Hà Nội: Đền bù… 50.000đ một mét vuông đất
(Dân trí) – Đất ở thủ đô Hà Nội thuộc loại đắt nhất thế giới, có nơi giá đất đến cả trăm triệu đồng/1m2. Nhưng nghịch lý lại xảy ra ở quận Long Biên, giá đất mà UBND quận áp giá “hỗ trợ” cho người dân chỉ 50 nghìn đồng/1m2.
Thu hồi đất không có quyết định
Trong đơn thư gửi báo Dân trí, hàng chục hộ dân ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội phản ánh việc UBND quận Long Biên thu hồi đất của các hộ dân để mở rộng tuyến đường Trường Lâm nhưng không có quyết định phê duyệt dự án cũng như không có quyết định thu hồi đất.
Video đang HOT
Người dân phản ánh sự việc với phóng viên
Đại diện cho các hộ dân, bà Lương Thị Mộc (số nhà 99, đường Trường Lâm) cho biết: “Đất nhà chúng tôi sinh sống ổn định, không tranh chấp từ trước năm 1993, hàng năm chúng tôi vẫn đóng thuế đất và đã được UBND huyện Gia Lâm (cũ) công nhận ranh giới. Nếu chính quyền địa phương lấy đất làm đường thì cũng phải bồi thường cho chúng tôi theo giá quy định của thành phố là 14 triệu đồng/1m2, chứ nói là hỗ trợ giải phóng mặt bằng chỉ có 50 nghìn đồng/1m2 là hết sức vô lý”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, một hộ dân có đất bị thu hồi cũng phản ứng: “100% người dân ở đây sẵn sàng giao đất để làm đường nhưng phải đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Đất của gia đình tôi ở ổn định từ trước năm 1993, mặc dù chưa có sổ đỏ nhưng khi tiến hành lấy đất thì UBND quận Long Biên phải đền bù chứ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mở rộng tuyến đường Trường Lâm là chủ trương của UBND quận Long Biên, tuy nhiên việc thu hồi đất lại không có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Người dân đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi”
Người dân không đồng tình nên việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc UBND quận Long Biên không có quyết định phê duyệt dự án, không có quyết định thu hồi đất nhưng lại tiến hành thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải lý giải: “Phần đất 5m mà UBND quận Long Biên thu hồi để mở rộng vỉa hè là đất lưu không, trước kia là hành lang đê thủy lợi thuộc quyền quản lí của chính quyền địa phương, nên không cần quyết định thu hồi đất”.
Theo ông Hải, trong 5m đất lưu không bị thu hồi có hộ được cấp sổ đỏ, có hộ chưa được cấp. Một số trường hợp xây dựng nhà 4-5 tầng kiên cố. “Những trường hợp này UBND quận sẽ xem xét thỏa thuận với người dân. Nếu người dân đồng ý cho lấy đất giải phóng mặt bằng thì làm còn không đồng ý thì thôi. Cho đến thời điểm hiện tại UBND quận Long Biên chưa cưỡng chế bất cứ gia đình nhà nào và vẫn đang đề nghị UBND phường Đức Giang vận động bà con nhân dân”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà (hộ dân số nhà 37, đường Trường Lâm) lại cho rằng, việc thu hồi đất có chiều dài là 5m, “ăn” vào phần đất mà các hộ dân đang sử dụng là 2m nhưng lại cho rằng đó là đất lưu không và là hành lang mương thủy lợi thì hoàn toàn không đúng. Bởi lòng mương rộng 2,4m và hành lang mương thủy lợi rộng 3m (có mốc chỉ giới của UBND huyện Gia Lâm kèm theo) đã được lấy hết để làm đường và làm vỉa hè. 2m còn lại mà UBND quận Long Biên định thu hồi là đất thuộc quyền sở hữu của người dân, vì thế, phải đền bù theo đúng quy định chứ không thể nói là “hỗ trợ 50 nghìn đồng/1m2″.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Mạnh Hải, về phần vỉa hè, nguyên tắc lấy lại toàn bộ đất công mà người dân đang lấn chiếm. Đối với diện tích của các hộ dân có sổ đỏ thì phải có đề xuất và có biên bản làm việc với các hộ dân. Việc mở đường trước mắt là người dân có thiệt, song cái lợi về sau sẽ là nhiều hơn.
Hồng Ngân