Hà Nội đề nghị điều chỉnh giá viện phí
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình HĐND TP đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh.
Tăng viện phí sẽ giảm bớt khó khăn cho các cơ sở y tế
Theo UBND TP, việc tăng giá là cần thiết bởi khung giá viện phí hiện nay đã quá lỗi thời.
Giá cũ quá lạc hậu
Theo UBND TP Hà Nội, khung giá dịch vụ y tế hiện nay của các bệnh viện thực hiện dựa trên cơ sở giá tính từ thời điểm Thông tư 14 ban hành từ năm 1995 đến nay đã 18 năm. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu đã tăng 8,7 lần (từ 120.000 đồng lên 1.050.000 đồng), mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng (trước đây là 3% lương, nay là 4,5% lương)…
Video đang HOT
Vì thế, việc tiếp tục duy trì khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũ khiến cho việc vận hành các bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người sử dụng. Khung giá viện phí ban hành thấp và không điều chỉnh theo tốc độ tăng quá nhanh của vật giá dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo, nhiều bệnh nhân BHYT phải chấp nhận từ bỏ quyền lợi BHYT và đăng ký theo diện tự nguyện. Mức thu viện phí còn mang tính bình quân, không phân biệt khả năng đóng góp của người bệnh nên chưa huy động đúng và hợp lý các nguồn lực củaxã hội cho hoạt động y tế, chưa khuyến khích được người mắc các bệnh thông thường điều trị ở tuyến y tế cơ sở. Cơ cấu giá không phản ánh đúng chi phí tối thiểu cho việc sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư cần thiết để thực hiện các dịch vụ y tế, gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong cân đối kinh phí khám, chữa bệnh; quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT bị ảnh hưởng…
Thực tế, kể từ 29/2/2012, sau khi liên Bộ Y tế – Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, đã có 61 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh (chỉ còn lại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa điều chỉnh). Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí của 2 TP lớn nhất cả nước sẽ không được diễn ra cùng lúc. Như vậy, nếu TP Hà Nội điều chỉnh giá viện phí vào tháng 7/2013 thì TP Hồ Chí Minh sẽ phải lùi tới cuối năm.
Điều chỉnh giá 819 dịch vụ
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, nguyên tắc điều chỉnh giá viện phí phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn… Đồng thời, phải đảm bảo mặt bằng chung thống nhất về giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố. Mức giá được xây dựng trên cơ sở có lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại bệnh viện, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân cũng như tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cân đối quỹ BHYT của Hà Nội.
Cụ thể, đợt này, UBND TP đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó, điều chỉnh giá 5 dịch vụ khám bệnh; kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ ngày giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật trong 447 dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế – Tài chính; giá của 333 phẫu thuật, thủ thuật; đồng thời, quy định tạm thời mức giá cho 99 dịch vụ kỹ thuật khác. Các mức điều chỉnh do UBND TP đề xuất ở mức khoảng 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế – Tài chính quy định.
UBND TP Hà Nội cho biết, để nâng cao chất lượng dịch vụ, trước mắt là công tác khám chữa bệnh và đảm bảo giường điều trị cho người bệnh, hàng năm, các đơn vị được phép thu phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa; máy tính; các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa, bàn ghế, gường tủ… cho các phòng khám, buồng khám. Ngoài ra, 15% số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị sẽ được dành để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh… để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chủ trương tăng viện phí sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, sẽ khai mạc vào 1-7 tới. Nếu được HĐND TP thông qua, quy định về mức viện phí mới có thể sẽ được áp dụng từ 1-8-2013.
Xây dựng chính sách thu hút nhân tài
UBND TP Hà Nội cũng đã có tờ trình HĐND TP về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Cụ thể, những nhân tài sẽ được TP tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hỗ trợ đãi ngộ thu hút bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận. Ngoài ra, sẽ được thuê, mua nhà ở theo chính sách ưu tiên của Nhà nước và thành phố. Sau 2 năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài và được thành phố hỗ trợ kinh phí.
Các đối tượng trong diện tuyển dụng đặc cách phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Hà Nội tối thiểu 7 năm, kể từ thời điểm được tiếp nhận hoặc tuyển dụng đặc cách, không tính thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và thời gian cam kết phục vụ sau đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp vi phạm cam kết phải hoàn trả lại các khoản kinh phí hỗ trợ đãi ngộ.
Theo xahoi
Viện phí tại Hà Nội sẽ tăng 'khủng'?
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết, Hà Nội đề xuất tăng viện phí từ 1/8 tới.
Đề xuất tăng viện phí sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình lên Hội đồng nhân dân Thành phố trong kỳ họp vào đầu tháng 7 tới. Nếu được thông qua, việc tăng viện phí sẽ được áp dụng sớm nhất từ 1/8.
Theo đề xuất của Sở Y tế Hà Nội, việc tăng viện phí lần này sẽ được thực hiện có lộ trình, mức viện phí sẽ tăng đến xấp xỉ 75% so với khung giá trần của Bộ Y tế trong khoảng từ nay cho tới hết năm 2014. Đến năm 2015, Hà Nội sẽ nâng lên bằng với mức giá trần của Bộ Y tế.
Người dân mong chờ việc tăng viện phí phải song hành tăng chất lượng dịch vụ y tế.
Kết quả khảo sát của Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển về cộng đồng mới đây cho thấy, 80% bệnh nhân và người nhà được hỏi đồng ý với ý tưởng tăng viện phí với điều kiện ngành y tế Thủ đô phải cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cũng cho rằng, nguyên nhân là do phí dịch vụ y tế quá thấp và không được điều chỉnh, trong khi chi phí phục vụ khám chữa bệnh liên tục tăng. Mức viện phí dự kiến tăng chưa thể giải quyết hết khó khăn hiện nay.
Trước đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết quý 1/2013, cả nước có 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt khung giá viện phí mới. Hai địa phương còn lại là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt khung giá dịch vụ y tế mới.
Còn theo Bộ Y tế, tới đây viện phí sẽ tính cả cơ cấu lương, phụ cấp cho nhân viên y tế, chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học, khấu hao nhà cửa thiết bị y tế, nên nếu giá dịch vụ y tế tính đúng, đủ thì sẽ còn tăng thêm nhiều so với hiện tại. Vì vậy, mục tiêu của Bộ Y tế vẫn là tiến tới cung cấp bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo vietbao
Khánh thành Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng Sáng 19.1, Bệnh viện (BV) Ung thưĐà Nẵng đã chính thức khánh thành với quy mô ban đầu 200 giường bệnh. Phát biểu tại lễ khánh thành BV Ung thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính T.Ư, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - bày tỏ mong muốn đội ngũ y bác sĩ tại đây nâng cao trình...