Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp về nợ bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội vừa tổ chức đối thoại với 150 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH.
Gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, thành phố còn gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH của gần 1 triệu người lao động với số tiền hơn 5.101 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, số tiền nợ BHXH giảm gần 183 tỷ đồng, nhưng vẫn chiếm 8,87% tổng số tiền cần thu. Đáng chú ý, số nợ phải tính lãi là hơn 1.813 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó có tới 3.543 đơn vị nợ kéo dài từ 2 năm trở lên với số tiền nợ hơn 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 138 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Quang cảnh buổi đối thoại về nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội.
Đại diện nhiều đơn vị sử dụng lao động cho biết, việc nợ đóng, chậm đóng BHXH của người lao động do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến giảm sâu doanh thu hoặc thua lỗ, nên không đủ khả năng tài chính.
Một số đơn vị, doanh nghiệp tuy không thua lỗ, nhưng do chưa thu được nợ từ phía đối tác nên tạm thời khan hiếm dòng tiền vận hành bộ máy, trong đó có việc chi lương, đóng BHXH cho người lao động.
Ngoài những yếu tố khách quan, việc nợ đóng, chậm đóng BHXH còn có phần xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là tình trạng người sử dụng lao động cố tình nợ đóng hoặc đóng không đúng thời gian, không đủ số lượng lao động đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp coi việc nợ BHXH là một trong những giải pháp để doanh nghiệp có thể tồn tại.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Gia Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Hồng Thái (do BHXH huyện Đan Phượng quản lý) cho hay: “Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty chúng tôi trong gần 20 năm qua gặp nhiều khó khăn. Để tồn tại, chúng tôi chấp nhận nợ các khoản tiền có thể nợ như nợ ngân hàng, nợ đóng BHXH… Hiện, chúng tôi đang nợ đóng BHXH trong 64 tháng với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong thời gian này, tôi dùng tiền cá nhân để chi trả các chế độ ngắn hạn cho một số trường hợp người lao động”.
Không “khoanh nợ” bảo hiểm xã hội
Thực tế cho thấy, việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vừa ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, vừa ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Đặng Trần Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121 – Cienco1 (do BHXH quận Long Biên quản lý) cho biết, công ty này là đơn vị cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, có quá trình hoạt động gần 60 năm, có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, do đơn vị nợ BHXH với số tiền lớn, lũy kế đến thời điểm này là 21,4 tỷ đồng trong thời gian 94 tháng, nên không ai muốn làm việc lâu dài. Hiện Công ty có thể tạo việc làm và bảo đảm quyền lợi về BHXH cho khoảng 100 lao động, nhưng thực tế chỉ có 7 lao động đang tham gia BHXH.
“Những lao động mới, dù được đóng BHXH đầy đủ, họ cũng không được hưởng quyền lợi BHXH, vì các khoản đóng ở thời điểm này đều bị trừ vào khoản nợ trong thời gian trước đó”, ông Đặng Trần Dũng phản ánh.
Theo ông Đặng Trần Dũng, để có thể khắc phục các khoản nợ kéo dài, trước hết doanh nghiệp đang nợ đóng phải tồn tại, phát triển và có lợi nhuận. Trong khi doanh nghiệp muốn hoạt động, phải có người lao động làm việc trong mọi quy trình. Từ thực tế hoạt động của đơn vị mình, ông Dũng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp “khoanh nợ” trong một khoảng thời gian nhất định đối với những đơn vị, doanh nghiệp có khả năng trả nợ.
Tương tự, bà Dương Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức – Nhân sự của Công ty cổ phần Coma 18 (do BHXH quận Hà Đông quản lý) phản ánh, việc nợ đóng BHXH trong thời gian từ cuối năm 2019 đến nay khiến một số người lao động của đơn vị chưa được giải quyết chế độ hưu trí, thai sản, ốm đau… Hiện, Công ty đang nỗ lực khắc phục tình trạng nợ đóng, nhưng chưa đủ khả năng khắc phục hoàn toàn.
Từ thực tế này, bà Dương Thị Thu Hà mong muốn các cơ quan chức năng xem xét giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động theo thời điểm doanh nghiệp nợ gốc, không tính theo thời gian số nợ phải tính lãi, tạo điều kiện cho người lao động sớm được thụ hưởng các quyền lợi, còn doanh nghiệp có cơ hội “giữ chân” người lao động.
Giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đại diện đơn vị sử dụng lao động, Phó Giám đốc điều hành BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Quy trình tính toán số tiền nợ, thời gian nợ đóng BHXH được thực hiện tự động trên hệ thống BHXH và đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các cơ quan chức năng không thể “khoanh nợ”, càng không thể giải quyết các chế độ BHXH theo trong khoảng thời gian doanh nghiệp nợ gốc. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cách tốt nhất là người sử dụng lao động cần hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đóng BHXH. Dưới góc độ thực hiện chính sách, BHXH thành phố Hà Nội ghi nhận kiến nghị của các đơn vị sử dụng lao động, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH.
Đồng quan điểm nêu trên, Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Mùi nêu rõ: Việc nợ đóng, chậm đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm tại các quy định hiện hành về BHXH. Tùy theo mức độ vi phạm, các đơn vị có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Tuy nhiên, với tinh thần chia sẻ, cùng gỡ vướng, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường tổ chức đối thoại, đồng thời tập trung đôn đốc thu nợ. Những doanh nghiệp có tên trong danh sách thanh tra nợ đóng BHXH, nếu chủ động khắc phục, các cơ quan chức năng sẽ dừng thanh tra…
Ba nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương Nhà nước quy định
Theo Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024; có 3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) Nhà nước quy định.
Cán bộ BHXH giải quyết thủ tục hành chính cho người lao động.
Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Tiền lương tăng thêm không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Quyết định quy định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.
Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.
Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 3,5% tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ quỹ bảo hiểm y tế; trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%. Dự toán chi phí quản lý bảo hiểm y tế hằng năm được xác định theo mức chi phí quy định tại khoản này tính trên dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế hằng năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024. Riêng việc chi trả tiền lương tăng thêm 0,8 lần thực hiện theo quy định trên.
BHXH Việt Nam đã xác thực trên 50 triệu thông tin bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn. Đến hết quý 3/2022, BHXH Việt Nam đã xác thực trên 50 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư; 11.190...