Hà Nội dừng xây nhà thương mại trong nội đô
Do lượng nhà ở đang dư thừa nên HĐND Hà Nội thống nhất dừng triển khai các dự án nhà ở thương mại tại nội đô.
Sáng 3/7, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về chương trình nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, bình quân nhà ở trên toàn thành phố là 23,5 m2 mỗi người và đến năm 2020 là 26,3 m2.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhận xét, thành phố mới quan tâm đặt ra diện tích sàn xây dựng mà chưa quan tâm triển khai dự án theo chùm đô thị vệ tinh và quận huyện. Thiếu các giải pháp cải tạo sửa chữa nhà ở, phố cổ phố cũ nên người dân có thể bỏ tiền ra xây kiểu gì cũng được, nhà cửa lôm nhôm. Do vậy, cần bổ sung giải pháp quản lý quy hoạch kiến trúc. Đồng thời, cần xem xét dừng các dự án nhà ở thương mại vì lượng tồn đọng nhiều.
Nhà thương mại trong nội đô sẽ bị dừng triển khai. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội băn khoăn, với chỉ tiêu này 10 năm tới Hà Nội sẽ phải tăng gần 60 triệu m2 sàn, trong khi đó trong 10 năm qua mới tăng được 16 triệu m2. Do vậy, cần nguồn vốn lớn đầu tư, trong đó vốn nhà nước để phát triển nhà xã hội là không nhỏ.
Cũng theo ông Tuấn, phân khúc nhà ở xã hội, công nhân đến năm 2015 mới có chỉ tiêu 4,8 triệu m2 là thấp, trong khi nếu dừng dự án nhà thương mại sắp tới cũng ảnh hưởng nhà xã hội, vì loại nhà này thuộc diện tích 20% trích lại của dự án nhà thương mại.
Video đang HOT
Trao đổi với các đại biểu HĐND, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho rằng, qua thực trạng kiểm tra hàng tồn kho, nhà thương mại đang dư thừa nên thành phố tạm dừng xem xét một số dự án trong nội đô. Còn các dự án khác không ảnh hưởng tăng dân cư, mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì vẫn được phát triển.
“Cần hạn chế phát triển nhà theo khu vực và tính khả thi của dự án chứ không hạn chế tràn lan. Các dự án vẫn khuyến khích phát triển nếu khả thi”, ông Hùng khẳng định.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết, quy chế quản lý đô thị cũng đang được các ngành soạn thảo, sẽ được đưa vào chương trình triển khai nghị quyết để quản lý đồng bộ.
Cũng trong sáng 3/7, HĐND Hà Nội cũng thông qua nghị quyết về diện tích nhà ở bình quân với nhà thuê khi công dân nhập hộ khẩu vào thủ đô. Theo đó, người dân phải có diện tích sàn nhà ở tối thiểu là 15m2/người mới được nhập hộ khẩu.
HĐND thành phố cũng thống nhất chương trình cải tạo chung cư, biệt thự cũ trên địa bàn với nhiều ưu đãi cho người dân và chủ đầu tư. Người dân trong dự án khi di chuyển ra ngoài khu vực nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 để bảo tồn, tôn tạo thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn. Nếu chủ sở hữu tự phá dỡ những công trình thuộc khuôn viên nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 nhưng không thuộc kiến trúc ban đầu thì được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Chủ đầu tư cải tạo được quy về một chủ sở hữu toàn biển số nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất, được vay vốn từ các nguồn vay ưu đãi để thực hiện việc xã hội hoá đầu tư dự án.
Theo VNE
Hà Nội thu phí bảo trì 50.000 đồng với xe dưới 100 cm3
Sáng 2/7, HĐND Hà Nội chốt mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng, không phân chia theo nội hay ngoại thành.
