Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân không phải để làm khó dân
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội): Hạn chế phương tiện cá nhân là để phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn cho người dân.
Liên quan đến đề án hạn chế phương tiện cá nhân của TP Hà Nội, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng: Chúng ta cần phải làm có lộ trình đi đôi với việc thay đổi thói quen của người dân thì mới thực sự có hiệu quả
PV: Thưa ông, vừa qua cử tri rất quan tâm đến đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông ở Thủ đô, quan điểm của ông về đề án này?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Xu thế chung của các nước là hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông. Phương hướng của Hà Nội là sẽ hạn chế xe máy, tuy nhiên, thành phố đã đặt ra lộ trình phù hợp kèm theo đó là các điều kiện cụ thể.
Hạn chế phương tiện cá nhân là để phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn cho người dân. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là hạn chế xe máy nhưng thành phố tìm các giải pháp để tăng cường hệ thống giao thông công cộng.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội): Về hạn chế phương tiện cá nhân, TP đã có tính toán kỹ về lộ trình, các mục đích ưu tiên.
PV: Có ý kiến cho rằng việc áp dụng đề án này vào năm 2020 là sớm, theo ông, TP cần có những chuẩn bị gì cho đề án này?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, thành phố cần thông tin sớm để người dân định hình, tính toán mua sắm phương tiện, nếu không có thể sẽ dẫn đến cú sốc cho người dân. Thành phố đã có tính toán kỹ về lộ trình, các mục đích ưu tiên.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu từ quy hoạch, khi quy hoạch tốt thì chúng ta sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư cộng với đó là sẽ thiết kế các mô hình để người dân thay đổi thói quen, không phải là bài toán quá khó khăn. Bên cạnh đó, tôi được biết là trong các chương trình nghị sự của lãnh đạo thành phố đang rất quan tâm tìm kiếm các hình thức đường sá giao thông phi cơ giới, nhất là tàu điện ngầm, đường sắt trên cao.
Trong định hướng và thực hiện xây dựng hạ tầng gần đây, thành phố rất quan tâm đến vỉa hè. Thành phố sẽ tìm kiếm các giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, hiện đại hơn. Có những nước người ta định hướng giao thông 300 năm vẫn phù hợp.
Video đang HOT
PV: Cùng với việc hạn chế phương tiện cá nhân, thành phố sẽ phát triển phương tiện công cộng thế nào để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, cùng với đó là hệ thống xe buýt, ngay cả tàu điện ngầm, đường sắt trên cao nhiều nước người ta cũng tính đến hai ba tầng.
Tất nhiên Hà Nội cần nguồn kinh phí rất lớn, tôi cho rằng rất cần chia sẻ của Trung ương và xã hội hoá mới có thể thực hiện được việc hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài vốn ngân sách, TP sẽ huy động xã hội hoá, khi có nhiều chủ thể xã hội hoá với nguồn vốn lớn thì có thể thực hiện được lộ trình này.
Tôi nghĩ rằng nguồn lực trong dân, doanh nghiệp rất lớn, vấn đề bây giờ là cách huy động. Ngay cả đầu tư công cũng vậy, nguồn lực của mình rất nhiều, nhưng việc chính là khơi thông để doanh nghiệp có lãi, có lợi nhuận khi người ta tham gia những chương trình như vậy cộng với những yêu cầu về khoa học, công nghệ mới sẽ giảm bớt những áp lực
PV: Khi hạn chế phương tiện cá nhân, làm thế nào để người dân, công chức có thói quen đi bộ, đi xe đạp đến công sở?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Việc xây dựng hệ thống đường sá, vỉa hè để giúp người dân thói quen đi bộ vừa tốt cho sức khoẻ vừa không tốn kém, đây cũng là hình thức “xã hội hoá giao thông”, tức là người dân tiết kiệm cho bản thân, tiết kiệm cho xã hội, tốt cho sức khoẻ, có thể phát động phong trào để người dân đi bộ đi làm, cán bộ công chức đi bộ đến công sở. Trong định hướng tương lai, Hà Nội phải có định hướng bảo vệ và làm tốt những con đường phục vụ đi bộ, xe đạp.
Hà Nội sẽ có những giải pháp hết sức đồng bộ từ quy hoạch để xây dựng hạ tầng, nhưng một trong những cách là đi bộ, ở những nước châu Âu có những đoạn đường có hàng vạn người đi bộ. Bước đầu Hà Nội rất thành công xây dựng tuyến phố đi bộ. Tương lai không xa, cùng với xu hướng thương mại văn minh, người dân sẽ đến nhiều hơn các trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn.
Dần dần quán nước vỉa hè sẽ trở thành ký ức của người Hà Nội, có thể để thành những phố chuyên quán kiểu kiểu như vậy, còn lại phải dành vỉa hè cho người đi bộ hầu hết là lối đến cơ quan, công sở, trường học. Cùng với việc quản lý đô thị, quản lý môi trường thì sẽ dần dần giải quyết được…
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV
Hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân ở Hà Nội: Giờ mới làm là hơi muộn!
"Dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" dù có thể là hơi chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhưng rất cần thiết. Tôi mong rằng Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp thu, cân nhắc kỹ lưỡng để có được sự đồng thuận của nhân dân".
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí về dự thảo Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" đang có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
- Dự thảo Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội có nội dung nổi bật là đề xuất hạn chế ô tô con theo giờ và "cấm" xe máy. Từ góc độ đại diện cơ quan tham mưu cho Chính phủ về an toàn giao thông, ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương này của Hà Nội?
Giải pháp giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhiều năm nay Hà Nội đã triển khai, đó là cách Hà Nội tiếp cận chứ không phải chỉ là cấm.
Lộ trình dự kiến là từ năm 2020 sẽ bắt đầu thực hiện nhằm siết chặt quản lý phương tiện cơ giới cá nhân ở tuyến phố nào, khu vực nào, trong khung giờ nào, phân luồng ra sao, bãi đậu xe ở đâu, tổ chức kết nối giữa bãi đậu xe và dịch vụ vận tải công cộng thế nào, rồi tần suất và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng... Những nội dung này cần phải có kịch bản chi tiết và phải lập các dự án cụ thể.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Trước đó, Hà Nội tính "cấm" hẳn xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội, trong khi đó người dân ngoại tỉnh đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội rất lớn đã khiến nhiều hiều người cho rằng đó là phân biệt đối xử. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi không thích dùng từ cấm phương tiện cá nhân, bởi điều đó tác động không tích cực đến nhiều người. Về ý tưởng cấm phương tiện cơ giới cá nhân có biển số ngoại tỉnh trước rồi tiến tới cấm xe có biển số Hà Nội, tôi cho rằng điều này không phù hợp về mặt xã hội.
Tôi cho rằng đây chỉ là ý tưởng của tư vấn và tôi nghĩ rằng Sở GTVT Hà Nội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trình để có được sự đồng thuận của nhân dân. Tôi tin UBND thành phố Hà Nội sẽ không ưu tiên thực hiện theo ý tưởng này.
- Nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi vấn đề ùn tắc là do quy hoạch. Nếu như quy hoạch đô thị tốt, trường học, bệnh viện được di dời và những tòa cao ốc với hàng nghìn căn hộ không tiếp tục mọc lên giữa trung tâm thành phố thì Hà Nội không chật chội và ùn tắc như bây giờ. Hà Nội chỉ tính chuyện cấm xe mà không xét tới quy hoạch là chưa thỏa đáng, thưa ông?
Đề án chưa đề cập đến việc điều chỉnh sử dụng đất. Nhưng chúng ta không nên hiểu điều chỉnh sử dụng đất chỉ là di dời bệnh viện và trường học ra ngoài trung tâm thành phố, ở đây còn có câu chuyện về việc phân tích, tính toán nhằm giúp người dân đang sinh sống và kinh doanh trong khu vực dự kiến sẽ thực hiện quản lý giao thông đô thị có phương án chuyển đổi loại hình hoạt động.
Nếu Đề án được duyệt, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy từ năm 2020
Đề án cũng cần bổ sung các giải pháp quản lý giao thông của phương thức vận tải hàng hoá phục vụ xây dựng và nhu cầu ăn ở của người dân. Hình thành các trung tâm logistics và chuỗi phân phối trong đô thị là cực kỳ cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của vận tải hàng hóa dễ gây ùn tắc giao thông.
- Theo ông, Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội có khả thi không?
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và gia tăng dân số nhanh chóng dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá tại Hà Nội, hầu hết nhu cầu đi lại của người dân đều sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là mô tô, xe máy, trong khi năng lực kết cấu hạ tầng có tăng nhưng không đáp ứng được thì ùn tắc giao thông là tất yếu và ngày càng phức tạp.
Dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" dù có thể là hơi chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 148/TTg-KTN ngày 27/1/2014, nhưng rất cần thiết. Tôi đánh giá cao là việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà chuyên môn và người dân từ sớm.
Theo tôi, Đề án nên bổ sung cả giải pháp truyền thông trong Đề án này. Bởi nếu người dân được thông tin đầy đủ là những chuyến đi đang sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân như hiện nay sẽ được chuyển sang sử dụng phương tiện khác thông suốt hơn, tiện lợi và giảm được ùn tắc giao thông hơn thì người dân sẽ hiểu và tin rằng quản lý giao thông không phải là làm cho họ không đi được mà là giúp họ đi lại thông minh hơn.
Tôi tin rằng với tinh thần cởi mở, lắng nghe một cách cầu thị, lần lấy ý kiến này sẽ giúp Sở Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án sát với thực tiễn hơn, đặc biệt là sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn của người dân trước khi trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt và thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh ( thực hiện)
Theo Dantri
Bí thư Hà Nội: Kiểm soát xe cá nhân, không chỉ xe máy mà cả ô tô "Đã đến lúc tính đến vận động người dân đồng thuận kiểm soát phương tiện cá nhân, không phải chỉ xe máy mà cả ô tô. Nếu không thực hiện thì sẽ không thể đáp ứng được cho một đô thị lớn, đang tăng trưởng rất nhanh", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói. Ngày 28/9, TP Hà Nội tổ...