Hà Nội: Dùng gầu máy vét bùn hồ Gươm: Lo cho môi trường sống của cụ Rùa
Đơn vị thi công đang dùng gầu máy để vét bùn trong lòng hồ Hoàn Kiếm. Các nhà khoa học cho rằng hình thức này sẽ phá hủy hệ sinh thái ở lớp bùn hồ Hoàn Kiếm, đảo lộn môi trường sống quen thuộc của cụ Rùa.
Thời gian qua đơn vị nạo vét bùn hồ Hoàn Kiếm đã khoanh hai vùng (mỗi vùng rộng khoảng 500m2) tại khu vực Nhà hàng Thủy Tạ và phía trước Bưu Điện Hà Nội (trong đó khu vực Nhà hàng Thủy Tạ đã nạo vét xong). Cả hai khu vực này đơn vị thi công đều dùng gầu máy để vét bùn. Không áp dụng công nghệ của CHLB Đức (công nghệ đã triển khai thí điểm thành công tại hồ Hoàn Kiếm vào năm 2009). Hiện tại, khu vực thứ ba đối diện báo Hà Nội Mới đang được rào chắn chuẩn bị nạo vét bùn bằng phương pháp nói trên.
Đề cập vấn đề hút bùn nhằm ổn định và phục hồi môi trường hồ Hoàn Kiếm, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều kiến nghị và giải pháp trong “Báo cáo tổng kết nghiên cứu ứng dụng công nghệ hút bùn của CHLB Đức để ổn định và phục hồi môi trường một số hồ ở Hà Nội “, năm 2010. Đây là Dự án hợp tác nghị định thư Việt Nam – CHLB Đức (PGS.TS Hà Đình Đức, Chủ nhiệm dự án. Chủ nhiệm đề tài nhánh GS.TSKH Bùi Học, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, GS.TS Đặng Đình Kim, TS Lê Hùng Anh, KS Nguyễn Lê).
Đánh giá hậu quả việc nạo vét bùn bằng phương pháp thủ công, máy xúc, báo cáo cho rằng: “Hút bùn sinh thái bằng công nghệ tiên tiến chưa được tiến hành ở Việt Nam. Các công nghệ đã sử dụng trước đây để cải tạo các hồ ở Hà Nội chủ yếu bằng phương pháp bơm cạn nước hồ và nạo vét bùn đáy trong hồ bằng máy xúc hay bằng phương pháp thủ công. Sau đó tiến hành kè đá và bơm nước sạch vào hồ. Như vậy toàn bộ hệ sinh thái ở hồ đã bị phá hủy và không thể phục hồi”. Việc dùng gầu xúc để nạo vét bùn như hiện nay gây nên mối lo ngại rằng sẽ làm xáo trộn hoàn toàn khối bùn đáy hồ Hoàn Kiếm tại hai khu vực nói trên.
Video đang HOT
Theo các nhà khoa học, lớp bùn khu vực chung quanh Tháp Rùa, Nhà hàng Thủy Tạ, phố Hàng Khay rất mỏng. Khuyến cáo được đưa ra là chỉ nên hút bùn với bề dày từ 10cm đến 20 cm, bởi những nơi này lớp bùn mỏng hơn các nơi khác, nếu hút nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.
Trên thực tế, đơn vị thi công đã dùng gầu máy để vét bùn tại khu vực Nhà Hàng Thủy tạ và đang vét tại khu vực đối diện Bưu điện Hà Nội, với bề dày lớn hơn nhiều so với khuyến cáo mà các nhà khoa học đưa ra.
“Những kết quả phân tích về sinh học và hóa học cho thấy, các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và kim loại nặng phân bố nhiều hơn ở phần trên cùng của lớp bùn, gây ô nhiễm nước trong hồ. Nếu hút bùn ở phần trên cùng này sẽ làm môi trường nước trong hồ sạch sẽ hơn và làm cho bề dày của lớp nước trong hồ sẽ lớn hơn, tạo điều kiện cho cụ Rùa và các vi sinh vật trong hồ sống thuận lợi với môi trường tốt hơn”. Việc dùng gầu máy để nạo vét bùn như hiện nay đã rất dễ phá hủy hệ sinh thái ở lớp bùn hồ Hoàn Kiếm; cần tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp đưa cụ Rùa trở lại hồ trong điều kiện hiện nay.
Theo Dân Trí
Trở lại Hồ Gươm, rùa sẽ... sốc và đói?
Ngày bủa lưới đưa rùa lên bờ, không có con cá nào mắc lưới, Hồ Gươm gần như không còn cá. Ngoài ra, việc sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, có thể làm rùa bị sốc khi trở lại tự nhiên.
Sáng qua, bên cạnh việc tiếp tục chăm sóc vết thương cho rùa, các thành viên tổ chữa thương bàn biện pháp đưa rùa trở lại Hồ Gươm, trong khi thức ăn tự nhiên của rùa gần như không còn.
Rùa Hoàn Kiếm sẽ thiếu thức ăn khi được trở lại hồ
Ngày bủa lưới đưa rùa lên bờ, không có con cá nào mắc lưới. "Có ý kiến cho rằng, do mắt lưới to nên cá lọt ra ngoài. Nhưng cũng lưới với kích cỡ mắt như vậy, khi diễn tập ở hồ Đồng Mô, chúng tôi bắt được từ cá vài chục cân đến cá bé bằng mấy ngón tay", TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, nói.
Theo nhiều nhà khoa học, Hồ Gươm gần như không còn cá dù việc cấm đánh bắt được thực hiện nhiều năm nay. "Phải thả cá lại hồ. Nhưng thả loại nào, phải bàn", TS Vĩnh nói.
Có mặt trong buổi chữa trị cho rùa sáng 13.4, TS Bùi Quang Tề (Viện Nuôi trồng Thủy sản) và nhiều thành viên tổ chữa thương nhất trí cần có một hội thảo về vấn đề này.
Chiều 13.4, nhóm điều trị trình các đề xuất lên UBND TP Hà Nội để nhanh chóng xây dựng lộ trình đưa rùa Hồ Gươm trở lại tự nhiên.
Sáng qua, trong bóng râm của bể điều dưỡng, rùa không tỏ ra sợ sệt khi có người tới gần. Tất cả hoạt động chữa trị diễn ra suôn sẻ vì rùa tỏ ra khá hiền lành.
TS Nguyễn Văn Vĩnh, thành viên tổ chữa thương, nói: "Nếu cứ để rùa ở trong bể thời gian nữa, rùa sẽ quen với điều kiện nuôi nhốt, dạn với người, quen được cho ăn, kẻ xấu có thể dễ dàng tiếp cận khi rùa nổi lên gần bờ", TS Vĩnh nhận định.
Trong khi đó, ngay cả khi đã lành bệnh, rùa Hồ Gươm không thể sớm trở lại hồ và việc cải tạo hồ chưa xong. Theo các thành viên Ban Quản lý Hồ Gươm, việc cải tạo hồ, vớt dị vật và hút bùn lòng hồ sẽ kéo dài 2 - 3 tháng nữa, dù việc hút bùn dự kiến áp dụng công nghệ Đức từng thử nghiệm năm 2009.
Nếu đợi cải tạo xong hồ mới đưa rùa xuống thì nguy cơ bị thuần hóa, quen với nuôi nhốt là rất cao, tổ chữa thương nhận định. Ngoài ra, việc sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, nhưng thiếu các vi chất tự nhiên trong bùn có thể làm rùa phát sinh bệnh mới hoặc bị sốc khi trở lại tự nhiên.
Một trở ngại nữa là bể điều dưỡng bằng thép rất nóng vào buổi chiều. Nhóm chữa thương đang đề xuất làm thêm mái che tại khu điều dưỡng, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Theo Tiền Phong
"Tôi rất mừng khi hầu hết dân VN đều quan tâm cụ Rùa" Xung quanh vấn đề bảo tồn và chữa trị cho Rùa hồ Gươm, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Tim McCormack Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á tại Việt Nam, một người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu Rùa hồ Gươm. Ông Tim McCormack - Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á tại Việt Nam...