Theo nghị định 18 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ, thẩm quyền quy định mức phí đối với xe máy được giao HĐND các tỉnh thành. Tại kỳ họp thứ 7 HDNĐ Hà Nội, UBND thành phố đã trình mức phí bảo trì đường bộ là 100.000 đồng một năm đối với mô tô có dung tích xi lanh đến 100 cm3 và 150.000 đồng một năm đối với loại có dung tích xi lanh trên 100 cm3. Trong khi đó, khung mức phí được Bộ Tài chính quy định là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng với xe dưới 100 cm3 và từ 100.000 đến 150.000 đồng với xe trên 100 cm3.
Tại buổi thảo luận về phí bảo trì đường bộ sáng 2/7, đại biểu Nguyễn Đình Dương cho rằng, ở Việt Nam, phí bảo trì đã thu qua xăng dầu, song nay chuyển qua thu đầu phương tiện. Tuy nhiên, các quy định còn khá chung chung, thu phí với toàn bộ xe máy lưu thông trên địa bàn hay chỉ có xe đăng ký trên địa bàn. Người nộp phí là chủ phương tiện hay là người sử dụng, là người có hộ khẩu Hà Nội hay tạm trú...
"Áp dụng một mức phí trên nhiều loại đường là chưa hợp lý. Người dân đi nộp phí hay chính quyền đi thu? Ở nông thôn, thu phí không dễ thực hiện do quan hệ làng xóm nên khó đảm bảo công bằng. Cá nhân tôi đề xuất nên phân mức phí ở nội thành và ngoại thành cho phù hợp tính chất đường sá", ông Dương gợi ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương đề nghị dừng thu phí bảo trì đến cuối năm. Ảnh: Đ.L.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phong cho rằng, mức phí mà UBND đưa ra tương đối cao, nên để mức thu tối đa với xe trên 100 cm3, còn với dân bình thường sử dụng xe dưới 100 cm3 thì không nên thu ở mức tối đa. Bên cạnh đó, nên chia ra 2 khu vực nội thành và ngoại thành vì ngoại thành "đường không ra đường", cần thu phí sử dụng đường ở mức tối thiểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương đề xuất nên dừng thu phí tại thời điểm này. Nếu cuối năm khả năng thực hiện được thì tiến hành thu sẽ hiệu quả hơn. "Cần nghiên cứu mức phí để nghị quyết đi vào lòng dân, chúng ta đang thực hiện ổn định an sinh xã hội, cần cân đối thu phí và không gây khó khăn cho nhân dân, chính quyền địa phương. Chúng ta cũng cần nghiên cứu đưa ra thời điểm thực hiện, xem xét trong điều kiện thực tế của Hà Nội", bà Sương nói.
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, chủ trương thu phí bảo trì đường đã được Chính phủ quyết định, các địa phương có trách nhiệm thực hiện theo Luật. Hà Nội đề xuất mức thu cao do chi phí bảo trì đường bộ ở Hà Nội rất cao.
Ông Tưởng cho rằng, việc thu phí được giao cho các xã phường nên mức thu làm sao cho đơn giản, nếu chia ra địa bàn ngoại thành, nội thành thì sẽ phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố chấp thuận mức thu xe máy theo phân khối là thấp nhất theo khung của Bộ Tài chính.
Theo đó, HĐND Hà Nội chốt mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng, không phân chia theo địa bàn.
Ngoài ra, các đại biểu còn thống nhất mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi là 12%, lần thứ 2 là 2%.
Cuối buổi sáng, nghị quyết đã được các đại biểu tán thành với tỷ lệ 85,3%.
Hà Nội hiện có hơn 7 triệu người, với khoảng 4 triệu xe máy đang lưu hành. Hàng năm, thành phố phải bố trí vốn ngân sách rất lớn để duy tu bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo VNE
'Nhân tài' hưởng mức lương thỏa thuận khi làm việc ở Hà Nội Theo nghị quyết của HĐND Hà Nội, nhóm chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân sẽ được hỗ trợ phương tiện đi lại, làm việc, nghiên cứu. Thù lao của họ được trả theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở hiệu quả công việc. Chiều 2/7, HĐND Hà Nội đã thảo luận thông qua một số nghị quyết cụ...