Hà Nội: Gần 17 nghìn giáo viên nghỉ không lương, xoay đủ nghề kiếm sống mùa dịch
Gói nem bán online, làm shipper, “nail” dạo… là những công việc được nhiều giáo viên mầm non ở Hà Nội làm kiếm tiền trong mùa nghỉ dịch Covid-19.
Hơn 2 kỳ trả lương trôi qua nhưng hàng chục nghìn thầy cô giáo vẫn không nhận được đồng lương nào khi nhà trường đóng cửa. Số giáo viên này, theo thống kê mới nhất của Hà Nội, hiện gần 17.000 người.
Cô giáo Thương (phải) cuốn nem để bán trong thời gian nghỉ tránh dịch. Ảnh NVCC
Làm nail, cuốn nem.. khi trường đóng cửa
Những ngày này, trang mạng cá nhân của cô Thương Thương – giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy, Hà Nội – ngập tràn hình ảnh những chiếc nem rán trông ngon mắt, hấp dẫn. Phụ huynh có con học ở lớp cô có lẽ là những thực khách đầu tiên ủng hộ sản phẩm, chỉ với 5.000đ mỗi chiếc nem và được ship nóng hổi tận nơi.
Nữ giáo viên có đôi mắt sáng, toát lên vẻ nhanh nhẹn và lạc quan, chia sẻ, hôm nào mát trời, cô được khách đặt cả trăm cái nem, khiến cô phải nhờ mẹ “cứu”. Cuốn xong và rán sơ, Thương lại tất tả lái xe máy đi giao cho khách. Hai tháng rồi, tin nhắn báo lương vẫn im lìm, đồng nghĩa với việc tài khoản lương trắng xóa hoàn toàn.
“Chị hiệu trưởng gọi điện cho chúng tôi, giọng buồn bã lắm, bảo như ngồi trên lửa vì cả 3 cơ sở đều thuê biệt thự, giá thuê nhà rất cao trong khi trường đóng cửa hai tháng nay rồi. Chị nói sẽ cố gắng hỗ trợ mỗi cô một chút, nhưng quả thật, cầm tiền của chị chúng tôi không đành lòng. Cố gắng kiếm thêm một thứ gì đó để làm rồi bán, giáo viên mầm non khéo tay lắm nên kiểu gì cũng không đói được đâu”, Thương tếu táo.
Một đồng nghiệp của Thương, trước thì ngày đi làm, tối về có hiệu làm móng chân tay nhỏ để tăng thu nhập. Ngày nghỉ tránh dịch, cả trường học và tiệm nail đóng cửa, cô đành nhận làm shipper giao hàng. “Thi thoảng có khách gọi tới tận nhà để làm, nhưng tôi rất hạn chế để tránh nguy cơ lây nhiễm, dù cũng muốn có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng thôi, nghĩ đi nghĩ lại, giữ cho mình và mọi người vẫn hơn, chi tiêu dè sẻn lại một chút, thi thoảng làm chân shipper, mỗi ngày cũng được vài chục một trăm chứ không ít, mùa dịch hóa ra nghề này lại thành “hot” – nữ giáo viên lạc quan chia sẻ.
Câu chuyện của cô giáo Thương và đồng nghiệp của mình chỉ là rất ít trong số hàng chục nghìn giáo viên khắp Hà Nội, đang mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến nay đã gần 3 tháng. Khéo tay và chịu khó bán đồ ăn online cũng chỉ là cách đắp đổi từng ngày, nhưng không phải ai cũng có thể năng động và có điều kiện để làm điều đó.
Cô giáo Ngân An, một giáo viên mầm non tư thục ở quận Nam Từ Liêm, cho biết, 3 tháng nay chỉ ở nhà trông con, cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương công chức của chồng. “Con tôi còn bé, không có người trông, ông bà lại nhiều tuổi chẳng nhờ cậy được, đành ngậm ngùi chấp nhận cảnh không lương và ưu tiên chăm sóc con. Cả nhà tiêu trong đồng lương của chồng, đành bớt chút cá, chút thịt trên mâm cơm để đủ tiêu, rồi cũng qua hết! Giờ chúng tôi cố gắng cầm cự, chỉ mong dịch qua nhanh để còn trở lại trường với các con, nghỉ dạy lâu cũng nhớ các con nhiều”, cô An trải lòng.
