Hà Nội đề xuất bắn pháo hoa tại cầu Nhật Tân
Với mong muốn cầu Nhật Tân sẽ là điểm đến của du khách, ngành văn hóa Hà Nội đã đề xuất tổ chức bắn pháo hoa trên cây cầy này.
Trao đổi với VnExpress chiều 20/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho biết Sở đã có văn bản đề xuất với UBND thành phố xin tổ chức bắn pháo hoa tại cầu Nhật Tân bằng nguồn tiền xã hội hóa.
Theo ông Động, thành phố đã cho phép người dân thăm quan cầu dây văng dài nhất Việt Nam, do đó Sở có ý tưởng biến nơi đó thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến văn hóa cho du khách thăm Thủ đô. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất của ngành Văn hóa, thành phố Hà Nội đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu và sẽ cho ý kiến trong cuộc họp ngày 22/1 này.
Người dân Thủ đô có thể được xem bắn pháo hoa tại cầu Nhật Tân trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: Giang Huy.
“Chưa thể nói cụ thể sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở trên cầu hay hai đầu cầu vì thành phố còn chờ ý kiến của phía quân đội và công an. TP HCM đã bắn pháo hoa trên nóc nhà được nên vấn đề an toàn tôi nghĩ không phải lo”, ông Động nói.
Video đang HOT
Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội chia sẻ, việc bắn pháo hoa tầm cao hay thấp phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Quyền lợi của nhà tài trợ chủ yếu là được treo băng rôn quảng cáo hai đầu cầu trong những ngày tổ chức bắn pháo hoa. Nếu thành phố đồng ý và có nhà tài trợ, sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại cầu Nhật Tân ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã quyết định tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi tại 30 điểm. Các điểm tầm cao sẽ là hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và điểm số 5 ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm).
25 điểm pháo hoa tầm thấp sẽ tương ứng với 25 quận, huyện, thị xã còn lại, vị trí do từng đơn vị xác định. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đặt yêu cầu việc tổ chức bắn pháo hoa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị trước, trong và sau khi bắn.
Cùng trong kế hoạch chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015, Thường trực thành ủy Hà Nội chấp thuận kế hoạch bắn pháo hoa tầm cao tại 5 điểm trung tâm thành phố vào dịp Giải phóng miền nam và Quốc tế Lao động (30/4-1/5) và Ngày Quốc khánh (2/9). Mục đích nhằm thu hút khách du lịch đến thủ đô trong không khí vui tươi của một thủ đô hòa bình, khuyến khích người dân phấn đấu thi đua lao động, xây dựng thủ đô văn minh hiện đại.
Võ Hải
Theo VNE
Đề xuất bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân
Sở Văn hóa Hà Nội vừa đề xuất ý tưởng lập điểm bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân, cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Theo ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội), cầu Nhật Tân rất đẹp, từ đó Sở đưa ra ý tưởng lập điểm bắn pháo hoa thường xuyên ở đây để cho người dân đến thưởng thức.
Người dân đi bộ chiêm ngưỡng cầu Nhật Tân trước khi cây cầu khánh thành. Ảnh: Anh Tuấn.
Ông Động cũng cho hay, ý tưởng nếu được thành phố thông qua thì kinh phí sẽ được huy động 100% từ doanh nghiệp, cá nhân (xã hội hóa). Các đơn vị muốn bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân ngoài việc đáp ứng yêu cầu về kinh phí, còn phải đảm bảo về kỹ thuật, nghệ thuật và đặc biệt là an toàn thì có thể được tạo điều kiện thực hiện thường xuyên chứ không chỉ riêng vào các ngày lễ lớn của Hà Nội cũng như cả nước.
Dự kiến trong tuần này, UBND thành phố Hà Nội sẽ nghe đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày rõ hơn ý tưởng này.
Sau 6 năm thi công, ngày 4/1/2015, cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á bắc ngang qua sông Hồng - chính thức được khánh thành. Tổng mức đầu tư của cầu hơn 13.600 tỷ đồng.
Sau khi khánh thành rất nhiều người lên mặt cầu đỗ phương tiện trái phép để tham quan gây mất trật tự, an toàn giao thông. Từ đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở GTVT xây dựng phương án cho người dân lên tham quan cầu.
Cầu Nhật Tân dài hơn 3,7km, nằm trên đường vành đai II, bắt đầu từ Phú Thượng (Tây Hồ) chạy song song, cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng cắt với QL 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc và kết thúc tại đường Nam Hồng (Đông Anh).
Phần cầu chính là cầu dây văng liên tục được làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, với 5 trụ tháp, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng.
Mặt cầu Nhật Tân rộng 33,2 m chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp. Đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế đạt tiêu chuẩn phố chính cấp I, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 80 km/h, các đường gom đạt tiêu chuẩn đường khu vực cho phép xe chạy với vận tốc 60 km/h.
Theo NTD
Thay đổi phương án phân luồng tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài Trước những bất cập trên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố các phương án phân luồng mới hợp lý hơn. Đặc biệt trong đó có việc tháo dải phân cách cứng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Căn cứu vào hồ sơ tổ chức giao thông đã được phê...