Hà Nội: Giá rau xanh cao kỷ lục, bán 1 sào mua được 4 chỉ vàng
Khoảng 1 tháng nay, giá rau xanh các loại tại vùng chuyên canh Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) được thương lái thu mua với giá cao chưa từng có.
Nhiều hộ dân bỏ túi gần 20 triệu đồng cho mỗi sào sau 2 tháng xuống giống.
Ông Trần Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết, đã từ rất lâu, giá rau của địa phương mới lên cao và kéo dài như hiện nay. Cả trước, trong và sau tết Nguyên đán, hầu hết các mặt hàng rau đều tăng giá. Riêng cải thảo tăng đột biến, giá gấp nhiều lần so với mọi năm.
Toàn xã Văn Đức có 220ha rau, trong đó trồng trên 100ha cải thảo.
Toàn xã Văn Đức có 2.000 hộ thì có khoảng 1.700 hộ tham gia sản xuất rau chuyên canh. Tổng diện tích rau của xã Văn Đức khoảng 220 ha. Mới đây, xã này tiến hành công tác dồn điền đổi thửa, mỗi khẩu được 500 m2 đất.
Tính trung bình, mỗi năm, 1 ha đất của Văn Đức “đẻ” ra khoảng 500 triệu đồng từ việc sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng rau nói riêng. Riêng vụ rau 2019 tới nay, người dân Văn Đức trúng lớn vì được cả mùa lẫn giá.
Anh Chử Văn Đông ở thôn Chử Xá cho biết, gia đình đang trồng 1,3 mẫu rau. Trong đó, có khoảng 8 sào cải thảo, còn lại là ớt. Đầu tháng 12 âm lịch, giá cải thảo trung bình khoảng 4 – 5 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, từ ngày 20 tháng Chạp cho tới tết Nguyên đán, cải thảo nhảy vọt lên mức 12 nghìn đồng/kg. Mức giá này liên tục được giữ trong vòng 20 ngày qua.
Ngoài trồng rau, anh Đông còn tham gia làm đầu mối, thu mua cho người dân trong xã xuất đi nhiều nơi. Trung bình, mỗi ngày anh Đông thu mua xô 2,5 tấn rau.
Theo anh Đông, giá rau năm nay cao đột biến là do sản lượng sụt giảm. “Vài năm nay, một số vùng rau có tình trạng người dân bỏ trồng do đầu ra, giá cả bấp bênh. Đặc biệt là đợt tết vừa rồi, nhiều vùng có mưa to, mưa đá, rau màu cũng bị ảnh hưởng nên chuyện giá tăng cao là khó tránh khỏi”, anh Đông phân tích.
Video đang HOT
Giá các loại rau đều tăng, riêng cải thảo tăng gấp 6 lần, ở mức 12 nghìn đồng/kg – thu mua tại ruộng.
Bà Vũ Thị Luyến, trồng 7 sào rau cải thảo, cải bắp, súp lơ… Theo bà Luyến, có những thời điểm, giá cải thảo tụt xuống mức 2 nghìn đồng/kg. Ruộng nào bán được mức 4 – 5 nghìn đồng là phấn khởi lắm rồi.
Không ai ngờ, giá rau thu mua tại vườn lại tăng lên mức 12 nghìn đồng/kg, kéo dài nhiều ngày qua.
Do dịp giáp tết thiếu lao động, bà Luyến bán non 1 sào cải thảo cho thương lái với giá xô tại ruộng là 7 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, dù bán non, vẫn cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng.
“Sắp tới nhà tôi còn 3 sào cải thảo cho thu hoạch, mong là giá vẫn giữ được như hiện nay”, bà Luyến khấp khởi.
Cải thảo là loại dễ trồng, đầu tư ít, thời gian cho thu hoạch ngắn (2 tháng) nên đang là loại rau đem lại thu nhập đầu bảng của người dân Văn Đức.
Với mức giá kỷ lục hiện nay, mỗi sào cải thảo, người dân thu về khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí (3 triệu đồng/sào), người trồng vẫn bỏ túi 17 triệu đồng.
So với giá vàng hiện nay (4,5 triệu đồng/chỉ), người dân Văn Đức bán mỗi sào rau mua được gần 4 chỉ vàng.
Đảo lộn quy luật
Bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, thị trường, giá cả mặt hàng rau dịp này có nhiều biến động, đảo lộn quy luật.
Chung nhận định với người dân, bà Luyến cho rằng, giá rau tăng cao một phần lớn là do sản lượng cung ứng sụt giảm. Thời tiết rét đậm, hại kèm mưa kéo dài khiến rau sinh trưởng chậm dẫn đến giảm năng suất.