Cấp bách kiến nghị hỗ trợ
Video đang HOT
Trong văn bản gửi Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu những con số giật mình. Toàn Hà Nội hiện có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập (trong đó 358 cơ sở mầm non, 2.696 nhóm trẻ; 46 trường tiểu học; 22 trường THCS và 103 trường THPT), với gần 45.000 người đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Số giáo viên nghỉ hoàn toàn không lương ở các cấp có khoảng gần 17.000 người, riêng giáo viên mầm non là hơn 10.000 cô giáo. Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương.
Ảnh minh họa
Trong nỗ lực tự thân hỗ trợ giáo viên, trên 120 trường ngoài công lập đang phải hỗ trợ 100% lương cho giáo viên, nhân viên. Trong số này có 83 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 6 trường THCS và 20 trường THPT. Có gần 160 trường từ mầm non đến THPT thuộc khối ngoài công lập đang cố gắng để hỗ trợ 50% lương cho giáo viên, nhân viên. Nhưng vẫn có gần 50 trường không có kinh phí để hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên. Một số trường chỉ có thể hỗ trợ một phần. Thậm chí có 42 trường không hỗ trợ lương cho cán bộ giáo viên, nhân viên.
Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị thành phố hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà, con nhỏ, sức khỏe yếu… Đồng thời, miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II năm 2020.
Bên cạnh đó, giáo dục Hà Nội cũng kiến nghị hỗ trợ chủ cơ sở ngoài công lập, theo hướng được vay ưu đãi lãi suất 0% với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác).
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gói hỗ trợ 62.000 tỉ giúp người nghèo chống dịch Covid-19
Khẩn trương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ký báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có 6 nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ, trong đó có nhóm đối tượng liên quan đến giáo viên đang nghỉ không lương. Gói hỗ trợ an sinh ước tính 62.000 tỉ đồng, dự kiến có khoảng 20 triệu người sẽ được thụ hưởng. Được biết, sáng nay (8/4), Thường vụ Quốc hội thảo luận về nội dung này và sớm thông qua phương án hỗ trợ, phần nào giúp người lao động vượt qua đại dịch.
Nhật Lam
Dịch Covid-19: Trường vừa mở chưa kịp đón học sinh đã bị đóng cửa, cô giáo nghỉ dạy bán hàng online và về quê làm ruộng
Những diễn biến của dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập và giáo viên tại đây.
Nếu như nhiều ngành nghề khác đến cuối tháng 3 mới bắt đầu phải đóng cửa thì các trường học đã rục rịch ngừng hoạt động từ đầu tháng 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này đã khiến không ít người đứng đầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, các cô giáo cũng lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mất nguồn thu nhập.
Chủ trường loay hoay vay mượn khắp nơi để chi trả đủ loại chi phí
Cô Ngô Thanh Huyền, hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt (Hà Nội) đang chật vật vay mượn khắp nơi để chuẩn bị trả tiền thuê mặt bằng quý 2 vào ngày 7/4 tới, tổng số tiền phải trả là 66 triệu đồng.
" Bây giờ mình không biết phải kiếm đâu ra 66 triệu nữa. Hồi tháng 2 còn đi vay được, bây giờ ai cũng khó khăn nên không có chỗ vay. Cái gì bán được mình đã bán hết rồi, căng nhất là tiền mặt bằng phải đóng vào ngày 7/4 này, nếu không đúng hạn họ đòi lại mặt bằng thì coi như mình mất hết" - cô Huyền thở dài.
Hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt đang không biết xoay sở tiền mặt bằng quý 2 ra sao.
Cô Huyền cho rằng ngành giáo dục bị ảnh hưởng đầu tiên bởi dịch bệnh vì phải bắt buộc đóng cửa từ đầu tháng 2. Nói về nguyện vọng của mình, cô Huyền chỉ mong được chính phủ ra tay giúp đỡ. Cô cũng đưa ra thắc mắc khi thấy chính phủ có gói an sinh xã hội nhưng không biết cơ sở giáo dục ngoài công lập có được coi là doanh nghiệp hay không?
Một câu chuyện buồn khác là trường hợp của cô P.T.H., ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Không giống như cô Huyền, ngôi trường của cô H. còn chưa đi vào hoạt động nhưng đã phải giải thể sau khi đã cố gắng xoay sở để chi trả các khoản phí, cầm cự đợi hết dịch để đón học sinh mà ngày đó lại không đến.
" Mình bắt đầu việc mở trường mầm non từ tháng 11/2019. Trước Tết Nguyên đán mình đã đi làm các thủ tục hồ sơ pháp lý, song song với đó là thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng như: giường, tủ, bàn ghết, đồ chơi, bếp... Và kết nối với hai giáo viên, một người nấu ăn. Dự định qua Tết xin được giấy phép là trường sẽ bắt đầu đi vào hoạt động" - cô H. kể về dự định mở trường mầm non của mình.
Cô H. thanh lý toàn bộ trang thiết bị mới mua chưa dùng đến ngày nào, tạm từ bỏ dự định mở trường mầm non tư thục.
Tuy nhiên sau Tết cũng là lúc học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh. Cô H. không thể mở trường đúng kế hoạch mà vẫn phải trả chi phí thuê nhà mỗi tháng 15 triệu đồng. Đến nay đã là 5 tháng, cô H. không trụ nổi đành phải trả nhà, thanh lý toàn bộ đồ đạc vừa sắm còn mới nguyên chưa kịp dùng.
Trường học vừa mở chưa kịp đón học sinh đã bị đóng cửa.
Được biết ngoài chi phí thuê nhà, tiền cọc, cô H. còn phải sửa sang, cộng thêm tiền mua trang thiết bị, tổng cộng đầu tư gần 200 triệu đồng mà giờ "đổ hết xuống sông, xuống biển".
Khi được hỏi về dự định có tiếp tục theo đuổi việc mở trường sau khi hết dịch nữa hay không? Cô H. bày tỏ vẫn muốn thực hiện mong muốn này nhưng sau dịch thì chưa đủ điều kiện mà phải đợi vài năm nữa để tích góp vốn.
Cô giáo nghỉ dạy, người về quê làm ruộng, người tập tành bán hàng online
Không chỉ chủ trường khổ, các cô giáo cũng chẳng kém phần lao đao. Cô H.H., giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội cho hay, từ khi nghỉ dạy cô cũng không được hưởng khoản trợ cấp nào. Chính vì thế mà vấn đề kinh tế của gia đình cô gặp không ít khó khăn.
" Không đi làm thì không có thu nhập, mặc dù dịch bệnh mình nghỉ dạy về quê nhưng vẫn phải trả tiền thuê phòng trọ ở Hà Nội và nhiều khoản chi tiêu khác. Gia đình còn có một cháu nhỏ, cũng may là ông xã vẫn đi làm được nên còn có đồng ra đồng vào" - cô H. nói.
Để san sẻ bớt gánh nặng cho chồng, chị H. bắt đầu tập tành bán hàng online, tuy nhiên, vì mới bán nên mọi thứ cũng chưa đâu vào đâu, cần có thêm thời gian để thích nghi.
Một cô giáo nghỉ dạy chuyển sang bán bánh bao online.
Gặp khó khăn tương tự là cô Nguyễn Oanh, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội. Ngôi trường nơi cô Oanh dạy cũng hứa hỗ trợ cho giáo viên mỗi tháng 2 triệu đồng. Thế nhưng hiện tại chủ trường xin trả sau vì còn đang lo trả tiền mặt bằng.
Từ ngày nghỉ dạy thì cô Oanh về quê giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng, cấy lúa, nuôi gà, chăn vịt...
" Gia đình mình cũng khó khăn, bố mẹ đã già còn em thì đang đi học, bây giờ mình không đi làm lại thêm gánh nặng cho bố mẹ. Dù về quê nhưng hàng tháng mình vẫn phải đóng tiền nhà trọ. Những lúc trời không mưa thì còn có thể đi làm phụ hồ nhưng cả tuần nay mưa gió thế này, mình chẳng đi đâu được, chỉ ở nhà giúp gia đình những công việc như vậy thôi" - cô Oanh chia sẻ về cuộc sống hiện tại.
Nói về mong muốn của mình, cô Oanh mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để cô và nhiều đồng nghiệp khác có thể quay lại làm việc. Bên cạnh đó, cô giáo trẻ cũng mong nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như mình để có thể trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn.
V.V.
3 cô hiệu trưởng... bán hàng online mùa dịch Covid-19 Trong thời gian các trường phải đóng cửa vì dịch Covid-19, 3 cô hiệu trưởng mầm non tư thục tại TP.HCM và Bình Dương rủ nhau bán hàng online, cung cấp nông sản và một số mặt hàng phòng chống dịch bệnh. Cô hiệu trưởng Hồ Kim Chi trực tiếp đi giao hàng - Như Lịch "Mọi người cứ ở nhà tránh cô...