Hà Nội: “Dọa” an táng cha tại nhà để đòi lối đi
Anh Nguyễn Văn Minh ở cụm 5, thôn Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết cha anh là cụ Nguyễn Đình Oanh (94 tuổi) mất ngày 16/4 nhưng đến nay linh cữu vẫn nằm trong nhà, chưa được đi mai táng vì không có lối đi.
Theo lời anh Minh phản ánh, đã từ lâu ngôi nhà cha anh ở không có lối đi. Lối đi quá hẹp, chiều ngang của ngõ chỉ rộng chừng 70-80cm. Vì vậy gia đình không thể đưa linh cữu cụ ra ngoài được. Anh nói, nếu xã không giải quyết lối đi cho gia đình, gia đình anh sẽ an táng cha tại nhà. Hiện nhà anh Minh đã mua cát, xi măng để sẵn sàng cho việc an táng…
Ngõ vào nhà cụ Oanh rất nhỏ, chỗ hẹp nhất chỉ khoảng 70cm. Gia đình cho rằng không thể đưa linh cữu cụ ra ngoài nên sẽ an táng cụ ngay tại nhà
Bà Nguyễn Thị Vân – cháu cụ Oanh – cho biết: “Năm 2007, dòng họ Nguyễn Đình xây dựng nhà thờ trái phép, cướp đất của gia đình chúng tôi nên gia đình tôi không có lối đi. Từ đó đến bây giờ chỉ có một lối đi rất nhỏ như thế này. Khi cụ mất, gia đình đã rất khó khăn để mang quan tài vào nhà, giờ không làm cách nào đưa linh cữu cụ ra được. Gia đình cũng kiến nghị với xã, nhưng chính quyền xã bảo vác lên vai đưa ra. Mong chính quyền xã phá bỏ công trình phía trước để chúng tôi có lối đưa linh cữu cụ ra ngoài…”.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, PV Dân trí đã về tận nhà cụ Oanh ở thôn Bá Nội. Theo quan sát của PV, nhà cụ Oanh nằm sâu trong một con ngõ hình chữ L. Lối đi vào nhà cụ đoạn hẹp nhất chừng 70cm. Hiện gia đình, con cháu cụ Oanh phải dựng khung bạt, bàn ghế bên ngoài đường đầu ngõ để phục vụ cho đám tang của cha.
Video đang HOT
Về vấn đề tranh chấp đất đai giữa gia đình cụ Oanh và dòng họ Nguyễn Đình, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Đà – Chủ tịch UBND xã Hồng Hà. Ông Hà cho biết, ngôi nhà của cụ Nguyễn Đình Oanh nằm trong khuôn viên đất của dòng họ Nguyễn Đình, mà cụ Oanh cũng là người của dòng họ. Năm 2005, những người trong dòng họ họp bàn để xây nhà thờ nhưng gia đình cụ Oanh nói toàn bộ diện tích đất 243m2 của dòng họ là của riêng gia đình cụ Oanh. Từ đó mới xảy ra mâu thuẫn. Những người trong dòng họ Nguyễn Đình không đồng ý và làm đơn lên xã, xã đã 2 lần hòa giải nhưng không được và hướng dẫn họ làm đơn lên huyện Đan Phượng. Năm 2008, Tòa án huyện Đan Phượng giải quyết cho dòng họ Nguyễn Đình được xây nhà thờ. Đồng thời vẫn để lại 1 phần diện tích để cụ Oanh ở và sinh sống đến bây giờ, có lối đi rộng 1m. Sau khi cụ Oanh mất đi sẽ phải ban giao toàn bộ diện tích đó cho tập thể dòng họ Nguyễn Đình.
Cũng theo ông Đà, từ hôm cụ Oanh mất, gia đình cụ đã kiến nghị với xã để giải quyết lối đi và họ mong muốn phá bỏ một phần công trình của nhà thờ dòng họ Nguyễn Đình, nhưng xã không giải quyết được vì đó là quyết định của Tòa án Đan Phượng đã có hiệu lực.
Gia đình anh Minh mua cát, xi măng, sẵn sàng an táng cha ngay tại nhà nếu xã không đòi được lối đi.