Ngay trong đợt tết vừa qua, không đâu xa, ngay tại vùng rau Đặng Xá (Gia Lâm), mưa đá xảy ra khiến nhiều diện tích bị thiệt hại. Lượng rau cung ứng ra thị trường vì thế không dồi dào như mọi năm.
Người dân tranh thủ chăm sóc lứa rau mới.
Bà Luyến tính toán, riêng tại Văn Đức, thị trường đang điều tiết giá thu mua rau của người dân ở mức chưa từng có. Trong hơn 200ha rau của Văn Đức, có tới hơn 100ha cải thảo.
Trong khi, đây lại là loại rau được thu mua với mức giá cao nhất hiện nay. Một số loại rau khác như bắp cải, cà chua, súp lơ cũng tăng giá nhẹ so với cùng kỳ mọi năm.
Những năm qua, cải thảo Văn Đức được nhiều doanh nghiệp săn đón, xuất khẩu đi Đài Loan, Hàn Quốc để làm kim chi. Đó là khi rau rớt giá, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thu mua cho người dân ở mức 4 – 5 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, cả tháng qua, không có doanh nghiệp nào “bén mảng” về Văn Đức tìm mua rau xuất khẩu.
Theo bà Luyến, vấn đề quan trọng nhất hiện này là hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất đúng rau đúng theo tiêu chuẩn an toàn. Dù lợi nhuận cao, nhưng không vì thế, để người dân bất chấp sản xuất, phải đặt tiêu chí chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng là số một. Và cũng vì, thương hiệu rau an toàn Văn Đức xây dựng mấy chục năm qua là không hề dễ dàng.
Ông Trần Xuân Điệu cho hay, nghề trồng rau của địa phương đã hình thành từ những năm 1960 và ổn định tới ngày nay. Nằm ven sông Hồng, đất phì nhiêu nên giá đất nền, đất canh tác ở Văn Đức tương đối đắt đỏ. Người dân thuê lại của nhau để trồng rau dao động từ 3 – 5 triệu đồng/sào, thậm chí là hơn. Đấy là lý do vì sao, không có doanh nghiệp nào đủ sức thuê đất trồng rau ngoài người dân bản địa.
Theo Kế Toại (Nông nghiệp Việt Nam)
Xuất khẩu tôm sang Australia tăng mạnh trong năm 2019
Australia là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 7 của Việt Nam, chiếm 3,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Sau khi sụt giảm năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia năm 2019 tăng trưởng tích cực.
Ảnh minh họa.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, tính tới 15/12/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt gần 121 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường chính sụt giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt mức tăng trưởng 2 con số. Kể từ tháng 4/2019 đến hết năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng trưởng trong đó tăng mạnh nhất 56% trong tháng 7 và tăng 45% trong tháng 11/2019. Australia là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tốp 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Australia các sản phẩm như tôm chân trắng PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng thịt bỏ đầu còn đuôi tươi đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu lột vỏ, tôm chân trắng nguyên con hấp đông lạnh, tôm chân trắng thịt tẩm bột tempura chiên đông lạnh...
Trong số các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam thì tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại Australia với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 50.000-60.000 tấn. Mặc dù, tôm nuôi tại Australia được ưa chuộng nhưng càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh đó, tôm sú to của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Australia ưa chuộng.
Vài năm trở lại đây, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đạt được thỏa thuận khiến cho nền kinh tế của 2 cường quốc rơi vào tình trạng suy giảm, để tránh nền kinh tế bị ảnh hưởng xấu từ các đối tác thương mại trên, Chính phủ Australia đang chủ trương ưu tiên mở rộng thị trường sang Ấn Độ, các nước ASEAN, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Australia.
Theo VASEP, Australia là một trong những quốc gia có các yêu cầu về tuân thủ an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, kiểm dịch khắt khe hơn so với những thị trường khác bởi người tiêu dùng Australia đặt ra tiêu chuẩn rất cao và các tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang trên đất nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm tôm, cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, nhãn mác rõ ràng là những yếu tố doanh nghiệp cần lưu tâm khi xuất khẩu vào thị trường này.
Minh Ngọc
Theo Nhịp sống kinh tế
Bộ Công thương lưu ý "sống còn" cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Benin Thương vụ Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm thị trường Benin mới đây đã đưa ra một số lưu ý đảm bảo an toàn hơn trong giao dịch với các đối tác Benin cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa. Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc để tránh rủi ro, thiệt hại và tăng tính đảm bảo...