Hà Nội ghi nhận một ca tái dương tính
Sở Y tế Hà Nội tối 25/3 ghi nhận một trường hợp tái dương tính, từng là “bệnh nhân 1555″ ở quận Ba Đình.
Bệnh nhân này 86 tuổi nhập cảnh từ Mỹ, cách ly tại thành phố Đà Nẵng và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ ngày 27/1 đến 16/2. Sau khi được điều trị khỏi, bệnh nhân được cách ly thêm 14 ngày tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đến ngày 1/3 với kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần.
Sau đó, bệnh nhân trở về khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội và thực hiện cách ly 2 tuần tại nhà.
Ngày 21/3, bệnh nhân khám và điều trị u thận trái tại Bệnh viện Hữu Nghị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, được bệnh viện lấy mẫu nCoV và chuyển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xét nghiệm và có kết quả dương tính ngày 25/3.
Hiện bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Video đang HOT
Trước đó, từ ngày 25/2 đến ngày 2/3, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hai ca tái dương tính. Với các ca tái dương tính được ghi nhận thời gian qua, qua các xét nghiệm trong cộng đồng và người tiếp xúc gần trong gia đình với những bệnh nhân này, đều không ghi nhận có sự lây lan.
Hiện Hà Nội đã 38 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Từ ngày 27/1 đến nay, thành phố ghi nhận 39 ca Covid-19, gồm 35 ca cộng đồng và 4 ca nhập cảnh.
6.690 nhân viên y tế tại Hà Nội đã được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca mũi một, tính đến sáng 25/3, đạt 94,3% so với kế hoạch.
Bà cụ Covid-19 nặng hơn 'bệnh nhân phi công' hồi phục kỳ diệu
"Bệnh nhân 1536", 79 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã dừng can thiệp ECMO được 18 ngày, phổi thông khí khá tốt, được bác sĩ đánh giá "hồi phục kỳ diệu".
Ngày 14/3, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết cụ bà này đã "tiến triển kỳ diệu", bởi có những lúc tưởng chừng không qua khỏi và được đánh giá nặng hơn "bệnh nhân 91" (phi công Anh) là ca nặng nhất vào năm ngoái. Bà đã dừng can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) 18 ngày, tự thở qua ống canuyn, tỉnh táo.
Sau khi kết thúc ECMO, phổi thông khí khá tốt, ôxy máu luôn đảm bảo. Dấu hiệu suy gan đã cải thiện, các tạng khác đang cơ bản tiến triển tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn suy thận.
"Bệnh nhân thoát nguy kịch và sống được", bác sĩ Phúc nói.
Đến nay, bệnh nhân đã 6 lần liên tục xét nghiệm âm tính với nCoV, lần gần nhất là ngày 11/3. Bệnh nhân đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc.
Bà cụ từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1, người nhà ở Mỹ mắc Covid-19. Ngày 14/1, bà dương tính với nCoV, trở thành "bệnh nhân 1536", được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị. Bà có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp 10 năm.
Ba ngày sau vào viện, bệnh nhân khó thở nhẹ, người mệt, ăn uống kém. Ngày 19/1, bà hơi khó thở, chụp X-quang phổi có dấu hiệu mờ. Ngày 20/1, Sở Y tế Đà Nẵng đã điều động 2 bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực từ Bệnh viện Đà Nẵng sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hỗ trợ điều trị. Tiếp đó, 4 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức tích cực cũng được điều động sang hỗ trợ.
"Cứ 14 ngày chúng tôi lại có một kíp y bác sĩ gồm 18 người vào điều trị, phục vụ bệnh nhân. Liên tục đến nay có khoảng hơn 60 người đã điều trị, hỗ trợ chăm sóc, phục vụ cụ bà này", bác sĩ Phúc nói.
Đến nay, bệnh nhân nặng này đã được hội chẩn quốc gia 7 lần. Quá trình điều trị hơn hai tháng, cụ bà có thời điểm tiến triển tốt hơn nhưng rồi lại rơi vào diễn biến xấu, đông đặc hai đáy phổi, phù nhẹ toàn thân. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do nCoV trên bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim; biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu.
Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn, bệnh nhân đã được áp dụng tất cả các biện pháp điều trị tích cực nhất, có những lúc, bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi, tiên lượng tử vong rất cao. Hội chẩn quốc gia đánh giá cụ bà còn nặng hơn cả bệnh nhân phi công Anh (bệnh nhân 91) trong giai đoạn trước.
Tuy nhiên, với nỗ lực cứu chữa, quyết tâm không buông xuôi, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân hồi phục kỳ diệu.
"Bệnh nhân đã nhiều lần âm tính nCoV, dự kiến tuần sau sẽ được công bố khỏi bệnh. Hiện người nhà mong muốn được chuyển cụ bà về TP HCM. Chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo Sở Y tế và Bộ Y tế về vấn đề này, bởi sức khỏe, sự an toàn của bệnh nhân là trên hết", bác sĩ Phúc nói.
Hiện, cả nước có hơn 400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Nơi có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là Bệnh viện dã chiến số 2 tại trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương với gần 190 bệnh nhân, Cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị gần 100 bệnh nhân.
Bệnh nhân Covid-19 nặng nhất cai ECMO "Bệnh nhân 1536", 79 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, được cai ECMO, chức năng tim, gan thận chuyển biến tích cực, 5 lần âm tính nCoV. Chia sẻ với VnExpress , ông Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng cục Quản Lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết "bệnh nhân 1536" là ca Covid-19 nặng nhất từ trước đến...