“Họ gây “áp lực” với xã là sẽ an táng tại nhà, nhưng theo qui định của Nhà nước thì không được phép làm như vậy. Chúng tôi đã liên tục cử cán bộ xuống giải thích cho gia đình hiểu. Hiện những thành viên trong Ban Văn hóa cụm dân cư khu vực đó hứa sẽ mang linh cữu cụ ra ngoài an toàn để mai táng. Vì cụ Oanh là gia đình chính sách, nên chúng tôi cũng đã cho người đào huyệt giúp gia đình. Hiện tại, theo qui định Nhà nước, mùa hè không để thi thể quá 36 tiếng trong nhà. Nhưng bây giờ đã quá 4 tiếng, nên chúng tôi tiếp tục xuống vận động giải thích cho gia đình hiểu và tự giác thực hiện…”, ông Đà nói.
Khi được hỏi, nếu xã không giải quyết được lối đi theo mong muốn của tang chủ, mà gia đình kiên quyết an táng tại nhà, chính quyền xã giải quyết thế nào? Ông Đà khẳng định: “Tôi tin là sẽ vận động được. Trước mắt chúng tôi cố gắng vận động gia đình để lo hậu sự cho cụ Oanh xong xuôi, sau đó gia đình có vướng mắc gì về đất đai sẽ giải quyết sau. Trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ họp bàn xin ý kiến chỉ đạo của huyện, nhất quyết không để gia đình an táng tại nhà”.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Hà Nội: Xây dựng đề án miễn thu phí đến đền chùa lễ
- Trước thực trạng, nhiều đền, chùa, di tích lịch sử thu phí cả của người đi lễ, Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP cần xây dựng đề án miễn thu phí cho người dân đi lễ vào các ngày rằm, ngày mồng 1 hàng tháng...
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 10 di tích lịch sử - văn hóa đang thu phí tham quan, gồm: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Khu di tích Cổ Loa, Đền Quán Thánh, Nhà tù Hỏa Lò, Chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Thầy, chùa Tây Phương, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Mới đây, để đánh giá công tác thu phí này, Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng Nhân dân TP (HĐND TP) Hà Nội vừa có đợt khảo sát tình hình thu, quản lý và sử dụng phí tham quan tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn và đã nêu ra một số bất cập cần sửa đổi.
Theo đánh giá của Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP, các đơn vị được giao thu phí tham quan đã thực hiện nghiêm túc nghị quyết của HĐND TP, mức thu phí được thực hiện đúng quy định. Nguồn kinh phí tham quan được sử dụng để tu bổ, phục hồi di tích và chi cho công tác quản lý, nhờ đó các di tích có thu phí được bảo vệ tốt hơn, cảnh quan môi trường sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo, lễ nghi trong di tích được bảo tồn.
Người dân đi lễ chùa. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, qua công tác thu phí còn nảy sinh nhiều bất cập, trong đó theo quy định của UBND TP thì thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố Hà Nội là khách tham quan nhưng các đơn vị thu phí tại di tích đã thu phí tất cả các đối tượng bao gồm cả người đi lễ.
Đáng chú ý, tại các quần thể di tích lớn tại Làng cổ Đường Lâm, người dân đi lễ Chùa Mía hoặc khách vào làng ngoài mục đích tham quan đã bị ảnh hưởng, phiền hà bởi việc thu phí.
"Thực trạng này đã phần nào hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, việc thu phí đối với trẻ dưới 15 tuổi rất khó thực hiện vì phải xuất trình giấy tờ chứng minh độ tuổi...", Ban Văn hóa xã hội nhận định.
Trước những bất cập này, Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP Hà Nội cho biết, đã đề xuất, kiến nghị UBND TP cần xây dựng Đề án trình HĐND TP điều chỉnh quy định về phí tham quan các di tích có cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, trong đó nghiên cứu bổ sung quy định miễn thu phí cho người dân đi lễ vào các ngày rằm, ngày mồng 1 hàng tháng, ngày tết nguyên đán và các ngày lễ hội khác để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Đồng thời, thay quy định miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi bằng chiều cao của trẻ.
Vạn Xuân
Theo_VnMedia
Phá bức bình phong "xấu xí" trước lăng vua Ngô Quyền Chiều ngày 13/3, bức bình phong có hình "quái vật" trước cửa lăng vua Ngô Quyền đã được đập bỏ. Đôi rồng trên lăng cũng được tô lại màu ghi, hệ thống nước thải được tháo dỡ. Bức bình phong được phá bỏ (Ảnh: N. Hinh) Thông tin từ cụ Dương Hữu Số - cụ thủ từ lăng vua Ngô Quyền (Đường Lâm,...