ đầu tư hiện vẫn là một bãi đất trống cây cỏ mọc tùm lum, xuất hiện các công trình có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.
Dự án chậm GPMB, đất sử dụng sai mục đích
Khu đô thị Hà Nội Westgate (tên cũ là khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao Công ty cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 03/7/2008.
Dự án có quy mô diện tích khoảng 44,4 ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai. Mặc dù chủ đầu tư đã được bàn giao đất từ năm 2008 nhưng đến tháng 5/2019, dự án vẫn đang trong tình trạng bị "bỏ hoang", cây cối, cỏ dại mọc um tùm một số diện tích được người dân địa phương tận dụng để trồng lúa, chăn bò.
Khu vực dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate mặt giáp với Đại lộ Thăng Long được quây tôn tạm bợ một phần.
Toàn cảnh dự án có vị trí "vàng" đã bị bỏ hoang 10 năm (Ảnh: PV)
Khu vực mặt tiếp giáp với Đại lộ Thăng Long của dự án được quây tôn một phần, dưới tấm biển bản vẽ Quy hoạch dự án, la liệt các ngôi mộ chưa giải tỏa, các khối bê tông, vật liệu xây dựng của một cơ sở kinh doanh được xếp tràn ra phía mặt đường đại lộ.
Dọc đường phố Huyện, hướng đi vào từ Đại lộ Thăng Long đến khu vực đình làng, sân bóng thôn Ngô Sài hàng loạt nhà kho, xưởng sản xuất mọc lên trên khu vực đất dự án.
Các xe tải chở hàng hoạt động rầm rộ, di chuyển ra vào khu vực nhà kho, xưởng với tần suất lớn. Bên cạnh đó, khu vực này cũng xuất hiện những công trình kiên cố cao tầng.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai, hiện tại khu vực dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate thuộc địa bàn thị trấn còn 103 ngôi mộ chưa di chuyển, 34 hộ có có tài sản, vật kiến trúc chưa lập kế hoạch bồi thường và 21 hộ có đất nông nghiệp chưa trình kế hoạch thu hồi đất.
Tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao là 133.759 m2 tương đương 75,3% diện tích dự án nằm trên khu vực thị trấn Quốc Oai. Tuy diện tích chưa bàn giao không nhiều nhưng trải qua nhiều năm, phía chủ đầu tư vẫn "án binh bất động" không thúc đẩy GPMB để tiến hành triển khai dự án.
Con đường phố Huyện từ Đại lộ Thăng Long vào thôn Ngô Sài, các công trình nhà kho, xưởng, gara, cửa hàng... "mọc" tràn lan, hoạt động rầm rộ. (Ảnh: PV)
Cũng theo ông Đức, những nhà kho, xưởng xuất hiện trên khu vực đất dự án đã xuất hiện từ trước năm 2015. Khi có những trường hợp làm kho xưởng trên đất dự án, UBND thị trấn Quốc Oai đã báo cáo ban giải phóng mặt bằng huyện Quốc Oai và chủ đầu tư. Sau đó UBND huyện Quốc Oai và chủ đầu tư cũng không có động thái trong việc giữ đất và đảm bảo sử dụng đúng mục đích.
"Việc chủ đầu tư được giao đất nhưng để đất bị lấn chiếm là vi phạm các quy định của Luật đất đai. Tôi nghĩ khả năng chủ đầu tư cho người dân mượn không đất để phục vụ mục đích kinh doanh là thấp" - ông Đức nói.
Dự án chậm triển khai, địa phương đã nhiều lần phản ánh, các kỳ họp hội đồng nhân dân và tiếp xúc cử tri bà con cũng đã có ý kiến. Chính quyền cơ sở chỉ mong muốn dự án sớm được triển khai để quỹ đất đã giải phóng mặt bằng đỡ hoang hoá, ông Đức thông tin thêm.
Về việc dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate chậm triển khai, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch xã Ngọc Mỹ cung cấp thông tin, từ trước năm 2016, trên diện tích đất dự án thuộc địa bàn xã có khoảng 10 ha bị bỏ hoang chưa san lấp, người dân vẫn thường xuyên canh tác lúa, trồng cây.
"Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn 5 hộ có diện tích đất thuộc dự án chưa GPMB, nhiều khu vực đất bỏ không được người dân tận dụng để trồng trọt. Việc dự án lấy đất, trong đó có cả những khu vực đất nông nghiệp đang canh tác xong không triển khai nhìn về mọi mặt đều là rất lãng phí" - Ông Dũng nói.
Vì sao địa phương không đề xuất phương án xử lý?
Ngày 31/10/2013, UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011022002140 cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment (Hà Nội) Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate.
Ngay tại khu vực cổng vào có biển bản vẽ quy hoạch dự án vẫn la liệt các ngôi mộ và khối bê tông của một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. (Ảnh: PV)
Được biết, tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay dự án vẫn là một bãi đất trống, không tiến hành triển khai thực hiện dù đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 41ha (trong tổng diện tích đất được giao là 44,4ha).
Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 948/TB-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh theo hướng kéo dài thêm 5 năm.
Cụ thể, dự án tiến hành thi công xây dựng từ quý IV/2018 và đưa công trình khai thác vào quý IV/2023. Tuy nhiên, hiện trạng dự án chỉ là bãi đất "bỏ hoang" không có máy móc, trang thiết bị phục vụ việc thi công, giải phóng mặt bằng.
Trong báo cáo số 57 của HĐND thành phố Hà Nội (ngày 17/7/2018) về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate cũng nằm trong số 400 dự án rà soát có vi phạm. Cụ thể, dự án thuộc hạng mục chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chậm triển khai.
Đáng chú ý, trong báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về vi phạm của dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate phần ghi chú có nêu "địa phương không đề xuất phương án xử lý". Điều này dấy lên trong dư luận xã hội câu hỏi: Liệu có phải chính quyền huyện Quốc Oai đang dành sự ưu tiên nhất định cho doanh nghiệp đầu tư dự án?
Theo Danviet
7 tỉnh thành, 1.500 dự án chậm, lãng phí 20.000 ha đất Số đất bỏ hoang, lãng phí đó thậm chí còn chưa tính tới 98 dự án tại Hà Nội chưa tổng hợp được diện tích. Thông tin được Bộ Tài nguyên - Môi trường cung cấp khi trả lời kiến nghị của cử tri. Cụ thể, cử tri tỉnh Ninh Bình phản ánh tình trạng doanh nghiệp lập dự án, nhận đất nhưng...