Hà Nội: Cuộc sống khó khăn của hàng nghìn người dân rơi vào quy hoạch “treo” 45 năm
Điện sinh hoạt hàng tháng phải chịu lũy tiến giá cao, nhà “trắng” sổ đỏ, nhiều ngôi nhà dột nát có thể đổ sập bất thình lình, đó là những nỗi gian khó đang tồn tại hàng ngày ở khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, khu vực nằm trong quy hoạch công viên được lập 45 năm trước.
Trở lại khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn ( quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), nơi gần 600 hộ gia đình, với trên 2000 nhân khẩu đang phải chịu cảnh “Bốn không: Không sổ đỏ, không được xây nhà, không chia khẩu, tách khẩu”, phóng viên báo Dân trí đã ghi nhận được nhiều ý kiến khẩn thiết đề nghị TP. Hà Nội xem xét đưa khu dân cư ra khỏi quy hoạch công viên Tuổi trẻ được lập từ năm 1979, nhưng đến nay chưa được thực hiện khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Khu dân cư số 4 Thanh Nhàn với trên 2000 nhân khẩu không được xây nhà vì lỡ rơi vào vùng quy hoạch “treo” gần nửa thế kỷ.
Làm việc với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Hữu Căn, cử tri phường Thanh Nhàn, người đại diện, đồng thời là người trực tiếp viết và gửi hàng chục lá đơn gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội nhận định: Dự án công viên Tuổi trẻ được lập ra từ năm 1979, nhưng không có tiến độ triển khai rõ ràng. Sau 45 năm, ngày hôm nay dự án chưa có động thái triển khai phần nào chứng tỏ dự án không còn khả thi, dự án không cần phần diện tích của khu dân cư số 4 Thanh Nhàn nên cần xem xét đưa ra ngoài quy hoạch, ông Căn cho biết: “Đối chiếu với các quy định hiện hành và Luật Đất đai 2013 có thể thấy dự án trên không còn phù hợp. Dự án được lập năm 1979, nhưng tiến độ triển khai không có. Theo thông tin tôi có được, năm 2001, chủ đầu tư đã có Quyết định bàn giao đất và được duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Theo quy định về đầu tư, đến năm 2004, chủ đầu tư phải triển khai dự án nếu không sẽ hết thời hạn, thực tế diễn ra thế nào tất cả đều đã rõ.
Rất nhiều ngôi nhà cấp 4 đang xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có thể sập bất thình lình khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn các gia đình phải sống chen chúc 6 – 10 người trong căn hộ xây tạm rộng chưa đầy 10m2.
Trong khi dự án bị “treo” vô thời hạn, những người sở hữu nhà đất hợp pháp lại không được cấp sổ đỏ, không được cấp GPXD khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn, kìm hãm đời sống của trên 2000 nhân khẩu đang sinh sống tại đây. Giống như phiếu thăm dò đã gửi UBND phường, người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn chỉ mong muốn được xem xét đưa ra ngoài vùng quy hoạch để người dân thoát khỏi cảnh sống lận đận…”.
Bà Yến, đại diện cho các số nhà 217, 219, 221 bức xúc khi 5 nhân khẩu sống trong ngôi nhà rộng chưa đầy 10m2. Người dân khu dân cư số 4 Thanh Nhàn không được xây nhà như các khu dân cư khác, mặc dù hàng năm người dân vẫn phải đóng thuế ngang bằng với khu dân cư được cấp sổ đỏ.
Đưa phóng viên đi khảo sát khu dân cư số 4, ông Đinh Xuân Tế, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc tái khẳng định mong muốn được ra khỏi quy hoạch của người dân khu vực: “Sau 45 năm sống trong quy hoạch “treo”, người dân hoàn toàn không được xây dựng nên nhiều gia đình phải sống chen chúc 7 đến 10 người trong căn hộ rộng dưới 10m2, có gia đình trên 30 nhân khẩu vẫn phải sống ở các ngôi nhà cấp 4 có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi có nhà đất, nhưng con cháu lại không được quyền sử dụng để vay vốn làm ăn, chỉ vì đất không được cấp sổ đỏ. Dự án đã quá hạn triển khai và vi phạm Luật Đất đai 2013, sự việc này đang đẩy đời sống của người dân vào cảnh khó khăn, chúng tôi chỉ biết khẩn thiết đề nghị Thành ủy – UBND TP. Hà Nội sớm xem xét đưa khu dân cư số 4 ra khỏi quy hoạch theo phiếu thăm dò chúng tôi đã gửi về phường…”.
Ông Đinh Xuân Tế đã trực tiếp đi gửi đơn hàng chục lần đến các cơ quan chức năng Trung ương và TP. Hà Nội đề nghị xem xét đưa khu dân cư số 4 Thanh Nhàn ra khỏi quy hoạch, tạo điều kiện cho hơn 2000 nhân khẩu ổn định cuộc sống.
Video đang HOT
Việc không được tách – nhập hộ khẩu khiến nhiều hộ dân phải dùng chung công tơ, hệ quả là người dân phải chịu tiền điện lũy tiến giá cao từ năm này sang năm khác.
Không chỉ “trắng” sổ đỏ và “vắng” GPXD, việc người dân không được nhập – tách hộ khẩu đang buộc người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn phải chi trả tiền điện sinh hoạt hàng tháng lũy tiến giá cao hơn hẳn các khu vực lân cận khiến người dân chịu thêm gánh nặng trên vai. Bà Thủy, tổ 4D cho biết: “Nhiều năm người dân khu 4 phường Thanh Nhàn đều phải dùng điện lũy tiến theo giá cao, bởi rất nhiều hộ gia đình phải dùng chung công tơ do không được nhập – tách hộ khẩu theo quy định. Đất lỡ rơi vào quy hoạch “treo” dẫn đến việc dân không được cấp sổ đỏ, không được sử dụng tài sản hợp pháp thế chấp vay vốn kinh doanh khiến cuộc sống hàng ngày của người dân ngày càng bức bối…”.
6 nhân khẩu nhà số 257b sống trong căn nhà một tầng rộng chừng 8m2.
Hàng nghìn người dân khu dân cư số 4 Thanh Nhàn mong mỏi được xem xét đưa ra khỏi quy hoạch đã “treo” 45 năm.
Đại diện cho chính quyền địa phương, ông Triệu Như Long, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn khẳng định: “Chính quyền địa phương biết rõ những khó khăn người dân đang gánh chịu và đã có báo cáo đầy đủ lên các cơ quan chức năng đề nghị xem xét ý kiến của người dân. Trong thời gian dự án chưa triển khai, UBND phường mong muốn TP. Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng tạo dựng một hành lang pháp lý để người dân được cấp sổ đỏ, hoặc sửa chữa cải tạo nơi ở đang xuống cấp nghiêm trọng…”.
532 thu về/580 phiếu thăm dò phát ra đều có chung mong muốn được ra khỏi quy hoạch để thoát khỏi tình trạng “bốn không”.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội, tháng 8/2015, UBND quận Hai Bà Trưng đã giao phường Thanh Nhàn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn. Theo kết quả thống kê, 532 phiếu thăm dò thu về/580 phiếu thăm dò được UBND phường Thanh Nhàn phát ra, người dân đều có chung đề xuất được TP. Hà Nội xem xét đưa ra khỏi vùng quy hoạch để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Hàng chục ngôi nhà xuống cấp phải dùng bạt phủ tạm để chống dột trong mùa mưa.
Sau khi có kết quả thăm dò ý kiến, UBND phường Thanh Nhàn đã có báo cáo chi tiết gửi UBND quận Hai Bà Trưng để quận tiếp tục làm việc với các Sở, ngành chức năng xem xét ý kiến của người dân. Trước việc được chính quyền các cấp tổ chức lấy ý kiến công khai, dân chủ, gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn đang mong mỏi từng ngày được TP. Hà Nội xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, sau 45 năm sống cảnh thấp thỏm lo âu.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương
Theo Dantri
Hà Nội: "Điểm mặt" loạt công trình nhiều năm "xẻ thịt" công viên Tuổi trẻ
3 năm sau ngày Sở Quy hoạch Kiến trúc "điểm mặt" loạt công trình ngang nhiên "xẻ thịt" khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô vốn dành cho hoạt động cộng đồng, đến nay tình trạng vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để mặc dù Chủ tịch TP. Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, một số người dân sinh sống quanh khu vực công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) gửi ý kiến phản ánh: Nhiều diện tích đất công ích, được phê duyệt quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh, sân thể thao...thuộc khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích gây ảnh hưởng đến quyền lợi sử dụng công viên của hàng ngàn hộ dân trong khu vực.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được TP. Hà Nội chú trọng đầu tư xây dựng phục vụ các hoạt động của thanh thiếu niên và người dân quận Hai Bà Trưng đang bị "xẻ thịt" nghiêm trọng.
Về những vi phạm xây dựng xảy ra trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô, từ năm 2010 đến năm 2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) và các cơ quan chức năng đã nhiều lần thanh, kiểm tra, lập biên bản, "điểm mặt" hàng loạt công trình vi phạm nhưng đến nay việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng vẫn bị "bỏ quên" gây bất bình dư luận.
Tầng hầm Cung Xuân chưa được khai thác sử dụng đúng mục đích được TP. Hà Nội phê duyệt.
Sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, hiện đơn vị chức năng Sở Xây dựng Hà Nội đang đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, rà soát hồ sơ, ban hành các quyết định cưỡng chế, phối hợp với các đơn vị tổ chức việc cưỡng chế phá dỡ hàng loạt công trình vi phạm trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô, trả lại khuôn viên xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng theo đúng quy hoạch được TP. Hà Nội phê duyệt.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn tình trạng vi phạm đang diễn ra trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô, báo Dân trí xin điểm lại loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng khiến dư luận bức xúc:
Diện tích GPMB để phục vụ dự án được biến thành bãi trông giữ xe ôtô ngày và đêm.
Công trình phục vụ cộng đồng nằm sau các công trình vi phạm đang xuống cấp do người dân không có điều kiện sử dụng hàng ngày.
Hàng nghìn m2 được duyệt quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh được "hóa phép" thành trung tâm tổ chức tiệc cưới hoành tráng.
Đất đã GPMB trên mặt phố Võ Thị Sáu bị tái lấn chiếm công khai.
Đất quy hoạch trồng cây xanh trở thành sân bóng mi ni cho thuê kinh doanh.
Diện tích hầm khu sân tennis có mái che đang sử dụng sai mục đích khi cho thuê kinh doanh siêu thị.
Tận dụng mọi khoảng trống ở cổng chính Công viên Tuổi trẻ Thủ đô làm bãi trông giữ xe ôtô.
Cơ quan chức năng kết luận nhiều công trình công cộng ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô chưa được sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch được duyệt.
Một số sân tennis được xây dựng nằm ngoài số lượng và vị trí được TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương
Theo Dantri
Vụ 146 Quán Thánh: Lãnh đạo TP Hà Nội sẽ trực tiếp đối thoại với người dân Sau khi các hộ dân liên tục phản đối phương án xây dựng cống mới bằng tiền ngân sách được Chủ tịch UBND quận Ba Đình đưa ra, chiều nay lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ chủ trì buổi đối thoại với cư dân 146 Quán Thánh để xem xét và giải đáp đề nghị chính đáng của người dân. Như thông tin...