Hà Nội đặt mục tiêu GDP 8-8,5% trong năm 2013
Ngày 4-12, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – xã hội, trong đó đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2013 là 8-8,5%. Cùng ngày, HĐND cũng đã thông qua Nghị quyết dự toán và phân bổ dự toán ngân sách năm 2013
Các đại biểu dành nhiều sự quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa
Tại phần thảo luận, hầu hết các đại biểu đã nhất trí với nhiều nội dung dự thảo báo cáo của UBND TP Hà Nội trình tại kỳ họp, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân. Các đại biểu cũng cơ bản đồng tình với nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu cho năm 2013. Bên cạnh đó phần lớn đại biểu cho rằng, thành phố cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính tạo thuận lợi doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.
Video đang HOT
Đại biểu Châu Thị Thu Nga (huyện Phúc Thọ) đề nghị UBND TP có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. “Gỡ khó cho các doanh nghiệp này không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân mà còn tác động tích cực tới các ngành sản xuất khác như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng… Qua đó tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. UBND TP cần có phương hướng để các doanh nghiệp bất động sản xây dựng nhà ở với mức giá trung bình, nhà ở thu nhập thấp phù hợp với nhu cầu và tài chính của người dân. Thông qua các cơ chế hỗ trợ như miễn, giảm thuế, cấp đất… cho các dự án này”, đại biểu kiến nghị.
Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, không chỉ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bất động sản mà quan trọng hơn là phải tháo gỡ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp làng nghề. Bởi đối tượng lao động làm việc ở khu vực này rất lớn nên việc hỗ trợ các doanh nghiệp này cũng góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đại biểu Trần Thị Vân Hoa (huyện Phú Xuyên), việc hỗ trợ các doanh nghiệp được nói rất nhiều, tuy nhiên gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ đồng của thành phố tại quỹ hỗ trợ đầu tư để giúp doanh nghiệp tính đến nay mới chỉ hỗ trợ được 17 tỷ đồng. Bà Hoa cho rằng, cần phải làm rõ lý do vì sao giải ngân thấp như vậy?
Liên quan tới lãi suất, đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương (huyện Đông Anh) cho biết, TP có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như thuế, lãi suất, vay vốn, giải quyết hàng tồn kho… Nhưng năm 2013 cần làm ráo riết hơn, cụ thể hơn, khẩn trương hơn.
24 mục tiêu cụ thể
Ngoài những ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, các đại biểu cũng nêu ý kiến, kiến nghị liên quan tới các vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường… Những vấn đề đại biểu quan tâm đã được đại diện UBND, đại diện các sở ngành tham gia giải trình, tiếp thu.
Sau phần thảo luận, các đại biểu đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2013 của TP Hà Nội. Nghị quyết được thông qua với đa số phiếu tán thành. Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội trong năm tới là: Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012 bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm và xây dựng nông thôn mới. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học, y tế. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn – xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Nghị quyết bao gồm 24 mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được thông qua ở mức từ 8 – 8,5%. Trong đó, dịch vụ 9 – 9,3%, công nghiệp-xây dựng 7,7 -8,2%, nông nghiệp 1,8 – 2,2%.
Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết dự toán và phân bổ dự toán ngân sách năm 2013.
Theo ANTD
Ngân hàng "vô cảm" với nhiều doanh nghiệp
"Ngân hàng đã "giết chết" rất nhiều doanh nghiệp (DN). Năm ngoái, tôi đề nghị phải cứu DN trước khi "chết", đừng để DN "chết" rồi mới cứu. Giờ thì, DN ngừng hoạt động rất nhiều nhưng không phá sản được..."- đại biểu Lê Văn Thành đã nói lên bức xúc trước tình trạng hàng vạn DN của HN rơi vào tình trạng tồi tệ trong phiên thảo luận tại hội trường hôm 4.12 của HĐND TP.Hà Nội.
Doanh nghiệp bất động sản khó khăn vì thị trường mất thanh khoản kéo dài. Ảnh: T.L
Nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng"
Cùng ngày, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013, với chỉ tiêu tăng trưởng GDRP từ 8-8,5%. Trước khi thông qua nghị quyết, các đại biểu đã thảo luận về nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Trong đó, việc "giải cứu DN" được nhiều đại biểu phân tích, "mổ xẻ".
Đại biểu Lê Văn Thành (Thanh Xuân) cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo nguồn thu cho TP, mấu chốt phải là cải thiện chính sách tiền tệ. Ông Thành cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia đã từng chứng kiến kịch bản hiện nay, năm 2012 rất xấu, đến 2013 - 2015 mới thực sự khó khăn, hệ lụy rất lớn đến nợ xấu ngân hàng. "Ngân hàng đã "giết chết" rất nhiều DN. Năm ngoái, tôi đề nghị phải cứu DN trước khi "chết", đừng để DN "chết" rồi mới cứu. Giờ thì, DN ngừng hoạt động rất nhiều nhưng không phá sản được, "chết lâm sàng" liên quan đến lãi suất cho vay của ngân hàng. Ngân hàng cho vay với lãi suất tới 24% thì cướp đi toàn bộ những gì DN tích lũy được trong 15 năm" - ông Thành chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, theo ông Thành, chính sách tiền tệ phải đi trước một bước mới tạo được niềm tin cho DN tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, nếu không chắc chắn, không có niềm tin gì để đầu tư cả.
Nói về giải pháp của năm 2013, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tháo gỡ khó khăn của DN không phải là mục tiêu tổng quát mà chỉ là giải pháp trong đó, TP không thể chỉ quan tâm đến các DN bất động sản mà phải quan tâm đến cả những DN khác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. "Chúng ta có hàng nghìn DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các làng nghề... đang tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Đây là chỗ chúng ta cần quan tâm, chứ không phải chỉ nói là tháo gỡ khó khăn cho DN một cách chung chung" - ông Nam phân tích.
Giải ngân nguồn vốn rất chậm
Đại biểu Trần Thị Vân Hoa (Phú Xuyên) phàn nàn, năm 2012 TP đã chi 100 tỉ đồng hỗ trợ DN, có những quyết sách rất rõ ràng, nhưng trong báo cáo mới chi được có 17 tỉ đồng, tức chỉ có 17%. Nếu không làm rõ được một cách công bằng, xem xét kỹ lưỡng lý do thì sẽ không thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ DN trong năm tới.
Đại biểu Nguyễn Thanh Mai (Hà Đông) cho biết, việc chi ngân sách trên địa bàn TP đang tồn tại nghịch lý, nguồn thu hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn nhưng việc giải ngân nguồn vốn rất chậm. Cụ thể, như một số chính sách xây dựng nông thôn mới, gói ứng vốn 500 tỉ đồng phục vụ dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, HĐND TP đã có nghị quyết ban hành từ những tháng đầu năm, nhưng đến giữa tháng 11 mới giải ngân cho các địa phương, nên không thể thực hiện được. Đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, các nguyên nhân đưa ra không mới, nhưng việc thực hiện cũng không khả quan hơn.
Cũng trong ngày làm việc thứ hai, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn TP năm 2013 với mức giá cơ bản giữ ổn định như năm 2012, có điều chỉnh cục bộ giá đất tại một số vị trí, đường phố, khu vực có đầu tư nâng cấp hạ tầng tốt hơn, nhưng không vượt quá tỉ lệ vượt mức khung giá quy định. Hôm nay (ngày 5.12), HĐND sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ước cả năm 2012, có 15.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn 83.000 tỉ đồng - bằng 90% về số DN và 70% về vốn đăng ký so với năm 2011. Đến hết 9 tháng đầu năm, tổng số DN ngừng hoạt động là 12.542 (bằng 11,4% số DN hoạt động). Trong 9 tháng, chỉ có 17,5% số tờ khai có phát sinh thuế VAT nộp ngân sách với số thuế phát sinh 14.341 tỉ đồng. X.Thu.
Theo laodong
Xây trường công lập chậm: Quận, huyện có lỗi với giáo dục Trong năm học 2012 - 2013, TP.Hà Nội cho biết sẽ xây mới 19 trường, trong đó có 9 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT. Tuy nhiên, tiến độ các dự án đều chậm. Việc thiếu các trường mầm non, khiến các phụ huynh quá vất vả khi đăng ký học cho con em mình....