Hà Nội: Gỡ khó chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm
Để phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm của Hà Nội đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội cần hướng dẫn các huyện, thị xã phát triển theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, đầu tư nhỏ lẻ, manh mún …
Chưa đồng bộ, còn chắp vá
Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Theo ông Hà Tiến Nghi – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông, hiện giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản của Hà Nội chiếm gần 53% GDP trong sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trọng tâm là cung cấp con giống cho các tỉnh lân cận, phát triển theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi ngoài khu dân cư.
Công nhân đang làm việc tại trang trại gà đẻ trứng VietGAP ở Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Đồng thời, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất – cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng tham gia chuỗi phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay.
Ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định, việc phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm của Hà Nội có nhiều thuận lợi do ngành được sự quan tâm chỉ đạo của Sở NNPTNT và sự vào cuộc của các cấp, ngành. Với dân số gần 10 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu lao động ngoại tỉnh thường xuyên có mặt tại Hà Nội thì đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn, trong đó có các sản phẩm chăn nuôi.
Video đang HOT
Dù có nhiều thuận lợi và thế mạnh nhưng việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm của Thủ đô đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo ông Đặng Đình Tiên – Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ), chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm ở Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Lối chăn nuôi tự phát, không dự tính được đầu ra sản phẩm kéo theo nhiều hệ lụy.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng, hiện công tác quy hoạch ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn chắp vá, thiếu chiến lược quy hoạch theo giống vật nuôi và theo vùng sinh thái. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Một số trang trại ở vùng chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường…
Cần đáp ứng 3 yêu cầu
Để giải quyết vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng tận dụng lợi thế của mỗi địa phương. Theo đó, thành phố tập trung phát triển sản xuất giống ở những vùng trọng điểm như: Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Chương Mỹ… đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi Hà Nội phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, chú ý sinh kế cho người dân và bảo đảm môi trường. Bên cạnh đó, các trang trại cần chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu và có phương thức sản xuất bền vững trong cơ chế thị trường.
Theo Danviet
Khó khăn bủa vây, nông nghiệp Thủ đô vẫn nhiều điểm sáng
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, từ nay đến cuối năm 2019, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, thành phố sẽ vượt qua khó khăn và hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu về tam nông và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đối diện nhiều khó khăn, trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở NNPTNT Hà Nội, sau gần 4 tháng thâm nhập vào địa bàn, đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 429.029 con lợn (chiếm 22,9% tổng đàn) với trọng lượng 29.442 tấn. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân tại các huyện của Hà Nội mất nguồn thu nhập chính sau "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Đăng
Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự cố gắng của bà con nông dân, tính chung, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng 1,15%.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu, bò phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra với tổng đàn trâu 24.000 con (tăng 3,7%), đàn bò 134.400 con (tăng 0,43%) so với cùng kỳ năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển, ước tính đàn gia cầm hiện khoảng 34 triệu con (tăng 11,7%). Sản lượng thủy sản đạt 51.000 tấn (tăng 4,08%).
Trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 4.276 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư.
Theo tính toán của Sở NNPTNT Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2019, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn những diễn biến khó lường, đặc biệt là bệnh DTLCP. Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đang tập trung cao độ cho công tác lai tạo, sản xuất giống vật nuôi để đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt bằng các giống bò chất lượng. Nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái bằng các giống lợn nhập ngoại, sản xuất các giống gia cầm chất lượng.
"Về trồng trọt, Sở phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất tốt vụ mùa, vụ đông năm 2019 - 2020 trên cơ sở sử dụng giống cây trồng cho giá trị cao; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp gắn với nhu cầu thị trường. Tập trung xây dựng, duy trì, phát triển các chuỗi nông sản an toàn, kiểm soát chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm..." - ông Mỹ nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện các xã, huyện NTM
Đến nay, toàn thành phố đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM. Huyện Gia Lâm, Quốc Oai đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình đề nghị T.Ư công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018. 325 xã (chiếm 84,2% tổng số xã trên địa bàn thành phố) đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đã được UBND thành phố công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP.Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, 6 tháng cuối năm 2019, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Tham mưu Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân...
Theo Danviet
Hà Nội tập trung gỡ khó những tiêu chí cuối cùng Theo Sở NNPTNT Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2019, toàn thành phố đã có 4 huyện và 325/386 xã (chiếm 84,19% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Dù vậy, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là hoàn thiện tiêu chí giao thông nông thôn tại 8 xã và điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM...