Hà Nội dự kiến có 7 chính sách hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini
HĐND TP Hà Nội xem xét ban hành 7 nhóm chính sách để hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân…
Hôm nay 22-9, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức kỳ họp 13 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét thông qua một số nội dung, trong đó có Nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy tại số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12-9 vừa qua.
Tờ trình của UBND TP Hà Nội đề xuất 7 nhóm nội dung hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến 9,26 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình bị thiệt hại trong vụ cháy.
Cụ thể, về hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế, ngoài các chính sách hỗ trợ đã thực hiện, tờ trình đề xuất hỗ trợ, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/người, trong đó 4,4 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 21 của Chính phủ; 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 22,6 triệu đồng từ ngân sách thành phố cho 42 người với tổng kinh phí là 1,26 tỷ đồng.
Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân đêm 12-9 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 56 người thiệt mạng, 42 người khác bị thương.
Về hỗ trợ kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế, theo báo cáo của Sở Y tế, các bệnh viện của Trung ương và Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị khoảng 50 bệnh nhân được ngân sách TP thanh toán theo chi phí cấp cứu và điều trị thực tế (ngoài Bảo hiểm y tế thanh toán) 2,5 triệu đồng/người Sở Y tế chi trả các khoản kinh phí điều trị cho các cơ sở y tế trực tiếp cấp cứu và điều trị nạn nhân.
Về hỗ trợ tiền tạm cư đối với gia đình, cá nhân cư trú tại 37, ngách 27/90 Khương Hạ có 45 căn hộ với 146 người cư trú. Sau hoả hoạn người dân ở đây không còn nơi cư trú, thành phố đề xuất hỗ trợ tạm cư 6 tháng bằng tiền mặt cho 35 hộ gia đình mức hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng/hộ. 40 cá nhân ở ghép trong căn hộ hoặc hộ gia đình có 1 người, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/người.
Video đang HOT
Về hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên (tương ứng 3 năm học và kinh phí mua cặp sách, đồng phục…).
Tờ trình cũng đề xuất hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ mồ côi, với mức mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 70 triệu đồng/trẻ mồ côi cha, hoặc mẹ. Chính sách hỗ trợ này được chi trả một lần bằng tiền mặt, do ngân sách TP cấp. Kinh phí hỗ trợ này không bao gồm kinh phí trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng.
Tờ trình cũng hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong 50 triệu đồng/người tử vong.
Hỗ trợ tang lễ, hỏa táng cho 56 trường hợp (10 triệu đồng/1 trường hợp) với tổng kinh phí 560 triệu đồng. Kinh phí ngân sách TP chi trả cho đơn vị thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 14-9, Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng vụ cháy nêu trên để trình Thường trực HĐND, HĐND quyết định theo thẩm quyền.
Hà Nội sẽ công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC
Thành ủy Hà Nội yêu cầu công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trước tình trạng thường xuyên xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong vừa xảy ra tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới.
Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội nêu, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác PCCC và CNCH, đồng thời để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của Nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện trường vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu quán triệt quan điểm trong công tác PCCC và CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.
Thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác PCCC và CNCH đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC và CNCH.
Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu nhà trọ, trường mầm non, các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp, rừng...; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.
Theo Chỉ thị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình; Xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao;
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ";
Thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Chỉ thị cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố, các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và trong suốt quá trình khai thác, sử dụng các dự án, công trình...; cần khắc phục triệt để ngay những hạn chế, vướng mắc dẫn đến tồn tại các vi phạm nhất là ở những địa bàn, cơ sở trọng điểm;
Thành ủy Hà Nội yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Nghiên cứu xây dựng các chế tài xử lý dứt điểm và quy trình cưỡng chế đối với các trường hợp không đủ điều kiện đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, cố tình vi phạm kéo dài; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quyết định xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các khu đô thị và nhà chung cư cao tầng;
Kiên quyết không chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư mới đối với các nhà đầu tư chưa khắc phục xong các vi phạm về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ tại các dự án cũ; Định kỳ hằng quý, tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình, việc thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô; đồng thời chủ động đề xuất biện pháp quản lý, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra trên địa bàn theo thẩm quyền;
Chỉ đạo việc xây dựng các phương án xử lý sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ ở từng khu dân cư; tổ chức tập huấn, diễn tập xử lý các tình huống cháy, nổ, trong đó, quan tâm đến các địa bàn dân cư còn khó khăn về giao thông, di chuyển khi lực lượng chức năng tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tai nạn đường sắt Ấn Độ: Bệnh viện gần hiện trường hỗn loạn như thời chiến Các đội cứu hộ đã làm việc xuyên đêm để giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong vụ tai nạn đường sắt tại bang Odisha, Ấn Độ. Lực lượng Phản ứng Thảm họa Quốc gia Ấn Độ (NDRF), Lực lượng Phản ứng Nhanh Thảm Họa bang Odisha (ODRAF), các đơn vị lính cứu hỏa, cảnh sát địa phương đã được huy động, chạy...